Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Các đầu bếp trẻ Việt Nam trong hành trình vươn ra biển lớn

(SGTT) – Vượt qua những khó khăn về thời tiết, thiếu kinh nghiệm và thời gian chuẩn bị… các đầu bếp của Việt Nam vẫn nỗ lực hết mình và giành chiến thắng với giải thưởng “Phong cách – Tác phong – Đoàn kết” tại cuộc thi làm bánh quốc tế UIBC lần thứ 51 (UIBC International Competition for Young Bakers 2023).

Cuộc thi làm bánh quốc tế UIBC được tổ chức hằng năm (từ năm 1971) với mục đích khuyến khích các thợ làm bánh trẻ (từ 15-25 tuổi) và giới thiệu họ đến công chúng. Bên cạnh đó, cuộc thi còn nhằm tìm kiếm những tài năng cho các giải đấu quốc tế khác. Năm nay, cuộc thi diễn ra từ ngày 16-2 đến 19-2 tại Đài Bắc, Đài Loan với sự góp mặt của 7 quốc gia và vùng lãnh thổ: Đức, Thụy Điển, Brazil, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan và Singapore. Đội thí sinh đại diện Việt Nam dự thi dưới sự “dẫn dắt” của Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (SPC) là các đầu bếp đến từ công ty ABC Bakery.

Đoàn Việt Nam tại cuộc thi UIBC lần thứ 51. Ảnh: Kiều Oanh

“Lên men” chiến thắng từ sự đoàn kết và tình yêu nghề

Theo bà Lê Thị Kiều Oanh, Chủ Nhiệm CLB Bếp Bánh Sài Gòn, giữ vai trò là cố vấn chuyên môn cho đoàn Việt Nam chia sẻ, những quốc gia đoạt giải thưởng cao phải mất hơn một năm tập luyện và chuẩn bị cho cuộc thi. Bên cạnh đó, về mặt bằng chung các đội thi đều làm việc rất chuyên nghiệp và có thái độ thi đấu chỉn chu, nghiêm túc. Đây cũng coi là một thách thức đối với đoàn Việt Nam bởi đội chỉ có thời gian chuẩn bị là ba tháng cùng với những khó khăn khác như ngôn ngữ, thời tiết và kinh nghiệm thi đấu còn hạn chế.

Các đầu bếp đại diện Việt Nam dự thi gồm Nguyễn Ngọc Lực, Võ Nhật Duy và Nguyễn Thị Thiên Nhi (từ phải qua trái). Ảnh: Kiều Oanh

Dù vậy, với tinh thần quyết tâm, yêu nghề và mong muốn khẳng định ẩm thực Việt Nam trên đấu trường quốc tế, các đầu bếp đã luôn nỗ lực hết mình để mang về giải thưởng “Phong cách – Tác phong – Đoàn kết” cùng với kỷ niệm chương đặc biệt.

Nói về thuận lợi và thế mạnh của Việt Nam trong cuộc thi này, ông Kao Siêu Lực, Chủ tịch danh dự Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (SPC), Tổng giám đốc Công Ty ABC Bakery cho biết: “Với tôi, kinh nghiệm từ người đào tạo, người chia sẻ kiến thức để các em có thể tiếp cận dễ dàng, áp dụng được và phát huy ưu điểm hiếu học của mình để thể hiện hết khả năng trong khuôn khổ của cuộc thi chính là tiềm năng nổi bật của đội Việt Nam so với các đối thủ”.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Kiều Oanh cho rằng, chiến thắng của đoàn Việt Nam là nhờ vào sự đoàn kết, tinh thần dân tộc, sự cố gắng, tự tin và tay nghề khéo léo của các thợ làm bánh trẻ.

