Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Các xu hướng tiêu dùng chính của người Việt sau đại dịch Covid-19

(SGTT) - Sau quãng thời gian tương đối dài phải đối mặt và vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, người Việt đã có những thay đổi về xu hướng chi tiêu, hướng tới tìm kiếm giá trị bản thân, chú trọng giá trị đích thực, tăng cường sử dụng nền tảng trực tuyến và khám phá niềm vui.

Google vừa công bố báo cáo "Year in Search 2022" (Những từ khóa được tìm kiếm trong năm) dành cho Việt Nam, chia sẻ thông tin chuyên sâu về hành vi tìm kiếm của người dùng Việt Nam giúp các doanh nghiệp bắt kịp với những biến chuyển trong hành vi người tiêu dùng kỹ thuật số và định hướng chiến lược tiếp thị năm 2023. Báo cáo đã chỉ ra các xu hướng chính của người tiêu dùng.

Tìm kiếm giá trị bản thân

Sau 3 năm đối mặt với những xáo trộn của đại dịch, người Việt đang định hình lại họ là ai và có thể trở thành ai khi không bị bó buộc bởi những yếu tố như tiêu chuẩn của xã hội và nơi làm việc.

Khi mọi người định vị lại bản thân trong cộng đồng và trong thế giới này, họ cũng tự hỏi làm thế nào họ có thể là chính mình một cách trọn vẹn và chân thực nhất. Họ cũng mở lòng đón nhận nhiều bản sắc đa dạng và thương hiệu cá nhân của mình, đặc biệt là thế hệ Z, cho dù là tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ cụ thể hơn để đáp ứng nhu cầu của bản thân, hay là tìm hiểu và chia sẻ về bình đẳng giới và cộng đồng LGBT. Trong đó, số lượt tìm kiếm về "bình đẳng giới là gì" tăng đến 150%; số lượt tìm kiếm "LGBT" tăng đến 50% so với năm 2021.

Tìm kiếm giá trị bản thân, xu hướng được nhiều người quan tâm. Ảnh minh họa

Sau làn sóng nghỉ việc hàng loạt, hiện tượng kiệt quệ trầm trọng lan rộng khắp toàn cầu, mọi người chú ý hơn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần cũng như nâng cao kỹ năng của bản thân để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn và những cánh cửa rộng mở hơn. Số lượt tìm kiếm các phương pháp chăm sóc bản thân cũng gia tăng. Cụ thể như: Số lượt tìm kiếm "stress là gì" tăng 240%; số lượt tìm kiếm cụm từ "sức khỏe là gì" tăng hơn 90% ; số lượt tìm kiếm "giảm căng thẳng" tăng 50%.

Về chi tiêu, khoảng 28% người Việt Nam (so với 23% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) cho biết họ dự định chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức, và 45% (so với 43% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) cho biết họ sẽ duy trì mức chi tiêu như hiện nay.

Chú trọng giá trị thực

"Chú trọng giá trị thực" là xu hướng tiếp theo của người tiêu dùng Việt. Trong bối cảnh kinh tế biến động và lạm phát gia tăng, người tiêu dùng đang rà soát lại chi tiêu nhưng họ không chỉ nhìn vào nhãn giá. Người tiêu dùng tìm những chỉ dấu rõ ràng để cân nhắc xem một nhãn hàng nào đó có đang cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hay sản phẩm đáng tin cậy; đồng thời cũng cân đo đong đếm các lựa chọn để xem món nào là tốt nhất về tổng thể chứ không chỉ là giá rẻ nhất.

Người dùng tập trung vào điều mà họ cho rằng có giá trị lớn nhất - niềm tin. Theo báo cáo của Google, số lượt tìm kiếm cụm từ "có đáng tin không" tăng đến 80% so với năm 2021. Người Việt cũng cân nhắc những lựa chọn thương hiệu cung cấp ưu đãi tốt nhất xét trên tổng thể, chứ không chỉ dựa vào giá cả. Số lượt tìm kiếm "giá tốt nhất" cũng tăng 10% tại Việt Nam; số lượt tìm kiếm về định nghĩa kinh tế như "thế nào là lạm phát" tăng đến 140%, "giá cả hàng hoá là gì" tăng đến 260%.

Tăng cường sử dụng nền tảng trực tuyến

Bên cạnh đó, báo cáo của Google cũng chỉ ra xu hướng tăng cường sử dụng nền tảng trực tuyến của người Việt. Theo đó, Covid-19 và giai đoạn phong tỏa đã thúc đẩy nhiều hành vi tiêu dùng trực tuyến và tăng động lực chuyên dịch sang các kênh thương mại điện tử.

Gần 30% người Việt dự định chi tiêu nhiều hơn cho bản thân. Ảnh: Hữu Long

"Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai, khi việc sử dụng công cụ số trở thành thói quen lâu dài. Sự gia tăng của phương pháp thanh toán kỹ thuật số cũng góp phần thúc đẩy nhanh xu hướng này tại Việt Nam", báo cáo của Google nêu rõ.

Theo một cuộc khảo sát với 15.000 nhà bán lẻ, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 73% tổng số giao dịch vào năm 2021, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyển khoản ngân hàng là phương thức thanh toán kỹ thuật số phổ biến nhất, tiếp theo là ví điện tử, mã QR, thẻ ngân hàng và cổng thanh toán.

Khám phá niềm vui

Đây cũng là xu hướng tiêu dùng mà người Việt quan tâm. Tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất là một cách khác giúp người Việt nhìn nhận sự bất ổn theo hướng tích cực. Thay vì để tình hình hiện tại làm cản trở lối sống và mục tiêu theo đuổi, họ chủ động tìm kiếm cách riêng để tạo ra những thời khắc vui vẻ cho mình. Người Việt có xu hướng muốn tận hưởng những chuyến du lịch nước ngoài mà họ đã chờ đợi lâu, kể cả khi họ phải thực hiện thủ tục nhập cảnh phức tạp, rườm rà.

Du khách trải nghiệm du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Nam Sơn

Liên quan đến du lịch, số lượt tìm kiếm về "du lịch nghỉ dưỡng" cũng tăng hơn 40%. Thế hệ Y (Millennials- thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000) chịu chi hơn và tự thưởng cho bản thân nhiều hơn. Cứ 5 người thì có 1 người tìm kiếm các lựa chọn kỳ nghỉ xa hoa và cứ 10 người thì có 3 người chọn các sản phẩm và trải nghiệm du lịch cao cấp.
Trong khi đó, 57% người thuộc thế hệ "Baby Boomer" (thế hệ những người sinh từ năm 1946 – 1964), cho biết giá cả là điều quan trọng khi lên kế hoạch du lịch và 50% trong số họ nói rằng họ muốn có các lựa chọn linh hoạt, có thể hủy hoặc đặt lại miễn phí.

Báo cáo của Google còn cho biết thêm, người Việt còn quan tâm đến những nhu cầu tự thưởng cho bản thân với giá phải chăng, bao gồm massage, các lớp học pilates và các món ăn ngon miệng ở nhà hàng hải sản…

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối