Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Có thật là “ăn gì bổ nấy”?

(SGTTO) – Quan niệm “ăn gì bổ nấy” từ lâu đã tồn tại trong dân gian để chỉ các món ăn đặc biệt có khả năng tẩm bổ cho một bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là các món nội tạng. Liệu việc ăn nhiều hơn các loại thực phẩm này có thực sự giúp các bộ phận của cơ thể trở nên khoẻ mạnh hơn?

Nhiều người cho rằng, ăn tim thì bổ tim, ăn gan thì bổ gan, ăn thận thì bổ thận, ăn óc giúp thông minh… Trên thực tế, mỗi loại thức ăn sẽ cung cấp một nguồn chất dinh dưỡng nhất định cho cơ thể.

Các loại thịt nội tạng rất giàu vitamin và chất dinh dưỡng, tuy nhiên, có một số vi khuẩn có hại trong ruột động vật nếu không được làm sạch đúng cách và não (óc) cũng được biết đến là thực phẩm có khả năng truyền các bệnh hiếm gặp như bệnh bò điên.

THÔNG TIN VỀ CHẤT DINH DƯỠNG TRONG NỘI TẠNG

Tuỳ theo các nền văn hoá khác nhau mà một số nước có thể sử dụng toàn bộ các bộ phận trong cơ thể động vật để làm thực phẩm như máu, xương, nội tạng… Một số loại phổ biến nhất là gan, tim, thận, lá lách, óc, lưỡi, lòng bò… Các loại thịt nội tạng này đôi khi được xem là “siêu thực phẩm” vì chúng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin và các chất dinh dưỡng bao gồm vitamin B, sắt, phốt pho, đồng, magiê, vitamin A, D, E, K…

LỢI ÍCH SỨC KHOẺ CỦA MỘT SỐ LOẠI NỘI TẠNG
Gan
Ảnh: happyguthappyskin.com

Gan là một trong những loại nội tạng giàu chất dinh dưỡng nhất, đặc biệt là vitamin A.

Vitamin A trong gan có lợi cho sức khoẻ của mắt và làm giảm các bệnh gây viêm từ bệnh Alzheimer đến viêm khớp. Ngoài ra, gan còn chứa axit folic, sắt, crom, đồng, kẽm – những chất được biết đến là tốt cho tim và giúp tăng nồng độ hemoglobin trong máu.

Thận

Thận giàu protein, axit béo omega-3 và các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, thận cũng được biết đến là nguồn thực phẩm có chứa các đặc tính chống viêm và tốt cho tim mạch.

Óc

Óc có chứa axit béo omega-3, phosphatidylcholine và phosphatidylserine, cùng các chất dinh dưỡng, rất tốt cho hệ thần kinh.

Ảnh: bangkokfoodtours.com
Tim

Tim là nguồn thực phẩm giàu folate, sắt, kẽm và selen. Ngoài ra, tim còn là nguồn cung cấp nhóm vitamin B-complex (vitamin B2, B6, B12) dồi dào cho cơ thể.

Các vitamin B trong tim có tác dụng bảo vệ tim mạch, duy trì huyết áp khoẻ mạnh, làm giảm tình trạng cholesterol cao, hình thành các mạch máu khoẻ mạnh. Nhóm vitamin này cũng rất có lợi cho não và đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, chứng mất trí, trầm cảm và lo âu.

Ảnh: t-nation.com

Tim cũng là nguồn cung cấp coenzyme Q10 (CoQ10) tuyệt vời. Đây là một chất chống oxy hoá có thể giúp điều trị và ngăn ngừa một số bệnh, đặc biệt là bệnh tim. CoQ10 đã được chứng minh là làm chậm quá trình lão hoá và cải thiện mức năng lượng.

Lưỡi

Lưỡi giàu calo, axit béo, kẽm, sắt, choline và vitamin B12. Thịt lưỡi được xem là một món ăn đặc biệt có lợi cho những người đang phục hồi sau bệnh hoặc phụ nữ đang mang thai.

Ảnh: thejewishkitchen.com
NHỮNG NGUY CƠ SỨC KHOẺ TỪ CÁC LOẠI NỘI TẠNG

Nội tạng có hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Trái với suy nghĩ của nhiều người, cholesterol và chất béo bão hoà được cho là quan trọng đối với một chế độ ăn uống cân bằng nhưng chúng nên được tiêu thụ một cách điều độ.

Nguyên tắc về chế độ ăn uống của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nêu rõ rằng chất béo bão hoà nên được giới hạn đến 10% hoặc ít hơn. Đối với những người trưởng thành cần phải giảm cholesterol trong chế độ ăn uống thì Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng chất béo bão hòa không nên chiếm hơn 5-6% lượng calo tiêu thụ hằng ngày.

Một số quan điểm cho rằng những người bị bệnh gút (gout) nên tránh ăn nội tạng vì những bộ phận này có chứa purine – một phân tử có liên quan đến sự bùng phát bệnh gút. Hơn nữa, có một số lo ngại rằng một số động vật đã tiếp xúc với chất độc và thuốc trừ sâu sẽ có độc tính trong nội tạng. Tuy nhiên, một số bộ phận nội tạng như gan và thận hoạt động như bộ lọc giúp lọc các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể, bài tiết những chất độc này ra ngoài và không lưu trữ chúng.

Các bộ phận nội tạng có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho cơ thể người theo nhiều cách. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro nếu ăn quá nhiều nội tạng. Do đó, miễn là bạn chỉ ăn ở mức vừa phải, các bộ phận nội tạng này sẽ là một phần lành mạnh của một chế độ ăn uống cân bằng.

K.P.

Theo Medical News Today

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những loại rau giàu đạm không kém cạnh các loại thịt,...

0
Đạm là nguồn dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho hoạt động cơ thể con người. Nhắc đến thực phẩm giàu đạm, mọi người...

Phát hiện không ít mối quan ngại về bữa sáng của...

0
Sau khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố thực trạng dinh dưỡng phổ biến...

Ăn cua, cá hồi, tôm sống ngâm tương, coi chừng rối...

0
(SGTT) – Chỉ với từ khóa “cua ngâm tương, cá hồi ngâm tương Hàn Quốc”, giờ đây ai cũng dễ dàng tìm kiếm những...

Suy dinh dưỡng vẫn là thách thức lớn với trẻ em...

0
'Gánh nặng gấp ba' về dinh dưỡng, bao gồm việc cùng lúc tồn tại tình trạng: suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng...

Thắc mắc mùa dịch: Uống nước chanh sả gừng mỗi ngày...

0
(SGTT) - Gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ về công thức nấu nước chanh, sả, gừng...

Trưa nay ăn gì: salad xoài kiểu Thái chua ngọt, lạ...

0
(SGTT) - Salad là món ăn phù hợp cho những bữa trưa thanh đạm, nhẹ nhàng. Nếu đã quá quen vị với các món...

Kết nối