(SGTT) – Đọc trại theo tiếng Khmer là th’not, thốt nốt là loại cây phổ biến mà dọc đường hành trình du lịch tại An Giang, mọi người rất dễ bắt gặp chúng khoe dáng trên những cánh đồng.
- Bản đồ ẩm thực: Bánh hỏi lòng heo trứ danh xứ Nẫu
- Bản đồ ẩm thực: Lạ mắt bún suông Trà Vinh
- Bản đồ ẩm thực: Thử xôi măng, món ăn sáng dân dã của người Kon Tum
Cây thốt nốt từ lâu đã gắn liền với cuộc sống, văn hóa con người An Giang. Trong đó, chúng tập trung nhiều nhất ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc địa phận 2 huyện miền núi là Tịnh Biên và Tri Tôn, thế nên nơi này còn được mệnh danh là xứ sở cây thốt nốt.
Về lợi ích, tận dụng phần lá, thân cây thốt nốt, người ta có thể tạo thành bàn, ghế, cất nhà, đối với các nghệ nhân còn làm thành các món đồ mỹ nghệ có giá trị. Trong khi đó, phần trái thốt nốt lại có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, thu hút thực khách sành ăn phương xa tìm đến.
Nổi tiếng nhất có thể kể đến là nước thốt nốt thanh mát, ngọt ngào mà du khách có thể thưởng thức bất kỳ lúc nào. Kể ra cũng lắm công phu bởi để có món thức uống này thì người ta phải cho cuống hoa thốt nốt vào những ống nứa, để qua đêm sẽ tiết ra phần chất lỏng thơm nồng. Rồi khi có người gọi món thì cho một phần nước đó vào ly cùng cơm thốt nốt, thêm ít đá lạnh là đã đủ ai uống qua cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Ngoài thức uống kể trên, thốt nốt còn có thể chế biến thành chè, bánh ngọt, rau câu, đường và nổi tiếng không kém nước thốt nốt là bánh bò thốt nốt của người Chăm ở thị xã Tân Châu. Để làm món bánh này thì người ta dùng cùi của thốt nốt giã nhuyễn chắt lấy nước trộn cùng bột gạo và đường thốt nốt, hấp chín có màu vàng nâu và xốp nhẹ ăn rất ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, cùi phải của trái thốt nốt già hương vị mới đậm đà hơn. Trong khi đó, đường thốt nốt ngoài vị thanh ngọt tựa như đường từ cây mía thí chúng còn lẫn thêm chút béo bùi, kích thích vị giác khi thưởng thức hơn.
Để có những trải nghiệm thú vị về những cánh đồng thốt nốt, mọi người nên ghé thăm An Giang vào mùa nước nổi, khoảng tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch. Lúc này, mọi người sẽ cảm nhận được hết vẻ đẹp của loài cây này nói riêng và con người, văn hóa nơi đây nói chung.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Huỳnh Diễm