(SGTT) - Ở Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn Quốc gia Cát Tiên), anh Bùi Quốc Vỵ được coi là một trong những hướng dẫn viên thông thạo nhất về những kỹ năng giao tiếp, sinh tồn, cũng như các kiến thức, kinh nghiệm hỗ trợ du khách khi đi rừng.
- Hướng dẫn viên nỗ lực vượt khó, chờ ngày trở lại đường tour
- Chuyện nghề của một hướng dẫn viên du lịch “may mắn” trong đại dịch
Từ hướng dẫn viên tâm huyết với nghề
Anh Vỵ tâm sự “Tôi gắn bó với Cát Tiên từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Lâm nghiệp (cơ sở 2) ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai, tôi trở về làm việc tại UBND xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú. Sau đó, tôi đầu quân cho Vườn Quốc gia Cát Tiên để hướng dẫn du khách tham quan, đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ rừng kể từ năm 2003. Từ đó đến nay, công việc này trở thành một phần không thể thiếu đối với tôi”.
Nhờ khả năng hoạt ngôn, kinh nghiệm từ quãng thời gian tham gia công tác Đoàn tại xã Nam Cát Tiên và những kiến thức chuyên môn lĩnh hội được ở trường đại học, anh Vỵ sớm thích nghi được với công việc đặc thù này.
Hướng dẫn viên sinh năm 1974 này rất ham học hỏi, tìm tòi những kiến thức bổ ích để cung cấp cho du khách. Chính vì thế, anh Vỵ luôn nhận được những phản hồi tích cực từ du khách trong quá trình làm việc.
Hiện nay, dù đã có 20 năm làm nghề hướng dẫn viên, anh Vỵ vẫn thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn, về văn hóa địa phương… để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Anh Vỵ chia sẻ, hướng dẫn viên tại rừng có những đặc điểm khác biệt so với các hướng dẫn viên phục vụ du khách đường dài khác. Ngoài việc phải có kinh nghiệm và thông thuộc từng đặc điểm nhỏ của địa hình, thì những hướng dẫn viên tại rừng cần có khả năng dự báo thời tiết, dự đoán được mọi biến động bất thường xảy ra để đối phó với những rủi ro có thể gặp phải, luôn luôn sát cánh cùng du khách, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối dành cho du khách.
Theo anh Vỵ, để hoàn thành tốt công việc mang tính chất đặc thù này, các hướng dẫn viên tại rừng cần phải tâm huyết với nghề. Có yêu nghề, đam mê với nghề thì họ mới tìm tòi, nâng cao trình độ để phát triển nghề. Những kiến thức ở trường đại học là rất quan trọng nhưng chưa đủ, mà hướng dẫn viên phải tự học tập, tìm tòi, đam mê sâu sát với công việc.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, anh Vỵ cho biết: “Trong quá trình dẫn tour, gặp những loài cây tôi không biết, tôi đều phải tra, phải nghiên cứu tính năng đa dạng sinh học, tìm loài đó bản địa ở đâu. Việc tra cứu trên internet không hề đơn giản, và những lúc khó khăn, tôi tìm đến các chuyên gia để hỏi và lĩnh hội cả những kiến thức ở trong dân gian”.
Đến công tác tuyên truyền bảo vệ rừng
Song song với công việc là hướng dẫn viên của Vườn Quốc gia Cát Tiên, anh Bùi Quốc Vỵ còn rất năng nổ trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng.
Cùng với các thành viên khác trong Nhóm tuyên truyền của Vườn Quốc gia Cát Tiên, anh Vỵ tham gia những chuyến xe lưu động đến từng xã, cấp phát tài liệu cho bà con nhân các sự kiện liên quan đến môi trường như: ngày Đất ngập nước Thế giới (2-2), ngày Động, thực vật hoang dã Thế giới (3-3), ngày Môi trường Thế giới (5-6), ngày Không túi nilon (9-9)...
Nhóm cũng phối hợp với đoàn xã địa phương, học sinh các trường tổ chức các chuyến công tác đi sâu vào các làng, bản, phát thanh lưu động các nội dung thiết thực bảo vệ môi trường. Lâm phần của Vườn Quốc gia Cát Tiên trải rộng trên địa bàn của 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Dân cư sinh sống trong vùng đệm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp.
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, năng suất cây trồng thấp, trình độ canh tác còn lạc hậu. Đặc biệt, người dân còn có thói quen vào rừng để hái lượm, săn bắt... Chính vì thế, Vườn Quốc gia Cát Tiên thường xuyên phối hợp với các đơn vị hữu quan, tổ chức các cuộc họp ở vùng ven, vùng đệm, giáo dục người dân không phá rừng, tham gia các dự án nâng cao sinh kế cho bà con.
Ngoài ra, anh Vỵ cùng với nhóm tuyên truyền còn tổ chức các cuộc thi giáo dục môi trường cho các em học sinh ở các trường học, điển hình là cuộc thi "Chúng ta chỉ có một trái đất", hình thức thi giống như cuộc thi “Rung chuông vàng”.
Và ngay ở trong Vườn Quốc gia Cát Tiên, các thành viên trong Nhóm tuyên truyền cũng hoạt động rất tích cực đối với phong trào chống rác thải nhựa cho chính Vườn phát động.
Phong trào đã trở thành thương hiệu của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Những thông điệp bảo vệ môi trường được vườn đặt khắp nơi trong khu vực văn phòng cũng như những điểm khai thác du lịch. Đặc biệt, đối với khách lưu trú tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, họ sẽ không được phục vụ các loại túi nhựa, các món ăn được chế biến từ thịt rừng.
Theo anh Vỵ, từ nhiều năm nay, trong tất cả các chuyến hướng dẫn du khách tham quan tại vườn, nhiệm vụ của anh và các hướng dẫn viên du lịch ngoài hướng dẫn, giới thiệu những đặc điểm đa dạng sinh thái, rừng thì còn truyền tải thông điệp du lịch không rác thải, quy định của vườn về giữ gìn môi trường, không ghi, khắc chữ lên cây… cho du khách.
Những hoạt động ý nghĩa của anh Vỵ cũng như các đồng nghiệp đã góp phần không nhỏ để Vườn Quốc gia Cát Tiên giữ được cảnh quan môi trường du lịch một cách tự nhiên nhất, mang lại những trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách.
Đinh Nam