Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Châu Á tăng tốc cuộc đua vắc-xin nội địa

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia châu Á đang cố gắng tự phát triển vắc-xin để đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho hoạt động tiêm chủng và giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Thái Lan phát triển vắc-xin nội địa cho mũi tiêm tăng cường

Để giảm sự phụ thuộc vào vắc-xin nhập khẩu và tăng cường nguồn cung cấp cho quốc gia, các nhà khoa học Thái Lan đã nghiên cứu tự phát triển một số loại vắc-xin. Ba trong số sáu “ứng cử viên” đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng hồi đầu năm nay. Mặc dù chưa có “ứng cử viên” nào được chấp thuận đưa vào sử dụng, nhưng các nhà phát triển vắc-xin hy vọng chúng sẽ đóng vai trò là mũi tiêm nhắc lại trong tương lai gần.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã báo cáo kết quả thuận lợi cho hai trong số các loại vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng là ChulaCov-19 dựa trên công nghệ mRNA và NDV-HXP-S sử dụng virus bất hoạt.

Nhà nghiên cứu Kiat Ruxrungtham của Đại học Chulalongkorn cho biết vắc-xin ChulaCov-19 sẽ bắt đầu giai đoạn hai – thử nghiệm lâm sàng trong tuần này. Trước đó, vắc-xin NDV-HXP-S của Tổ chức Dược phẩm Chính phủ cũng đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, trong khi một loại vắc-xin khác là Covigen dựa trên công nghệ AND đang trong giai đoạn một – thử nghiệm trên cơ thể người.

Một loại vắc-xin khác sẽ được thử nghiệm trên cơ thể người trong tháng 9 tới là Baiya Sars-CoV-2 Vax 1. Một trong những nhà khoa học tham gia phát triển loại vắc-xin này, Tiến sĩ Suthira Taychakhoonavudh khẳng định, yêu cầu phát triển các loại vắc-xin nội địa là rất cấp bách, nhưng không thể vội vàng.

Ngoài ra, hoạt động thử nghiệm trên cơ thể người đối với hai loại vắc-xin được sử dụng qua đường xịt mũi cũng sẽ được khởi động vào cuối năm nay.

Đài Loan: Vắc-xin nội địa dần được đưa vào sử dụng

Tại Đài Loan, sau hơn một năm thử nghiệm, loại vắc-xin Covid-19 nội địa đầu tiên đã ra mắt công chúng hôm 23-8. Trung tâm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương (CECC) của Đài Loan cho biết, khoảng 600.000 liều vắc-xin do Medigen Vắc-xin Biologics Corp sản xuất đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng.

Theo CECC, các thử nghiệm giai đoạn hai cho thấy, vắc-xin của Medigen có khả năng đạt hiệu quả ngừa Covid-19 khoảng 90%, với nồng độ kháng thể ở những người được tiêm vắc-xin Medigen cao hơn 3 lần so với nhóm 200 người đối chứng (tiêm vắc-xin AstraZeneca).

“Tôi nghĩ chính quyền có thể đã cam kết hỗ trợ các loại vắc-xin nội địa hồi đầu năm ngoái, bằng cách tài trợ hoặc cam kết mua vắc-xin với số lượng lớn khi chúng được giới thiệu ra công chúng”, Tiến sĩ Chi Chia-yu tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin cho biết. Theo bà, điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều nhà sản xuất tham gia vào cuộc đua phát triển vắc-xin và có thể đẩy nhanh quá trình này.

Các chính trị gia hàng đầu tại Đài Loan bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng của vắc-xin nội địa. Nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, chia sẻ hình ảnh bà đăng ký tiêm vắc-xin Medigen trên mạng xã hội, trong khi cấp phó của bà – ông Lại Thanh Đức cho biết, sẽ chờ một loại vắc-xin nội địa khác là UB-612 do United Biomedical Inc Asia (UBI Asia) sản xuất.

Nhiều khả năng, ông Lại Thanh Đức sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể tiêm phòng. Bởi hôm thứ Hai tuần trước (16-8), FDA Đài Loan cho biết, hội đồng chuyên gia của cơ quan này đã từ chối cấp phép sử dụng khẩn cấp cho UB-612 vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn bắt buộc.

Nhiều quốc gia châu Á đang cố gắng tự phát triển vắc-xin để đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động tiêm chủng. Ảnh: Strait Times
Hàn Quốc tham vọng trở thành cường quốc vắc-xin

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae In cam kết sẽ hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất vắc-xin nội địa. Seoul cũng có kế hoạch đầu tư 2.200 tỉ won (1,92 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ các nhà sản xuất vắc-xin trong nước.

Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết ông sẽ chỉ định vắc-xin ngừa Covid-19 là một trong ba công nghệ chiến lược quốc gia (cùng với chất bán dẫn và pin) để tăng cường đầu tư, giảm thuế và hưởng các ưu đãi khác.

Các chuyên gia cho biết, Hàn Quốc có đủ khả năng để trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp vắc-xin toàn cầu. Hiện có bảy công ty Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trong các giai đoạn khác nhau đối với bốn loại vắc-xin ngừa Covid-19.

SK Bioscience là công ty đầu tiên được chấp thuận cho việc bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba đối với vắc-xin kháng nguyên protein GBP510. Công ty này dự định sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào đầu năm sau trước khi chính thức tung ra loại vắc-xin này vào giữa năm.

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết sẽ triển khai rộng rãi việc tiêm các loại vắc-xin nội địa cho người dân trong năm tới. Tuy nhiên, tiến sĩ Jerome Kim – Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Vắc-xin quốc tế có trụ sở tại Seoul, lưu ý rằng vào thời điểm đó, hầu hết người dân Hàn Quốc có thể đã được tiêm phòng đầy đủ. Tiến sĩ Kim nhận định “Vì lý do đó, vắc-xin GBP510 có thể là loại dùng để tiêm tăng cường hoặc sử dụng cho các nhóm tuổi cụ thể, nơi các vắc-xin khác bị coi là gây nhiều rủi ro hơn”.

Nhật Bản nỗ lực để không bị tụt lại phía sau

Trong khi đó, Nhật Bản lại đang có phần tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển vắc-xin. Hiện đã có bốn nhà sản xuất dược phẩm tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vắc-xin ngừa Covid-19 tại Nhật Bản, nhưng việc phê chuẩn dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng nữa.

Hiện đã có khoảng một nửa dân số Nhật Bản được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Pfizer hoặc Moderna, nên số vắc-xin sản xuất trong nước có thể sẽ được sử dụng cho mục đích ngoại giao vắc-xin hoặc tiêm tăng cường mũi thứ ba.

Công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học AnGes là công ty đầu tiên ở Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 6 năm ngoái và đã thử nghiệm vắc-xin dựa trên công nghệ ADN trên 500 người.

Tiếp theo đó là công ty dược phẩm Shionogi với sản phẩm vắc-xin protein tái tổ hợp sử dụng tế bào côn trùng biến đổi gen để tạo ra protein gai Covid-19. Công ty này cũng đang phát triển phương pháp điều trị bằng thuốc viên mỗi ngày một lần cho bệnh nhân Covid-19 và có thể sản xuất 120 triệu liều vắc-xin mỗi năm sau khi được phê duyệt.

Một doanh nghiệp khác là Daiichi Sankyo đặt mục tiêu tung ra vắc-xin dựa trên công nghệ RNA vào năm tới, trong khi KM Biologics, một công ty con của tập đoàn thực phẩm khổng lồ Meiji Holdings, cũng có kế hoạch tung ra 35 triệu liều vắc-xin virus bất hoạt trong vòng sáu tháng sau khi được phê duyệt.

Ấn Độ: Giá thành sẽ là yếu tố quan trọng

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm mũi vắc-xin Covid-19 nội địa đầu tiên hôm 1-3, ông tuyên bố “Điều đáng chú ý là cách các bác sĩ và nhà khoa học của chúng ta đã nỗ lực trong thời gian nhanh nhất có thể để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu”.

Ba tháng trước đó, Covaxin, do Bharat Biotech International phát triển bằng cách sử dụng virus bất hoạt, đã nhận được sự chấp thuận khẩn cấp từ cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ. Sự phê chuẩn thậm chí đã diễn ra trước khi giai đoạn thứ ba quan trọng của thử nghiệm lâm sàng trên người. Kể từ đó tới nay, 12 triệu liều Covaxin đã được sử dụng, với hiệu quả được cho là ở mức 77,8%.

Ấn Độ đang chạy đua để phát triển thêm vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa, qua đó đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và phục vụ mục đích xuất khẩu. Hiện Ấn Độ có ít nhất 15 loại vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa đang ở trong các giai đoạn phát triển khác nhau.

Một loại vắc-xin ba liều không dùng kim tiêm của Zydus Cadila đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba. Với tên gọi ZyCov-D, đây là loại vắc-xin ADN plasmid đầu tiên trên thế giới. Loại vắc-xin này đang được thử nghiệm trên những người từ 12 đến 18 tuổi.

Một doanh nghiệp khác là Biological E hiện đang nghiên cứu về kháng nguyên, trong khi Gennova Pharmaceuticals phát triển vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA, với sự hợp tác của các công ty Mỹ.

Bà Malini Aisola, chuyên gia tại Mạng lưới Hành động Dược phẩm Ấn Độ, cho biết “một nguồn cung cấp đầy hứa hẹn” các loại vắc-xin nội địa có thể sẵn sàng trong vài tháng tới hoặc nhiều khả năng là vào năm 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng là Ấn Độ phải “mở rộng quy mô sản xuất và khiến giá cả vắc-xin trở nên hợp lý hơn”.

Lạc Diệp

Theo KTSG Online

Nguồn: Strait Times, Reuters, Mainichi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối