Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Lạc lõng giữa văn minh

 Trần Minh

Thế giới bao la này đã trở nên nhỏ bé. Trái đất rộng lớn này đã trở nên chật hẹp. Trên bầu trời dày đặc những chuyến bay, con người qua lại giữa các nước càng ngày càng dễ dàng. Khi nghĩ về nơi sinh sống, đã bắt đầu xuất hiện những khái niệm rộng lớn hơn là căn nhà, thành phố, đất nước. Ở thời kỳ như vậy, đôi khi chúng ta phải tập làm quen và thích ứng với nhiều điều không quen thuộc trong chuẩn mực văn hóa lối sống của mình.

 Sống giữa sự khác biệt

Cảm xúc từ mỗi một chuyến đi xa ra là sự thích thú khi nghe thấy những điều mới lạ, nhưng đồng thời cũng là nỗi bất tiện bởi những điều khác biệt.

Nhớ lần đầu đến các nước khu vực Trung Đông, tôi rất “choáng” mỗi khi đi ra chợ. Thật sự là một du khách đến từ nền văn minh châu Á xa lạ dễ bị “hoảng” bởi sự nhiệt tình thái quá của những người bán hàng. Họ la lớn khi thấy bạn vừa xuất hiện ở cửa chợ, miệng liên tục hỏi han “từ đâu đến, người Trung Quốc hay người Nhật…”. Họ thậm chí còn công khai buông lời trêu ghẹo du khách nữ, có lẽ với họ đó không phải là điều khiếm nhã. So với Việt Nam thì thái độ chèo kéo khách cao hơn gấp nhiều lần.

Ngược lại ở xứ của người da trắng thì cửa hàng luôn có sự yên tĩnh. Tất cả được sắp xếp khá chặt chẽ, từ vị trí hàng hóa cho đến thái độ phục vụ. Có cảm giác mọi thứ được tính toán đến lạnh lùng.

Lần đầu tiên tôi “diện kiến” cái nhà vệ sinh có cửa khóa tự động, phải bỏ tiền vào mới sử dụng được cũng là ở một nước châu Âu. Nếu tình cờ trong túi bạn không còn đồng nào hoặc không có tiền lẻ thì thôi, đành ngậm ngùi đứng ngoài vậy. Người ta lý giải điều đó là sòng phẳng: bạn có nhu cầu thì phải trả tiền cho người phục vụ nhu cầu đó. Không có gì là không công! Suy cho cùng cũng là công bằng thôi!

SGTT_Lac-long

Sự “công bằng” đến đỉnh điểm khi một đêm chờ xe buýt ở bến xe Manchester (Anh), tôi vào nhà vệ sinh thì thấy đóng cửa, hỏi người bảo vệ, ông ta bình thản bảo ban đêm người trông chừng nơi ấy không làm việc, khách có nhu cầu thì tự tìm chỗ giải quyết vậy. Lối phục vụ rất rõ ràng và… hợp lý!

Nói về sự tính toán và duy lý thì có lẽ người Nhật đáng đứng vào hàng đầu. Nhiều người thừa nhận đến Nhật tìm được thùng rác ngoài đường không phải là chuyện đơn giản. Mà cũng không thấy người Nhật nào tôi biết phàn nàn về chuyện đó. Tôi nhớ đọc đâu đó đề cập đến lý do này như sau: “Nhiều thùng rác thì lại tốn người dọn dẹp chúng”. Có lẽ vậy thật, ở Nhật dân chúng tự giác, ai có rác thì mang về nhà, không ai cằn nhằn hay thắc mắc.

Đi là luôn thấy sự khác biệt, và nếu cố gắng lý giải điều gì xấu, điều gì tốt là hết sức khập khiểng. Bởi những nét văn hóa, những thói quen lối sống được hình thành phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng miền.

Người thì nói dân bán hàng ở Trung Đông là bất lịch sự, người thì nói họ nhiệt tình đó chứ! Người nói lối phục vụ của dân da trắng lạnh lùng, người nói họ có tính tổ chức cao đó chứ! Người nói dân Nhật như người máy, người nói đó là tính tự giác đáng thán phục thôi!

Ăn uống, đi lại, làm việc, sinh sống… ở thời buổi toàn cầu hóa này là phải chuẩn bị cho cái đầu biết chấp nhận sự khác biệt.

 Chạy theo chuyến tàu thông minh

Gác những điều lạ lùng về khác biệt văn hóa qua một bên, khi đi đến những xứ sở giàu có, sống trong điều kiện văn minh thì cảm xúc của người đến từ xứ nghèo như tôi trải qua nhiều cung bậc: sướng, buồn, rồi… lo.

Khi ngồi trên chiếc xe lửa cao tốc để thực hiện chuyến đi từ Rome đến Venice (Ý), hay từ Tokyo đến Kyoto (Nhật), để tham quan rồi quay về chỉ trong một ngày quả là thấy sướng. Những rồi một nỗi buồn nhè nhẹ lại lấn át: biết bao giờ người Việt Nam mới có thể từ Sài Gòn ra Đà Nẵng chơi rồi quay về trong một ngày bằng xe lửa.

Cũng cái cảm giác y như vậy mỗi khi tôi chạy bộ thể dục dọc bãi biển sạch bong ở Busan (Hàn Quốc) hay Yokohama (Nhật Bản) mà trước đây vốn là những thành phố cảng xô bồ. Hít một hơi không khí trong lành vào phổi thật sung sướng nhưng sau đó là nỗi buồn khi nhớ về môi trường ở Sài Gòn, ở Hải Phòng, cũng là những thành phố cảng. Cũng giống như nỗi buồn một lần tôi lặn lội đến vùng đất sa mạc hoang vu giữa nước Úc. Vùng đất mà bạn đi cả trăm cây số chưa chắc thấy một bóng người đi ngược lại nhưng hai bên đường luôn được rào bảo vệ để du khách không thể bước chân ra ngoài đường nhựa mà xâm hại sa mạc cát mênh mông! Buồn khi chợt nhớ đến những khu rừng, những con sông bị bức tử ở những vùng quê Việt Nam.

Nhớ những lần tôi tham quan triển lãm những sản phẩm công nghệ tương lai. Cứ nhìn người ta giới thiệu những dự án xây trạm “xăng” cung cấp điện cho xe ô tô hay nhìn người ta biểu diễn những màn hình độ phân giải cực cao có thể gấp lại bỏ túi, tôi thật sự không biết là sướng, buồn hay là gì nữa. Dường như là cảm giác của người đi lạc đường, và lo vì không biết định vị mình ở đâu trên bản đồ thế giới.

Tất nhiên những nước nghèo thì ưu tiên hàng đầu của người dân là kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày. Làm thế nào để nhanh chóng vừa no bụng, vừa mặc đẹp vừa có thể bảo vệ bầu không khí trong lành, xây dựng các công trình công nghệ cao… là điều hết sức khó khăn. Nhưng nếu những nước nghèo không tìm được cách thoát khỏi nghèo thì điều gì sẽ xảy ra?

Mùa thu năm ngoái dự một cuộc hội thảo về những thành phố thông minh. Ngoài những diễn văn bất tận giới thiệu về các dự án đô thị bền vững, hiện đại, văn minh, trong sạch…, tôi chú ý đến khuynh hướng xuất hiện càng nhiều ý tưởng đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ thông minh từ những cường quốc công nghệ hàng đầu như Nhật, Mỹ… Hiện nay, những công nghệ bình thường phục vụ đời sống đô thị hầu như đã bão hòa trên thế giới. Nhưng để có một đô thị có tổ chức nguồn lực vật chất, tinh thần hợp lý, thông minh, bền vững… cần có những giải pháp và công nghệ thông minh cực kỳ tốn kém.

Điều đó có nghĩa là nếu những nước nghèo tiếp tục xem chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng cho cuộc sống thông minh là điều gì đó còn xa vời thì trong một tương lai gần rất có thể họ sẽ lại là “tù nhân” bị lệ thuộc vào một làn sóng đầu tư mới từ những nước lớn. Chuyến tàu văn minh đang khởi động, coi chừng nhiều nước sẽ bị trễ.

Rồi nếu trong tương lai thật sự có một quốc gia toàn cầu hình thành thì căn nhà của những nước nghèo hiện nay sẽ ở đâu? Không biết có ai lo giống tôi không…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Độc đáo giếng cổ Gio An

0
Trần Bình-Mai Lĩnh Quảng Trị, vùng đất một thời đạn bom máu lửa, sau gần nửa thế kỷ chiến tranh lùi xa, ngày nay...

Đến đây diện kiến con người

0
Hạnh Phúc Công viên tượng Vigeland luôn là địa điểm thu hút du khách hàng đầu tại Oslo (Na Uy). Không phải vì trời...

Say và chết lặng ở Esfahan

0
 Nguyễn Chí Linh Tôi bị “chìm” trong biển sắc màu và chẳng muốn rời một bức họa nào trong cung điện hoàng gia Chehel Sotoun...

Chuyện tử tế ở xứ kim chi

0
 Anh Kiệt Hơn mười ngày đi phượt trên đất nước Hàn Quốc – xứ sở kim chi, chúng tôi không chỉ đắm say trước cảnh...

Vàng son một thời của dòng gốm cổ

0
Khâm Hảo Duyên(*) Tự ngàn xưa đã hình thành những làng gốm nổi tiếng một thời ở miền Trung, kéo dài từ Quảng Ngãi, Bình...

Thư cuối năm gửi con gái

0
BS. Phan Trung Vân Nếu đời người cũng có xuân hạ thu đông như bao năm tháng thì đây là bức thư cuối năm ba...

Kết nối