(SGTT) – Mới đây, phố cổ Hội An được nền tảng du lịch Tripadvisor bình chọn là một trong 25 điểm đến xu hướng nổi bật nhất năm 2023. Chỉ cách TP Đà Nẵng khoảng 30km và nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An có những điểm lưu luyến du khách gần xa mỗi khi ghé thăm.
- Tết Nguyên tiêu ở Hội An trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Hội An, từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo
- Hội An đón đoàn khách đầu tiên tham quan phố cổ năm 2023
Là thương cảng cổ xưa
Theo các bậc cao niên phố cổ Hội An, nơi đây xưa kia từng là thương cảng thịnh vượng, trung tâm buôn bán sầm uất “trên bến dưới thuyền” của vùng Đông Nam Á trong suốt các thế kỷ 16-18 với sự tham gia của các thương thuyền đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan… Bởi vậy, từ lâu Hội An được mệnh danh là thiên đường của những người yêu thích du lịch, khám phá, nhiếp ảnh, ẩm thực, kiến trúc cổ… trên bản đồ du lịch thế giới.
Vừa qua, Hội An được CNN vinh danh là một trong những thành phố du lịch cổ đẹp và cuốn hút nhất Châu Á. Đã từ lâu, “chức danh” thương cảng đã không còn nhưng những dãy phố cổ và các di tích xưa vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Chính vì vậy, năm 1999 phố cổ Hội An từng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Những dãy nhà cổ phong rêu
Tại Hội An hiện nay còn rất nhiều ngôi nhà cổ phong rêu cùng tuế nguyệt thể hiện sự kết hợp giữa các phong cách kiến trúc của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam như Nhà cổ tộc Trần, Tấn Ký, Đức An, Diệp Đồng Nguyên, Phùng Hưng…
Hội An có những di tích tiêu biểu cho sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa của các quốc gia. Đầu tiên đó là các hội quán – các di tích tiêu biểu cho văn hóa Trung Hoa, như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông… Ngoài chức năng tín ngưỡng là thờ các vị thần phù hộ mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng khi ra khơi, đây còn là nơi hội họp đồng hương và tương trợ lẫn nhau của các thương nhân Hoa kiều khi làm ăn xa xứ.
Chùa Cầu là “hồn cốt” phố cổ Hội An
Đến Hội An, du khách không thể bỏ qua một điểm du lịch là chùa Cầu (biểu tượng, hồn cốt phố cổ Hội An). Chùa Cầu còn được gọi là cầu Nhật Bản, hay Lai Viễn Kiều, được các thương gia đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Chùa Cầu thờ Bắc Đế Trấn Vũ – thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt và bảo vệ xứ sở theo tín ngưỡng của người Trung Hoa.
Tham quan, trải nghiệm nhiều làng nghề truyền thống
Khi đến Hội An, sau khi khám phá hết các công trình kiến trúc, di tích lịch sử nổi tiếng ở phố cổ, thì việc trải nghiệm các làng nghề truyền thống là điều đáng quan tâm. Ở đây có một số làng nghề như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, trồng rau Trà Quế, dệt lụa Hội An, làm lồng đèn… Theo thống kê thì hiện nay ở phố cổ Hội An có khoảng 12 làng nghề sản xuất các mặt hàng truyền thống.
Làng nghề truyền thống Hội An được xem như là nét đẹp hoài niệm của phố cổ. Dẫu đã nhiều lần đặt chân đến đây, tôi như được trải nghiệm những mới mẻ khoảng không gian bình yên vô tận, ngắm nhìn bao nét đậm nhạt của màu thời gian qua từng tác phẩm được trau chuốt tỉ mỉ bởi những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, tất cả như in sâu vào ký ức của mỗi người.
Và khi đói bụng thì phố cổ lại chiều lòng du khách phương xa bằng những món ăn ngon như cơm gà Phố Hội, Cao Lầu, bánh bao, bánh vạc, bánh đập – hến xào, chè bắp, bánh bèo Hội An, mì Quảng, hoành thánh, bánh tráng (bánh cuốn/bánh ướt), bánh xèo Hội An, Xí mà…
Hòa mình cùng thiên nhiên bằng thuyền gỗ trên sông Hoài
Có lẽ trải nghiệm khó quên nhất với du khách đến đây là ngồi trên thuyền gỗ chạy dọc sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn). Vào những dịp lễ, tết, có đến hàng trăm chiếc thuyền hoa được trang trí lồng đèn rực rỡ, chóng chóng màu bay khắp nơi.
Tiên Sa