Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Các tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ

(SGTT) – Ngoài các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế có mặt tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành một Nghị định về nông nghiệp hữu cơ để làm nền tảng cho nền nông nghiệp hữu cơ trong nước. Nhưng có tiêu chuẩn rồi, không phải hộ dân, hợp tác xã nào cũng có thể áp dụng được.

Sản phẩm hữu cơ không phải muốn là được

Dưa leo hữu cơ được bán ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa.

Mới đây, một doanh nghiệp đã chào hàng với đối tác Nhật Bản sản phẩm gạo hữu cơ để bán vào thị trường này. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã từ chối vì cho rằng, quy trình sản xuất lúa hữu cơ của doanh nghiệp này chưa được kiểm soát nghiêm ngặt. Dù doanh nghiệp này trồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón nhưng phía đối tác cho rằng nguồn nước trồng lúa chưa được kiểm soát theo đúng quy trình.

Theo quy định hiện nay, để lấy được chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), của châu Âu, doanh nghiệp phải thực hiện hàng trăm mẫu phân tích, kiểm tra và phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe khác nữa.

Để có thể xuất khẩu vào Nhật Bản, doanh nghiệp phải đáp ứng hàng trăm tiêu chí. Ông Võ Quan Hy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình, từng chia sẻ rằng để có thể xuất khẩu chuối sang Nhật Bản, ông phải lấy đất trong trang trại trồng chuối đem đi phân tích cả trăm chỉ tiêu và khi các chỉ tiêu này đạt mức cho phép, đối tác Nhật mới chấp nhận ký hợp đồng.

Chuối xuất khẩu của ông Huy dù chưa đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhưng vẫn phải phân tích hàng trăm chỉ tiêu mới được xuất khẩu vào Nhật. Do đó, để có một sản phẩm hữu cơ xuất khẩu đúng tiêu chuẩn hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam là một quá trình đầu tư cả về thời gian lẫn tiền bạc.

Khó cho những hộ sản xuất nhỏ

Để hỗ trợ cho sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ có Nghị định số 109 về nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển thông thôn đưa ra tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trước đây, khi lấy ý kiến cho nghị định này, đã có đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là nơi cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam nhằm giảm chi phí chứng nhận cho người sản xuất. Nhưng theo Nghị định 109, bên chứng nhận sẽ là bên thứ ba, tương tự chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt).

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dù Việt Nam đã có nghị định về nông nghiệp hữu cơ, có hiệu lực từ ngày 15-10-2018 nhưng hiện tại mọi thứ đang trong quá trình vận hành. Vì thế, ít nhất vài năm nữa, người tiêu dùng mới có thể mua được những sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Để có chứng nhận này, doanh nghiệp phải trải qua nhiều quy trình lấy mẫu kiểm tra. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp đang được chứng nhận hữu cơ của USDA là thời gian mất khoảng hai năm mới hoàn thành các khâu chứng nhận, cấp giấy…

Từ kinh nghiệm của mình, vị lãnh đạo này cho rằng, các hộ nông dân, trang trại quy mô nhỏ khó có thể có được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Bởi những tiêu chuẩn này phải căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế của các chứng nhận hữu cơ trên thế giới. Việc này tương tự như Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải căn cứ vào các tiêu chí của GlobalGAP để làm tiêu chuẩn VietGAP khi lấy khoảng 80% tiêu chuẩn từ GlobalGAP để áp dụng.

Rau trồng tại một trang trại hữu cơ được chứng nhận của USDA. Ảnh: Ngọc Hùng.

Một yếu tố nữa là chi phí vì để lấy mẫu phân tích kiểm tra cũng tốn kém nên thường doanh nghiệp lớn, trang trại lớn mới có thể đủ tài chính để chi trả. Còn với nông dân, hộ sản xuất nhỏ khó mà làm được.

Một lý do nữa, sản phẩm sản xuất hữu cơ chỉ phục vụ cho một đối tượng khách hàng riêng, chủ yếu là người tiêu dùng có điều kiện mua sản phẩm với giá cao. Vì thế, dù Việt Nam có tiêu chuẩn hữu cơ nhưng chỉ những doanh nghiệp, trang trại lớn có thể áp dụng, còn các nông hộ, hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận. Khó tiếp cận không phải là do các tiêu chí chứng nhận hữu cơ khắt khe mà xét trên yếu tố hiệu quả đầu tư trong khi thị trường đầu ra lại bó hẹp ở phân khúc cao cấp.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Rau hữu cơ và rau sạch, làm sao phân biệt?

1
(SGTTO) - Trên thị trường, nhiều loại rau gắn nhãn rau sạch, rau an toàn, sau này có thêm khái niệm rau hữu cơ...

Năm lý do khiến bạn muốn chọn dùng thực phẩm hữu...

0
(SGTTO) - Nếu bạn đang băn khoăn về lợi ích của nguồn thực phẩm hữu cơ, hãy tìm hiểu năm thông tin quan trọng...

Gửi gắm cho một hành trình mới

0
(SGTT) - Hành trình cung cấp thông tin cho độc giả của Sài Gòn Tiếp Thị trong thời gian qua sẽ không thể trọn...

Sài Gòn Tiếp Thị: Cho một hành trình mới

0
Kính thưa quý bạn đọc, Trong một thập kỷ vừa qua, ai trong mỗi người chúng ta cũng đều cảm nhận được dòng chảy công...

SGTT số 10-2020: Không ngại Covid-19, giữ nhịp sống khỏe

0
(SGTTO) - Hơn một tháng cùng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, người dân TPHCM, trong đó có...

SGTT số 9-2020: Du lịch vui khỏe mùa nóng

0
(SGTTO) - Bắt đầu những ngày nắng nóng, còn gì tuyệt hơn được đi du lịch, về với thiên nhiên tươi đẹp và quên...

Kết nối