Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Báo động sức khỏe tâm thần ở người trẻ

Bình An -

Thống kê của các bệnh viện tâm thần tại Việt Nam cho thấy, có khoảng 16% dân số đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở người trẻ và trung niên. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng sống và lao động của toàn xã hội, cần được chú ý quan tâm.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM Trịnh Tất Thắng, cho biết, điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp trong những năm qua của người dân tại thành phố cho thấy có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong số này, có một số loại bệnh thường diễn tiến mạn tính như tâm thần phân liệt, chiếm tỷ lệ 0,3% - 1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện hoặc lạm dụng rượu 5%. Đặc biệt, tỉ lệ bị loạn thần liên quan tới sử dụng chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ.

Nhiều người trẻ mắc bệnh tâm thần

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần TPHCM tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định 800 lượt bệnh nhân, tăng 10%-15% mỗi năm. Hiện bệnh viện đang quản lý 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 8.000 bệnh nhân động kinh.

Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, số người trẻ nhập viện ngày càng gia tăng, trong đó nhiều người trẻ nghiện Facebook dẫn đến rối loạn cảm xúc.

BS. Phạm Văn Trụ, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết, hiện nay người trẻ mắc bệnh tâm thần nhiều. Trẻ em thường mắc bệnh do cha mẹ li dị, học hành căng thẳng, nghiện Facebook, nghiện sử dụng điện thoại, iPad. Người gần tuổi trung niên chịu áp lực công việc, căng thẳng chuyện tiền bạc, gia đình.

BS. Trụ cũng cho hay, hầu hết bệnh nhân đến khám với lý do mất ngủ đau đầu đều than phiền rằng hay bị trằn trọc về đêm, mệt mỏi không ngủ được, chỉ ngủ thiếp đi khi quá mệt. Người mất ngủ nhiều quá thường sợ đêm đến nhưng ban ngày cũng không ngủ trưa được, từ đó thấy những cơn lo âu vô cớ tự đến. Cứ như vậy, người bệnh tiếp tục ám ảnh sợ mất ngủ, làm trầm trọng thêm tình trạng mất ngủ từ trước đó. Người bệnh cố chịu đựng mà không ngủ lại được, dần dần chán nản, bạc nhược, giảm hứng thú làm việc, không còn nhiều thiết tha với cuộc sống, cũng là các triệu chứng trầm cảm. Chỉ cần thiếu ngủ ban đêm, hoặc ngủ được một chút nhưng sáng dậy mệt mỏi không thấy khỏe trong người và mất cả giấc ngủ trưa thì rối loạn lo âu hoặc trầm cảm đã xảy ra rồi.

Cách thoát khỏi lo âu, trầm cảm

Chị Nguyễn Hương Vũ, ngụ tại quận 2, TPHCM, vừa điều trị bệnh tâm thần và vượt qua thời kỳ rối loạn lo âu, trầm cảm, vì người trầm cảm giống như người đeo một khối đá trước ngực bước thăng bằng trên dây.

Khi trạng thái tâm lý stress (lo âu, buồn chán) bị đẩy quá ngưỡng chịu đựng của thần kinh và biến thành trạng thái khủng hoảng thì sau đó người ta sẽ không tránh khỏi vũng lầy trầm cảm. Lúc này, trạng thái trầm cảm sẽ tác động không chỉ tâm lý mà còn trực tiếp tới những hoạt động khác của cơ thể như rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nhịp tim, rối loạn hành vi, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ hay rối loạn hoảng sợ. Mặc dù, biểu hiện bệnh có thể lúc thì trầm trọng lúc thì yếu bớt.

Chị Hương Vũ khuyên, khi có các dấu hiệu sớm nhất là trạng thái stress kéo dài quá một tuần, bạn phải lập tức tìm mọi biện pháp để thoát ra, không để lún sâu. Lý do là nỗi buồn và cảm giác tiêu cực luôn được đẩy tới mức tột độ một cách cực kỳ chóng vánh.

Trầm cảm cũng là hội chứng của sự cô độc. Xu hướng sống khép kín, ngại tiếp xúc, sợ đám đông, lạc lõng… luôn đẩy người trầm cảm vào trạng thái thu mình. Thêm vào đó, những định kiến xã hội, sự thiếu hiểu biết, thiếu chia sẻ từ người thân càng khiến họ muốn chui sâu vào vỏ ốc. Cho nên, việc bệnh nhân chấp nhận chia sẻ với người khác là bước quan trọng nhất cho những người muốn tự thoát khỏi hội chứng này.

Trầm cảm và các bệnh thần kinh đều xuất phát từ tâm lý cho nên việc tránh mọi tác nhân căng thẳng là việc tối cần thiết. Nên cố gắng ép mình tiêu hao năng lượng vào các hoạt động mà bạn thích như làm việc, đi chơi, thể thao… Nếu thả cho mình chìm đắm vào suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ không thể điều khiển được ý muốn kết thúc cuộc sống trong vô thức.

Các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần kinh đưa ra lời khuyên, những người mắc các triệu chứng như lo âu, mất ngủ, người mệt mỏi, tinh thần bấn loạn, có ý định tự tử, tự làm đau mình… hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Đồng thời, gạt bỏ những vấn đề hoặc các mối quan hệ khiến mình phải lo lắng, suy nghĩ quá nhiều. Bắt đầu làm những việc mình thích nhất, tìm kiếm đam mê và đi theo niềm đam mê đó. Quan tâm đến bản thân trong thời điểm hiện tại, không quá chú trọng đến những mục tiêu xa vời. Kiểm soát các vấn đề tinh thần, tập thể dục và quan tâm đến chế độ dinh dưỡng nhiều hơn. Yêu thương bản thân và nuôi thú cưng để vượt qua cảm giác thấy cô đơn, trống trải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối