Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024

Các nhà sản xuất phản đối quy định cấm sản phẩm nông nghiệp liên quan đến phá rừng của EU

Các nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới phản đối các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm sản phẩm nông nghiệp liên quan đến phá rừng. Theo đó, để được phép bán sang EU các mặt hàng như ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su…, các công ty bên ngoài phải cung cấp bằng chứng chúng không được trồng trên đất rừng bị phá. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho rằng quy định này sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Đậu nành được thu hoạch ở một trang trại gần thành phố Brasilia của Brazil. Đậu nành nằm trong số các sản phẩm nông nghiệp mà EU yêu cầu chứng minh phải được sản xuất từ những vùng đất không phải được hình thành từ nạn phá rừng. Ảnh: Bloomberg

Hồi cuối tháng 6, quy định của EU về chuỗi cung ứng không phá rừng chính thức có hiệu lực, yêu cầu các công ty chứng minh nguồn gốc “sạch” (không gây mất rừng) của 7 mặt hàng nhập khẩu tại EU bao gồm cả gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ, cùng các sản phẩm phái sinh như thịt bò, đồ nội thất, giày da hay chocolate. Các công ty lớn có 18 tháng để chuẩn bị tuân thủ các quy định mới và thời gian dành cho các công ty nhỏ hơn là 24 tháng.

Brazil, nước xuất khẩu cà phê và đậu nành lớn nhất toàn cầu, đã phản ứng dữ dội quy định trên. Trong tuần qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Fávaro lên tiếng phản đối lệnh cấm và nghi ngờ về việc liệu quy định đó có tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay không. Ông nói thêm rằng, Brazil đang tìm cách thúc đẩy thương mại với các nước khác bên ngoài EU, bao gồm cả các nước trong khối các nền kinh tế mới nổi như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Fávaro cho rằng Brazil đã nỗ lực quản lý môi trường. “Nếu châu Âu không muốn hiểu điều đó, những nước khác sẽ công nhận những gì Brazil đã làm”.

Việc tuân thủ quy định mới của EU đòi hỏi truy xuất nguồn gốc đầy đủ đối với các chuỗi sản xuất nông nghiệp đầy phức tạp, một nhiệm vụ có thể gây tốn kém. Quy trình này sẽ làm tăng chi phí nông nghiệp vào thời điểm lạm phát lương thực bắt đầu tăng trở lại.

Giá các sản phẩm nông nghiệp cao hơn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người mua ở châu Âu. Vì thị trường quá lớn nên các nhà sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc trên diện rộng. Rốt cục, người tiêu dùng trên toàn cầu có thể phải chi trả nhiều hơn khi các nhà sản xuất chuyển chi phí mới vào các sản phẩm nông nghiệp.

Hiện tại, một số công ty thương mại và nông dân trên thế giới đang thực hiện các bước điều chỉnh theo quy định mới để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục tiếp cận các thị trường quan trọng của châu Âu.

Paulo Sousa, người đứng đầu hoạt động tại Brazil của Tập đoàn Cargill (Mỹ), một trong những công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới, cho biết các công ty thương mại lớn sẽ cần phải điều chỉnh quy trình giám sát chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.

“Việc tuân thủ quy định mới sẽ gây tốn kém thêm chi phí nhưng cũng mang lại cho chúng tôi sự chắc chắn rằng khách hàng sẽ được phục vụ. Chúng ta cần đặt tiêu chuẩn cao”, Sousa nói.

Theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EU), quy định mới được thiết kế để hỗ trợ chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học thông qua các nỗ lực hạn chế phá rừng. Người phát ngôn cho biết quy định này áp dụng “đối với hàng hóa, chứ không phải quốc gia, đồng thời không mang tính trừng phạt hay bảo hộ mà tạo ra một sân chơi bình đẳng”. Người phát ngôn khẳng định quy định mới tuân thủ các nguyên tắc của WTO.

Thời hạn để các nhà cung cấp điều chỉnh chuỗi cung ứng từ 18-24 tháng là khá gấp gáp. Có lo ngại rằng thời hạn eo hẹp sẽ có lợi cho các nước có nền nông nghiệp phát triển, nơi đã có các công nghệ và thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến hơn. Trong khi đó, những nhà sản xuất nhỏ sẽ dễ bị tổn thương hơn.

“Ai sẽ trả tiền cho việc này? Đó không thể là nhà sản xuất”, Vanusia Nogueira, Chủ tịch Tổ chức cà phê quốc tế (IOC), nói.

Bờ Biển Ngà và Ghana, chiếm khoảng 2/3 sản lượng ca cao toàn cầu, đang nghiên cứu một cơ chế định giá mới để bù đắp chi phí gia tăng.

“Bạn không thể cộng thêm chi phí sản xuất mà không phản ánh điều đó vào giá cả”, Yves Kone, người đứng đầu Conseil Cafe-Cacao, cơ quan quản lý ca cao của Bờ Biển Ngà, nói.

Câu chuyện cũng tương tự đối với thịt bò. Quy định của EU yêu cầu theo dõi tất cả gia súc ngay từ lúc chúng sinh ra. Đó sẽ là thách thức đối với nhà xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới Brazil, nơi những con bò có thể sống ở những nơi khác nhau trong nhiều giai đoạn của sinh trưởng của chúng.

Fernando Sampaio, CEO của tập đoàn công nghiệp Abiec (Brazil), nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với các trang trại đã được chứng nhận và đưa các nhà cung cấp của họ vào hệ thống giám sát. Tuy nhiên, các nước châu Âu nên biết rằng chi phí tăng thêm sẽ được chuyển sang cho cho các nhà nhập khẩu của họ”.

Theo Rodolfo Rossi, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất đậu nành Acsoja, những người trồng đậu nành của Argentina cũng có thể gặp khó khăn.

Argentina là một trong những nhà xuất khẩu bã đậu nành hàng đầu thế giới, được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Rossi cho biết, khoảng 15% diện tích trồng đậu nành của cả nước có thể bị ảnh hưởng bởi quy định mới của EU. Ông cho biết thêm, công ty của ông đang nỗ lực vận động hành lang để nông dân không phải gánh chịu thêm chi phí.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, cà phê được trồng chủ yếu trồng ở các trang trại hộ gia đình có quy mô nhỏ.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, nói: “Thật khó để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm bằng cách xác định vị trí chính xác của từng trang trại”.

Lê Linh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tăng cường đối thoại công-tư để tránh hàng xuất khẩu bị...

0
(SGTT) - Yêu cầu chống phá rừng và giảm phát thải carbon từ thị trường EU buộc các nhà quản lý phải thảo luận...

Thế giới mất 10% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh...

0
Năm ngoái, diện tích của các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh trên toàn cầu suy giảm 10% do nạn khác thác gỗ trái...

Kết nối