Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

(SGTTO) - Trong những ngày giãn cách xã hội, đặt đồ ăn, thức uống trực tuyến là giải pháp tiện lợi. Tuy nhiên, do người dùng chỉ nhìn qua hình ảnh trên ứng dụng rồi đặt hàng nên khó đánh giá chất lượng thức ăn và có nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hùng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà eDoctor, về triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm và cách xử lý, phòng ngừa.

Ảnh: khoahoc.tv
Triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm
Những triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: vienyhocungdung.vn

Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm sau khi đặt hàng qua mạng, chúng ta nên có một số biện pháp đề phòng như sau:

Đầu tiên bạn nên cẩn thận kiểm tra thức ăn bằng cách đơn giản nhất là ngửi thức ăn để phát hiện xem thức ăn có đổi mùi hay không. Nếu chưa có mùi gì khác thường rõ rệt nhưng có vị chua hoặc vị lạ cũng không nên ăn.

Tuy nhiên, cũng có những thức ăn đã bị biến chất hoặc nhiễm độc chất nhưng khi ăn chúng ta vẫn không nhận biết được sự bất thường cho đến khi bị ngộ độc thức ăn.

Tình trạng ngộ  độc xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc 1-2 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc với các biểu hiện như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, sốt, mệt mỏi vừa phải. Nếu nặng có thể kèm sốt cao, mất nước nặng, khó thở, nôn ra máu, đi tiêu phân có máu, thậm chí nói khó, nói ngọng, co giật, lơ mơ, ngất xỉu…

Ngoài ra, một dấu hiệu nữa giúp xác định chắc chắn bị ngộ độc thức ăn là trường hợp có từ hai người trở lên ăn cùng một món ăn, cùng bị các triệu chứng gần giống nhau như trên.

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Trước tiên, phải ngừng ngay món ăn đó. Kế đến, cần phải nôn hết thức ăn đã ăn vào và còn nằm trong dạ dày. Thông thường nhất, đối với người lớn, ta có thể dùng ngón tay chạm nhẹ vào thành sau của họng để gây nôn.

Chú ý, không nên dùng cách này cho trẻ nhỏ và người già, hai đối tượng này nên đến bệnh viện để bác sĩ tiêm thuốc gây nôn.

Sau khi nôn hết, chúng ta hãy uống oresol để bù điện giải và nước đã bị mất do nôn và tiêu chảy gây ra. Uống một cách chậm rãi, từng ngụm một, cho đến khi hết khát nước.

Nếu bị đau đầu, chúng ta có thể uống loại thuốc giảm đau paracetamol như Panadol, Efferalgal… Dùng thêm các thuốc có than hoạt tính như Carbogast, Carbophos, Carbomint để hấp thụ bớt độc chất còn trong đường tiêu hóa.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên nếu có các dấu hiệu nặng hoặc bệnh không thuyên giảm thì chúng ta nên đến bệnh viện để được điều trị phù hợp.

Sau khi bị ngộ độc thức ăn, ruột còn rất yếu. Vì vậy, chúng ta hãy chọn ăn những thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, bột yến mạch, bánh quy mặn, khoai tây nghiền chín, các loại trái cây mềm…

Lưu ý, không ăn mỡ và uống sữa trong ba ngày sau khi đã hết tiêu chảy.

Bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thức ăn sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Yogurt chính là thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi này hoặc uống một số thuốc như: Enterogermina, Biolactyl, Probiotics… để bổ sung.

Tốt nhất, chúng ta nên chuẩn bị thuốc đầy đủ trong tủ thuốc của gia đình để phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Có thể mua sẵn các loại thuốc như sau:

  • Oresol hoặc Hydrite để bù điện giải.
  • Paracetamol hoặc Panadol hoặc Efferalgan dùng để hạ sốt và giảm đau đầu.
  • Carbophos hoặc Carbomint hoặc Carbogast dùng hấp thu bớt độc chất.
  • Entergermina hoặc Biolactyl hoặc Probiotics, bổ sung vi khuẩn có lợi cho ruột.

Chú ý, liều thuốc và cách sử dụng được hướng dẫn trong toa của từng loại thuốc phù hợp với cân nặng cụ thể của mỗi người. Nếu vẫn chưa rõ chúng ta có thể hỏi dược sĩ bán thuốc về cách sử dụng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối