(SGTTO) – Trên những cây cầu lung linh của Đà Nẵng về đêm, vài chiếc xe máy gắn tấm bảng “chụp ảnh một phút lấy liền” xuất hiện như một điểm nhấn xưa cũ cho cảnh quan. Họ là những người chụp ảnh dạo cuối cùng của thành phố này, sau khi công nghệ hiện đại khiến du khách không còn mặn mà với những bức ảnh giá 20.000 đồng của những ngày đã qua.

Chiếc máy ảnh là “chén cơm” của gia đình, dù có thể giờ đây chén cơm đó không còn đầy như trước nhưng chỉ cần còn sức khỏe, những người chụp ảnh dạo sẽ đều đặn mỗi ngày mưa nắng ra những cây cầu ở Đà Nẵng đợi khách.

Chị Nguyệt (55 tuổi, quê Quảng Nam) có lẽ là người phụ nữ duy nhất chụp ảnh dạo vẫn thường hay đứng ở đầu cầu Rồng. Ảnh: Tiêu Dao
Ai thương mưa nắng bên cầu

Những người trẻ tuổi nắm tay nhau đi dạo bên cầu. Những cây cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi… bên dòng sông Hàn (Đà Nẵng) này bao năm qua đã chứng kiến những đổi thay tan hợp của đời người. Và vẫn có những người chụp ảnh dạo chứng kiến sự đổi thay trên những cây cầu ấy từng ngày.

Tối tối, khi những cây cầu sáng đèn, lấp lánh sông Hàn đủ màu sắc thì những người chụp ảnh dạo lại mang đồ nghề chạy lên cầu cùng chiếc xe máy có treo biển quảng cáo: “Chụp ảnh đẹp lấy ngay sau một phút”. Họ đứng đó, trong ồn ào phố thị, trong xôn xao tiếng người, với dáng vẻ lặng lẽ và chiếc máy ảnh trên tay chào mời.

28 năm làm nghề, ông Vĩnh vẫn đứng bên cầu và nhớ về thời huy hoàng xưa cũ của nghề. Ảnh: Tiêu Dao

Hai mươi năm trước, ông Vĩnh (54 tuổi, nhà tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cùng khoảng 30 người chụp hình khác “đóng đô” trên những cây cầu ở Đà Nẵng, chủ yếu là cầu Sông Hàn. Đó là “những ngày huy hoàng” đối với ông Vĩnh và những người làm nghề này.

“Hồi nớ (đó) vẫn dùng máy phim để chụp, chụp thiệt đã vì nhiều khách lắm! Giá cả thì lại rẻ, hai ngàn rồi ba ngàn, rồi năm ngàn, chừ (bây giờ) chỉ hai mươi ngàn một tấm. Nhưng chừ không còn khách chụp nữa!”, ông Vĩnh nói như một lờn than.

Ông Vĩnh kể, thưở ấy chưa có điện thoại thông minh với những chức năng chụp hình, quay phim hiện đại như bây giờ, khách từ các nơi đổ về Đà Nẵng du lịch muốn giữ lại cho mình những kỷ niệm với thành phố biển này thường chọn dịch vụ chụp hình lấy ngay. Vào những ngày cao điểm, những người như ông Vĩnh làm luôn tay luôn chân. Nhưng vì phụ thuộc vào phòng lab để rửa ảnh, nên có lúc muộn quá, những người chụp hình dạo phải từ chối khách.

Giờ ông Vĩnh đã sắm cho mình dàn đồ nghề mấy chục triệu đồng, sẵn cả máy in ảnh hiện đại, sẵn cả máy ép plastic để làm nghề, nhưng khách chụp hình thì ngày càng thưa vắng.

Ông Tuấn đeo tai nghe, nhìn dòng người qua lại trên cầu bên chiếc xe và đồ nghề chụp hình của mình. Ảnh: Tiêu Dao

Cách chỗ ông Vĩnh đứng, phía bên kia cầu là ông Tuấn, cũng đã gần 25 năm làm nghề. Mái tóc của ông đã bạc, chiếc xe máy và thùng đồ nghề dựng bên thành cầu. Ông đeo chiếc tai nghe mà người con mua cho để nghe nhạc trong lúc rảnh rỗi. Thoáng thấy một nhóm bạn trẻ, ông Tuấn mời chào chụp hình nhưng nhóm bạn trẻ lắc đầu, rồi họ rút điện thoại ra tự chụp cho nhau. Suốt buổi tối hôm đó, ông Tuấn chưa chụp được tấm hình nào.

“Mấy mươi năm trước, ai theo được nghề thợ ảnh là oai lắm! Mỗi ngày chúng tôi chụp hơn 200 kiểu ảnh, thu nhập mấy triệu đồng một ngày là bình thường. Nhưng giờ chỉ dám mong có một, hai người khách ghé chụp để đỡ buồn tay là vui lắm rồi!”, ông Tuấn cười như mếu.

Chỉ còn lại vài người hành nghề chụp hình dạo trên cầu ở Đà Nẵng. Ảnh: Tiêu Dao
Chị Nguyệt có lẽ là tay máy nữ còn lại duy nhất chụp hình dạo trên cầu. Ảnh: Tiêu Dao

Cách đó không xa, chị Nguyệt (55 tuổi, quê Quảng Nam) có lẽ là người phụ nữ duy nhất chụp ảnh dạo vẫn thường hay đứng ở đầu cầu Rồng. Lúc nghề này còn ăn nên làm ra, thời mà máy chụp ảnh còn là cả một gia tài, chị đã theo nghề “nghệ sĩ” này. Chị kể, ngày trước để sắm được chiếc máy ảnh chẳng dễ dàng gì, thêm vào bộ máy in ảnh giá hơn chục triệu đồng nữa. “Túc tắc kiếm được tiền nuôi gia đình qua ngày, nhưng bây giờ mấy ai còn chụp hình dạo nữa”, chị nói.

Làm nghề đã khốn khó, chưa kể từ đầu năm tới nay 2 đợt dịch bệnh Covid-19 liên tiếp giáng xuống thành phố này, không có khách du lịch, những người làm nghề như chị Nguyệt, ông Tuấn, ông Vĩnh lại càng nhọc nhằn hơn. Có những tuần, họ ra đây nhưng không chụp được tấm hình nào. Tất cả lại nhìn nhau rồi lủi thủi dọn đồ nghề ra về khi trời còn chưa khuya…

Phận người, phận nghề

Sức ép cơm áo gạo tiền, và của cả những vui buồn không phải ai cũng biết đã khiến những người chụp hình dạo bên cầu ở Đà Nẵng dần bỏ nghề. Đếm đi đếm lại cũng không quá một bàn tay những người còn làm nghề, họ thường tập trung lại bên cầu Rồng, nơi điểm du lịch mới nổi vài năm trở lại đây để phục vụ du khách.

Ông Tuấn và chị Nguyệt giúp nhau in ảnh cho khách. Ảnh: Tiêu Dao

Bây giờ, giá mỗi tấm hình chụp lấy ngay chỉ chừng 20.000 đồng, cao thêm chút nữa là 30.000 đồng. Một điều đặc biệt là những người chụp hình không giành khách của nhau. Cách đây vài tháng sau đợt dịch Covid-19 lần đầu, Đà Nẵng thực hiện kích cầu du lịch nội địa, khách đông hơn vào dịp cuối tuần và những người chụp hình lại san sẻ khách cho nhau.

Những người chụp hình dạo như một điểm nhấn xưa cũ nơi cầu Rồng. Ảnh: Tiêu Dao

Ông Vĩnh nói: “Cùng làm nghề nên thăng trầm của nghề hầu như ai cũng phải trải qua. Cùng để kiếm miếng cơm qua ngày, nên những người làm nghề đều chia sẻ, động viên nhau, có nhiều khách thì cùng nhau làm, để mỗi người đều kiếm được tiền về lo cho gia đình!”.

Làm nghề này cũng có những kỷ niệm vui. Ông Vĩnh kể lại câu chuyện gần hai mươi năm trước chụp hình cho một đôi vợ chồng mới cưới vào Đà Nẵng du lịch. Vừa rồi, cũng đôi vợ chồng ấy nhưng đi cùng đứa con gần 20 tuổi. Họ quay lại chốn cũ và vô cùng ngạc nhiên khi cảnh sắc đổi thay, nhưng người chụp hình năm nào vẫn đứng đợi khách.

Bây giờ, dù ít ỏi nhưng những người chụp ảnh dạo bên cầu ở Đà Nẵng vẫn cần mẫn cặm cụi hằng đêm. Họ vẫn đứng kiên nhẫn cùng chiếc máy ảnh, bộ đồ nghề in ảnh, chiếc xe cũ kỹ và đôi mắt nhạy nghề. Họ đợi khách, và dường như niềm mong ước bấm máy vẫn được giữ lại mấy mươi năm qua.

Tiêu Dao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây