Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024

Cây tỏi cô đơn

Hoàng Việt Hằng

Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân đảo gọi là tỏi cô đơn, thương hiệu nổi tiếng ở biển đảo này. Chị tên là Ngô Thị Việt, bán hành bán tỏi ở chợ nông sản đường Hoàng Quốc Việt. Thoắt đã năm năm kể từ ngày chồng chị, thuyền trưởng một con thuyền đánh cá trên đảo Lý Sơn, mãi mãi không trở về cùng năm ngư dân khác sau khi bị tàu của bọn cướp biển đánh đắm…

Năm năm ở phía biển khơi, chồng chị không về, để lại những con số nợ, tàu đắm không biết rõ nông hay sâu. Dòng tin vắn năm đó thật ngắn: tàu cá Việt Nam bị cướp biển đánh đắm, 6 ngư dân trên thuyền mất tích. Cái tết năm đó giông bão như đổ hết vào nhà chị. Nhắm mắt, chị phải liều bán mất hai đám đất trồng tỏi, vẫn còn trên vai hai trăm triệu đồng trả nợ cho con thuyền cùng người chồng nằm lại dưới biển.

Chị nhìn cánh đồng tỏi và cúi xuống nói: “Đành tựa vào cây tỏi thôi!”. Cây tỏi đã cùng người thiếu phụ 41 tuổi này đứng lên để cầm cự sống và trả nợ.

Cây tỏi cô đơn là đặc sản của đảo Lý Sơn.
Cây tỏi cô đơn là đặc sản của đảo Lý Sơn.

Trong cái rét ngăn ngắt của tháng Chạp, tôi đi chợ sắm tết thấy con gái chị, cháu Lê Thanh Thanh co ro trong chiếc khăn, ngủ đêm ở công viên Thống Nhất để bán từng cân tỏi buổi sớm cho những người đi tập thể dục. Giọng Quảng Ngãi cộng với nước biển Lý Sơn nghe thật nặng vị gió và vị cát.

Chị Việt ra Hà Nội bán “tỏi cô đơn”. Người cô đơn bán “tỏi cô đơn”. Hai lần cô đơn cộng lại ở Hà Nội chỉ để dành thời gian bán tỏi, gửi tiền vào ngân hàng trả nợ trong năm năm. Hàng năm dài, có buổi tối không có tiền ở nhà trọ, chị cùng với một cô lao công quét rác trên đường Hoàng Quốc Việt kiếm chỗ ngủ dưới mái ban công một tòa nhà công sở. Họ dùng áo mưa làm chăn, nằm co quắp vì rét, dáng ngủ như một dấu hỏi.

Chị ky cóp tiền trăm, tiền triệu trả nợ cho con tàu cùng người chồng biến mất đột ngột. Cái tết năm đó, chồng không trở về, nhà trống hoác, chị Việt đã cố hiểu mà không sao hiểu ra. Rồi chị bảo: “Hồi đó tui lơ ngơ, như kẻ mất hồn, chồng đi biệt rồi, con gái trầm cảm mất một năm không nói năng, không học hành gì. Nó nhớ thương ba quá đi, ba đi biển cả đời lại “dạo chơi” ở biển không thấy mặt, không thấy cả hình hài ba ở đâu. Phận cái kiến củ khoai như tôi, thôi thì ráng chịu, biển lấy đi của mình thì mình đành trả nợ biển thôi”.

Chị Việt tâm tình: “Cả nhà tôi, duy nhất chỉ nương vào cây tỏi, cây hành. Mỗi chuyến đi, trên vai cả gánh nợ, dần dần gánh nợ giảm đi một ít, nhất là cây tỏi một tép, tỏi cô đơn đang hút hàng ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh mỡ máu”. Mỗi năm chị ra Hà Nội hai lần chỉ đi bán tỏi, còn ở nhà trồng tỏi và hành tím. Chị nói cứ trồng xong vụ tỏi là lên đường, ở nhà nhờ người chăm sóc cánh đồng tỏi, để có đồng tiền trả lãi mẹ lãi con.

Trong cái đêm khuya khoắt, đầy trời mưa phùn gió bấc ở công viên Thống Nhất, khi đã chẳng còn khách mua hàng, chị nằm trên tấm bạt xanh run run kể: “Ở đảo tôi lên núi Thới Lới, núi Giếng Tiên, đi chùa Hang, chùa Đục kêu Phật độ cho tôi đứng lên cùng cây tỏi trả nợ, cho người chồng mà tôi thương nhất hãy từ biển dạt về với đất”. Giọng đầy hy vọng, chị tiếp, “mưa phùn và gió bấc ở Hà Nội tôi đã bước qua, năm nay nhờ cây tỏi, cháu Thanh Thanh đã đi học trường sư phạm ở thành phố Vinh, nợ mòn con lớn. Tôi đã đứng lên cùng cây tỏi để trả nợ thuyền cho chồng tôi”. Hình như cây tỏi và vị tỏi đang giúp mẹ con chị và những thiếu phụ trên đảo, nhờ cây tỏi cứu rỗi cả cuộc mưu sinh làm người lương thiện.

Ngày tết mỗi khi đi đâu xa, con cái, trẻ nhỏ cứ bỏ túi vài củ tỏi đi đường là bình yên. Hình như cây tỏi còn xua đi những không ít gió máy, tà khí không đáng có, nên những chuỗi tỏi xâu bằng độ dài một gang tay treo phía cửa bếp cũng rất dễ bán ở đất kinh kỳ Thăng Long. Hình như cây tỏi đã đứng ngồi cùng chị Việt, cùng với ngư dân xứ đảo làm nên một hương vị độc đáo ở biển Lý Sơn này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Người không bán giấc mơ

0
Nam Thụ Gầy và đen như một nông dân chính gốc, khó ai nhìn ra anh là họa sĩ Trần Hùng, một giám đốc nghệ...

Kết nối