(SGTT) – Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn cho rằng căn bếp là thế giới riêng của mẹ và con gái. Tuy nhiên, nhiều bé trai có mặt ở cuộc thi Vào bếp cùng mẹ đã chứng minh điều ngược lại.

Thao tác cầm dao xắt hành, băm tỏi, lặt rau… thuần thục của các bé trai tham gia Vào bếp cùng mẹ hôm 7-7 đã khiến không chỉ khách tham dự mà các giám khảo đều tấm tắc khen “sao mà khéo”. Đó chính là kết quả của một thời gian dài mà các bà nội trợ dạy con mình làm bếp với những bí quyết riêng.

Cậu bé Hà Thắng Quốc Huy cùng mẹ Lý Diễm Hồng đã có mặt ở cả hai mùa giải của Vào bếp cùng mẹ. Hai mẹ con cho biết họ đã dừng lại quá sớm ở mùa giải năm ngoái nên sẽ quyết tâm làm tốt hơn ở mùa hai này. Và họ đã xuất sắc trở thành một trong hai đội chơi có số điểm cao nhất tuần thứ 2, giành tấm vé bước vào vòng chung kết.

Chị Diễm Hồng hiện là nội trợ. Ngoài công việc nhà, chị còn làm bánh bán theo đơn đặt hàng. Từ những ngày phụ mẹ làm bánh, bé Quốc Huy đã bắt đầu làm quen với gian bếp.

Chị Diễm Hồng cho biết, chị rất yêu công việc bếp núc nên muốn truyền tình cảm ấy cho con. Tuy nhiên, vì mẹ thuận tay trái còn con thuận tay phải nên chị đã gặp không ít khó khăn trong việc dạy bé dùng dao. Bù lại, bé rất giỏi trong việc tiếp thu các khâu làm bánh mà chị truyền đạt.

Mẹ Lý Diễm Hồng và bé Hà Thắng Quốc Huy. Ảnh Trần Linh

“Từ năm bé học lớp một, tôi đã cho bé làm những việc đơn giản như lặt rau, nấu cơm, chiên trứng… để con có thể tự chăm sóc bản thân khi lớn lên. Mỗi khi đi học các lớp nấu ăn, tôi cũng đều cho bé theo để cùng học. Đây là cách mà tôi muốn truyền cảm hứng vào bếp cho con”, chị Diễm Hồng chia sẻ.

San sẻ việc nhà phụ mẹ

Ngoài giúp con rèn luyện tính tự lập, chị Ngô Thị Nhung còn muốn thông qua công việc bếp núc, bé Khôi Nguyên sẽ biết san sẻ việc nhà cùng mẹ, và sau này là tổ ấm riêng của con.

Vì tính chất công việc, chị Nhung thường xuyên phải đi làm cả ngày. Chính vì thế, cả hai con trai của chị Nhung đều được làm quen với việc nhà từ năm lớp một. Trong đó, việc đầu tiên ở gian bếp mà chị rèn cho con trai mình là nấu cơm, rửa chén, đổ rác… rồi dần làm quen với việc cầm dao, kéo… Chị Nhung cho biết quan điểm của gia đình chị là thương con thì phải tập cho con tính tự lập, tháo vát, “vì ba mẹ không thể theo con cả đời được”.

Bé Phan Ngô Khôi Nguyên là trợ thủ đắc lực của mẹ Ngô Thị Nhung trong gian bếp. Ảnh Trần Linh.

“Dạy con trai làm bếp, quan trọng nhất là mẹ phải rất kiên nhẫn. Nhiều khi thấy con làm rơi vỡ đồ, tôi rất nóng lòng và xót ruột nhưng phải cố gắng bình tĩnh để nhắc nhở con lần sau làm tốt hơn. Và khá vui là từ nhiều năm nay, tôi hầu như không phải tự nấu một nồi cơm nào cả”, chị Nhung tự hào về “thành quả” của mình.

Lặt rau, rửa chén từ lúc 7 tuổi

Mẹ Phạm Thị Thùy Linh và bé Nguyễn Thanh Duy (9 tuổi) là đội thi nhận được nhiều lời khen của ban giám khảo vì đáp ứng tiêu chí phối hợp ăn ý. Chị Thùy Linh cho biết đây là kết quả của việc cho bé Thanh Duy vào bếp từ năm 7 tuổi. Dù bé là con trai nhưng chị vẫn luôn khuyến khích bé làm bạn cùng gian bếp với những công việc đơn giản, vừa sức của con như lặt rau, rửa rau, rửa chén…

Bé Nguyễn Thanh Duy chăm chú lắng nghe ban giám khảo nhận xét phần thi của mình và mẹ. Ảnh Trần Linh.

Chị cho biết, bé Duy rất có năng khiếu nấu ăn và nêm nếm gia vị. Ngoài việc cho con làm quen với những việc nhỏ trong bếp, chị còn thường mua sách dạy nấu ăn hoặc rủ con cùng xem các chương trình về ẩm thực trên YouTube để hai mẹ con cùng học hỏi thêm những kiến thức mới.

“Chọn mua những quyển sách dạy nấu ăn có hình ảnh đẹp và bắt mắt là bí quyết để con trai hào hứng vào bếp cùng mẹ”, chị Thùy Linh bật mí.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây