(SGTT) – Vốn là nguyên liệu bỏ đi trong quá trình chế biến cá ngừ đại dương, mắt của chúng được các đầu bếp giữ lại và sáng tạo nên một món ăn mà sau này là định danh về văn hóa ẩm thực của xứ biển Phú Yên – mắt cá ngừ đại dương.
- Bản đồ ẩm thực: Bánh hỏi lòng heo trứ danh xứ Nẫu
- Bản đồ ẩm thực: Lạ mắt bún suông Trà Vinh
- Bản đồ ẩm thực: Thử xôi măng, món ăn sáng dân dã của người Kon Tum
Mùa đánh bắt cá ngừ đại dương bắt đầu từ tháng Giêng cho đến tháng Tư Âm lịch hằng năm. Sau quá trình rong ruổi trên biển khơi, ngư dân lại trở về đất liền với rất nhiều con cá ngừ đại dương tươi ngon. Sau khi vào bờ và sơ chế, mắt cá được người ta loại bỏ hết phần thừa, chỉ còn giữ lại cầu mắt.
Dù cá ngừ có dọc ở các tỉnh, thành ven biển miền Trung thế nhưng khi nhắc đến cá ngừ nhiều người lại nghĩ ngay đến Phú Yên. Có dịp ghé thăm Tuy Hòa, Phú Yên trong một lần công tác cách đây không lâu, người viết được bạn bè bắt phải thử qua món mắt cá ngừ đại dương. Họ còn nói vui rằng đến Phú Yên mà chưa thử qua món này thì xem như chưa đặt chân đến xứ Nẫu.
Bên cạnh các phương pháp chế biến như nấu cháo, nấu lẩu, om dưa chua… thì mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc bắc có lẽ là món ăn phổ biến nhất tại Phú Yên. Trò chuyện cùng anh bạn đầu bếp Phú Yên, mới hay ngoài nguyên liệu tiềm làm giảm bớt mùi tanh thì cách sơ chế của đầu bếp cũng là yếu tố quyết định món ăn có thơm ngon, hoàn toàn không hề bị tanh hay không? Và theo đó, cách đơn giản nhất là mắt cá tươi mang về sẽ chần sơ qua nước muối nấu sôi. Tiếp đến rửa sạch, loại bỏ gân máu rồi hấp cùng hỗn hợp gia vị sả, gừng, lá dứa. Có như thế mắt cá mới đạt chuẩn để đem đi tiềm.
Thố tiềm phải là loại làm từ đất sét để giữ nhiệt và bảo đảm đúng độ lửa cho món ăn. Sau khi xếp đều các nguyên liệu vào thố, thợ nấu sẽ đem đi hầm đến khi mắt cá mềm và hỗn hợp tiềm thuốc bắc hòa quyện lại với nhau.
Khi có thực khách gọi món, người bán sẽ dọn ra một phần mắt cá ngừ đại dương gồm một thổ và đĩa bánh tráng cũng như rau sống ăn kèm. Để tránh món ăn mau nguội, dễ bị tanh, một số nơi còn lót thêm đĩa cồn bên dưới nên lúc nào lửa cũng cháy ngùn ngụt, kích thích vị giác của thực khách hơn.
Bỏ qua sự rụt rè ban đầu, người viết quyết định trải nghiệm món ăn có phần hơi “ghê” này. Gắp nhẹ chiếc đũa để khều lấy phần mắt cá, thưởng thức và húp nhẹ ít nước tiềm thì mới hiểu vì sao mắt cá ngừ đại dương Phú Yên lại là món ăn được nhiều người yêu thích. Cảm giác hòa quyện giữa vị béo ngậy của mắt cá, vị thơm nồng của gia vị thuốc tiềm cứ đọng mãi cổ họng. Cứ thế, chỉ muốn gắp đũa dùng thêm mà quên hẳn luôn nỗi sợ về mắt cá lúc ban đầu.
Ngoài mắt cá ngừ, thịt cá ngừ còn có thể ăn sống theo phương thức sashimi của người Nhật Bản hay mang xuất khẩu sang nước ngoài. Qua thông tin báo đài, cá ngừ là thực phẩm có lợi cho sức khỏe người dùng như hỗ trợ giảm cân, bổ mắt, ngăn ngừa thiếu sắt, thiếu máu, tốt cho trí não. Thế nên, trong chuyến hành trình chinh phục vùng đất biển Phú Yên, du khách không nên bỏ qua trải nghiệm thưởng thức mắt cá ngừ và những món ăn từ cá ngừ nhé.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An - Vân Nguyễn