Sản phẩm dự thi của Việt Nam được tạo hình bắt mắt và tỉ mỉ. Ảnh: Kiều Oanh

Đầu bếp Võ Nhật Duy, một trong những đầu bếp đại diện cho đoàn Việt Nam bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất vui khi lần đầu được tham gia một cuộc thi ở nước ngoài, được giao lưu với các bạn đồng nghiệp quốc tế, học hỏi kinh nghiệm làm bánh và mẫu bánh đẹp, độc lạ từ nước bạn. Giải thưởng chúng tôi nhận được là một động lực để động viên chúng tôi cố gắng và phát huy năng lực hơn trong các cuộc thi khác”.

“Người đầu tàu” và mong muốn tạo cơ hội cho đầu bếp trẻ

Ông Kao Siêu Lực chia sẻ, cảm thấy được tay nghề của các thợ làm bánh Việt Nam tại ngay chính nơi làm việc của mình đã đủ “chín muồi” để tham gia vào một sân chơi tầm cỡ quốc tế, ông đã quyết định tổ chức dẫn đoàn, kết nối để các đầu bếp trẻ có cơ hội tham dự cuộc thi.

“Tôi mong rằng các em có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm làm bánh với nhau, đồng thời học hỏi thêm được những kiến thức về nhiều góc độ như văn hóa các nước, cách làm sáng tạo của người thợ bánh và đặc biệt là hiểu hơn về nghề bánh để có thể luôn giữ được niềm đam mê, sự yêu thương và trân trọng dành cho nghề nghiệp của mình”, ông Kao cho biết thêm.

Ông Kao Siêu Lực (góc phải) và bà Lê Thị Kiều Oanh (góc trái) mừng chiến thắng cùng các đầu bếp. Ảnh: Kiều Oanh

“Anh em” là cách gọi thân thương mà ông Kao Siêu Lực dành cho nhân viên vì theo ông mỗi một cá nhân tại ABC Bakery đều như thể là người thân trong gia đình. Chia sẻ về quá trình dẫn dắt đoàn Việt Nam đi thi đấu, ông kể: “Lần này tổ chức dẫn đoàn đi thi, tôi nhận thấy các em rất là tích cực, nhiệt tình và có tinh thần học hỏi, tiếp thu rất nhiều kiến thức quan trọng và tích lũy được cho mình những kinh nghiệm riêng. Trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”, để cho các em có được thêm nền tảng kiến thức vững chắc hơn, tôi cũng đã tạo điều kiện mời các thầy là chuyên gia dạy làm bánh quốc tế về truyền đạt, đào tạo thêm cho tay nghề của các em được nâng cao lên. Do vậy tôi có niềm tin rằng đội thi của mình sẽ đoạt giải. Khi nghe kết quả đoàn Việt Nam chiến thắng giải thưởng “Phong cách – Tác phong – Đoàn kết” tôi rất vui mừng và đây thực sự là kết quả ngoài sự mong đợi của tôi.”

Từ những trải nghiệm và đam mê với nghề, những “người đầu tàu” như ông Kao Siêu Lực luôn hy vọng đóng góp kinh nghiệm của mình nhiều hơn nữa để các thợ làm bánh trẻ có thể phát huy hết được khả năng trong tương lai và luôn giữ niềm say mê, nhiệt tình và chịu khó để theo đuổi mục tiêu là một người thợ bánh giỏi, một người thợ bánh có ích cho xã hội.

Nhã Lý

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thanh Hóa có Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp

0
(SGTT) - Mới đây, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức lễ ra mắt và đón nhận quyết định thành lập Chi...

Đầu bếp miền Tây khởi nghiệp thành công dịch vụ nấu...

0
(SGTT) - Nhờ từng có kinh nghiệm đi nấu bếp ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, anh Hồ Thành Sơn mạnh dạn thử...

Ra mắt Hiệp hội siêu đầu bếp quốc tế tại Việt...

0
(SGTT) – Chiều 31-3, qua sự chấp thuận của Hiệp hội siêu đầu bếp thế giới, Hiệp hội siêu đầu bếp quốc tế Việt...

Kết nối