(SGTT) - Một cá thể gấu chó do người dân nuôi nhốt hơn 15 năm vừa được bàn giao về Vườn Quốc gia Cát Tiên trước sự chứng kiến của lực lượng kiểm lâm.
- Hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã và ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Vườn quốc gia Cát Tiên hưởng ứng ngày động, thực vật hoang dã thế giới 2022
Vừa qua, một cơ sở nuôi nhốt gấu của tư nhân tại xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã tự nguyện chuyển giao con gấu này đến Trung tâm gấu của Tổ chức Free The Bears (Tổ chức bảo tồn gấu) tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Cá thể gấu chó này được xác định là giống đực, cân nặng khoảng 40kg, sức khỏe bình thường, ăn uống tốt. Để bảo vệ gấu hoàn khỏe mạnh, lực lượng chức năng đã quyết định không tiêm thuốc mê mà tìm cách kết nối hai chuồng, dẫn dụ gấu sang chuồng mới. Sau hơn một giờ đồng hồ kiên nhẫn, gấu đã bước qua chuồng mới để trở về Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành của Tổ chức Free The Bears, cho biết việc cá thể gấu chó này được chuyển giao đã đưa Bình Phước trở thành tỉnh thứ 42 chính thức xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 11-12-2021, tỉnh Sơn La là địa phương thứ 41 trên cả nước không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật, với thành công trong việc tiếp nhận chuyển giao cá thể cuối cùng từ người dân về cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.
“Hiện nay, nhiều cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại và các hộ dân. Gấu được nuôi trong những chuồng cũi chật hẹp, không được chăm sóc về thú y… trong khi chúng cần có cuộc sống tự do trong rừng. Chúng tôi mong các chủ nuôi sớm chuyển giao gấu nuôi nhốt đến các trung tâm cứu hộ ở Việt Nam để tạo điều kiện cho các quần thể gấu trong tự nhiên được phục hồi và phát triển”, ông Dũng chia sẻ.
Hiện nay, Trung tâm gấu Cát Tiên (Đồng Nai) đã cứu hộ và đang chăm sóc 45 cá thể bao gồm 11 cá thể gấu chó và 34 cá thể gấu ngựa. Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (là một tổ chức bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam), năm 2005 cả nước có 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt, nhưng hiện chỉ còn gần 300 cá thể gấu, giảm hơn 90%.
Trên thế giới, khu vực sinh sống của gấu chó được biết đến là ở phía Đông dãy Himalaya đến Tứ Xuyên ở Trung Quốc, các rừng mưa nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á.
Gấu chó có chiều dài khoảng 1,2m, chiều cao khoảng 0,7m, do đó chúng là loài nhỏ nhất của họ Gấu. Nó có đuôi ngắn, khoảng 3–7 cm và trung bình nặng không quá 65kg. Gấu chó đực nặng hơn một chút so với gấu cái.
Theo tiến sĩ Rob Steinmetz, chuyên gia về gấu của IUNC (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), trong 30 năm qua, thế giới mất hơn 10.000 chú gấu chó. Gấu chó thường bị săn bắn để lấy mật, vốn hay được các thầy thuốc theo y học cổ truyền Trung Quốc dùng để điều trị bệnh gan, bệnh về mắt và một số bệnh khác.
Một số hình ảnh khác:
Đinh Nam