Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Chia sẻ từ một runner 42km: Những lưu ý khi tham gia một giải chạy

(SGTTO) - Những kinh nghiệm của các “chân chạy” đi trước luôn quý giá khi được đúc kết từ trải nghiệm của chính họ. Những kinh nghiệm như thế giúp người chạy tránh khỏi những sự cố không đáng có trên đường chạy và giảm thiểu tỷ lệ không hoàn thành.

Nửa cuối năm 2020 là giai đoạn có nhiều giải chạy sẽ diễn ra. Bởi thế, những kinh nghiệm tham gia cuộc thi chạy đều hữu ích. Dưới đây là những kinh nghiệm mang tính cá nhân của một người chạy phong trào.

Đừng chạy kiểu “đầu voi đuôi chuột”

Nhiều người xuất phát rất hùng hồn nhưng lúc sau vật vã đi bộ dưới thời tiết nắng nóng không một bóng cây.

Tâm lý của người chạy thường dễ bị cuốn theo các vận động viên khác. Thêm nữa, quãng thời gian khổ luyện trước đó cùng giai đoạn tapering (tuần đệm - tuần nghỉ ngơi, giảm cường độ tập, thường diễn ra khoảng 3 tuần trước ngày thi đấu) và không khí nô nức của cuộc thi chắc chắn sẽ làm bạn phấn khích và muốn bùng cháy sau hiệu lệnh xuất phát.

Tuy nhiên, kinh nghiệm là đừng tham gia bán Marathon, Marathon nhưng lại xuất phát với tốc độ như chạy cự ly 5km. Nếu trước đó chúng ta khởi động không kỹ thì chỉ sau 2-3km cơ thể sẽ mệt ngay, khởi động kỹ có thể chịu được 4-5km nhưng hậu quả sẽ sớm đến ngay sau đó.

Để tránh điều này, trong quá trình tập luyện, cần lên kế hoạch và xác định được gần chính xác mức tốc độ trung bình cũng như tốc độ dự kiến ở từng đoạn đường và tuân thủ theo kế hoạch đó.

Quá trình tập luyện trước đó rất quan trọng, các bài tập biến tốc (interval), bài tập chạy ở tốc độ nhanh nhằm luyện tập tốc độ và sự dẻo dai (tempo) hay bài chạy đường dài (long run) là cơ sở để hiểu được tình trạng thể lực, khả năng hiện tại và lên mục tiêu tốc độ cho ngày thi chạy. Ví dụ, bài tempo nếu hoàn thành tốt với các bài từ 8-12km với tốc độ 5:50 thì vào cuộc thi hoàn toàn có thể lên mục tiêu tốc độ trung bình là 5:40 (đối với 21km).

Người viết khi tham dự một giải chạy. Ảnh: Q.M.H
Tập làm quen với điều kiện thời tiết tại đường chạy

Hãy tập làm quen trước với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa điểm chạy và loại địa hình đường chạy. Đừng chỉ tập vào buổi tối trong khi cuộc thi sẽ diễn ra vào buổi sáng hay trưa, đừng tập chạy dưới trời mát nhưng cuộc thi diễn ra dưới trời nắng, đừng tập chạy trên đường bằng nhưng địa hình cuộc thi có nhiều cầu và đừng tập chạy đường nhựa sạch đẹp nhưng đường chạy trong cuộc thi là đường cát, sỏi đá...

Đừng mạo hiểm với thứ mới

Đừng đợi tới ngày thi mới mang trang phục mới tinh như quần, áo, giày, vớ... Vì khi chạy, khả năng cao là bạn sẽ có cảm giác không thoải mái làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, nặng hơn nữa là các trầy xước hay vết bầm, dập không đáng có.

Bên cạnh đó, đừng ăn những món ăn lạ trong vòng ba ngày trước ngày thi cũng như thử những sản phẩm như thanh năng lượng, gel năng lượng... mà trước đó chưa có cơ hội thử.

Cuối cùng, đừng cố tập nặng hay bắt đầu tập các bài tập lạ như leo dốc, leo cầu, tập bổ trợ... nếu trước đó bạn không tập các bài này thường xuyên. Bởi vì đây là giai đoạn cần cắt giảm cự ly chạy để cơ thể và tâm trí được thư giãn, phục hồi và sẵn sàng cho ngày thi đấu.

 

Hãy tham gia nhóm Sài Gòn Fit để đọc thêm những nội dung thú vị, hữu ích khác từ các chuyên gia, huấn luyện viên, bác sĩ… Đồng thời, giao lưu, chia sẻ giữa các thành viên và các hoạt động chung của nhóm. Tham gia nhóm, độc giả có cơ hội trở thành cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị và hưởng các ưu đãi thành viên đến từ các đối tác của Sài Gòn Tiếp Thị cũng như giữa các thành viên với nhau.

Quân Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối