Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Bali, miền đất của những ngôi đền

(SGTT) – Đến với Bali (Indonesia), du khách không chỉ được đắm mình trên bờ biển cát trắng và nước xanh biếc, mà còn được trải nghiệm nền văn hoá được lưu giữ hàng ngàn năm, đặc biệt là các ngôi đền cổ kính.

Từ tháng Năm đến tháng Chín là mùa khô tại Indonesia. Đây cũng là khoảng thời gian phù hợp nhất để bạn có thể lên kế hoạch cho chuyến du lịch của mình và gia đình. Mùa mưa diễn ra từ tháng Mười đến tháng Tư năm sau, với những cơn mưa nhanh và nặng hạt. Nhiệt độ tại đảo quốc này dao động quanh mức 28 độ C quanh năm.

Chúng tôi thực hiện chuyến du lịch tới Bali trong năm ngày, trong đó hai ngày dành cho việc di chuyển bởi vẫn chưa có đường bay thẳng kết nối giữa TPHCM và Bali.

Đi đâu cũng thấy đền đài

Bali là địa điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia kể từ những năm 1980 tới nay với các ngôi đền có kiến trúc điêu khắc tinh xảo và các điệu múa truyền thống. Ngành du lịch hiện chiếm tới 80% nền kinh tế của hòn đảo này.

Đền Uluwatu nằm trên vách núi.

Đến với Bali, du khách có thể bắt gặp đền thờ to nhỏ ở khắp nơi. John, hướng dẫn viên cho đoàn chúng tôi, nói có hàng ngàn ngôi đền tại hòn đảo nhỏ Bali, mỗi gia đình Bali đều xây một ngôi đền trong nhà của mình và cầu nguyện ba lần mỗi ngày. Những ngôi đền này sẽ được mở rộng theo năm tháng khi cô dâu mang thêm một tượng thần mà gia đình họ thờ cúng sang nhà chồng.

Gần 90% số dân ở đây theo đạo Hindu (hay còn gọi là Ấn Độ giáo), tiếp đến là đạo Hồi; phần còn lại theo Thiên chúa giáo và một số đạo khác. Người dân tại đây lập đền thờ với ba mục đích chính: chữa trị tâm hồn, thiền và cầu nguyện.

Ngày đầu tiên, chúng tôi đến thăm ngôi đền Uluwatu, một trong những ngôi đền quan trọng nhất tại Bali. Được xây dựng vào thế kỷ 11, ngôi đền này là điểm đến của hàng trăm du khách tham quan và cầu nguyện mỗi ngày. Ngôi đền tọa lạc trên đỉnh vách núi nằm phía tây bắc của hòn đảo. Người dân ở đây tin rằng, vị trí ở trên cao là nơi của các vị thần, mặt đất dành cho con người, vì vậy, hầu hết các ngôi đền quan trọng nơi đây đều nằm ở trên các đỉnh núi. Nhằm lưu giữ nét văn hóa này, tất cả ngôi nhà tại Bali đều xây thấp, dưới chiều cao của một cây dừa, nhường vị trí trên cao cho vị thần của họ. “Từng có khách sạn đã bị chính quyền nơi đây yêu cầu bỏ đi một tầng vì vượt quá chiều cao cho phép”, hướng dẫn viên của chúng tôi nói.

Sau khi tham quan và cầu nguyện tại ngôi đền linh thiêng Uluwatu này, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh bờ biển Bali trên con đường cạnh ngôi đền khi hoàng hôn buông xuống. Đây cũng là nơi cư ngụ của hàng nghìn con khỉ. Chúng có thể cướp từ du khách như kính, máy ảnh, kẹp tóc… Nhưng nếu điều đó xảy ra, đừng buồn vì nếu bạn may mắn, chúng có thể trả lại bạn bất cứ thứ gì để đổi lấy một túi ngũ cốc hoặc chuối.

Thêm một điểm thú vị ở Uluwatu Temple là màn trình diễn nghệ thuật truyền thống trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ tối, tại ngay đền thờ khi hoàng hôn dần chìm xuống đường chân trời. Trong suốt buổi trình diễn Kecak, tên gọi điệu nhảy truyền thống của người dân Bali, 70 nghệ sĩ nam mặc quần áo kẻ trắng đen, trong đó màu trắng tượng trưng cho điều tốt đẹp, màu đen cho sự xấu xa trong mỗi con người, ngồi vòng quanh hình hoa sen, giơ tay và cùng hát nhịp nhàng từ “ke-cak-ke-cak”. Khách du lịch sẽ được kể lại câu chuyện truyền thuyết về Ramayana thông qua nhân vật Rama, Sita, Rahwana, Hanoman và Sugriwa trong khung cảnh hòa quyện giữa núi, biển và con người nơi đây.

“Thỏi nam châm” Tanah Lot

Đến với Bali, du khách không thể bỏ qua đền Tanah Lot, “land in the sea”, một trong những địa điểm thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi ngày. Lịch sử của Tanah Lot, có từ thế kỷ thứ 16, khi Dang Hyang Nirartha, một vị thần được tôn thờ tại Bali, người đã tạo ra hệ thống ba đền thờ tại các ngôi làng nơi đây. Đền thờ ở phía Bắc khu vực này dành để thờ Brahma, đền thờ ở giữa cho Vishnu và ở phía Nam cho Shiva. Theo truyền thuyết tại Bali, Dang Hyang Nirartha là vị thần sức mạnh, có thể di chuyển một hòn đảo ra bờ biển, xây đền và đặt tên nó là Tanah Lot. Người dân làng Beraban rất ngạc nhiên và sau đó tin tưởng, dõi theo đức tin của ông. Đền Tanah Lot được xây dựng để thờ Bhatara Segara, hay còn gọi là thần biển. Để bảo vệ ngôi đền, Dang Hyang Nirartha đã tạo ra một con rắn độc, được cho là sống ngay bên dưới của hòn đảo để bảo vệ ngôi đền khỏi những kẻ xâm lược.

John, hướng dẫn viên của chúng tôi kể lại, chất liệu xây dựng ngôi đền, cổng chào và các bức tượng nơi đây được lấy từ núi lửa nên ngôi đền dù xây dựng được hàng trăm năm tuổi vẫn không bị xuống cấp.

Lễ hội Odalan, người dân đội lễ vật mang tới ngôi đền Tanah Lot.

Chúng tôi may mắn được đến Tanah Lot vào đúng lễ hội Odalan, được tổ chức 210 ngày một lần. Vào ngày lễ này, người dân nơi đây xếp thành hàng dài với lễ vật đội trên đầu mà họ đã cầu nguyện để mang tới đền Tanah Lot. Lễ vật mà họ chuẩn bị cũng không cầu kỳ, chủ yếu là hoa và một chút bánh. Gia đình mà chúng tôi gặp sau khi từ đền Tanah Lot trở về, cầu nguyện bình an và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Khu du lịch bên ngoài đền thờ có các cửa hàng đồ lưu niệm, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thông tin du lịch và dịch vụ an ninh. Khách du lịch có thể thư giãn tại một nhà hàng bên ngoài đền thờ, vừa thưởng thức món ăn địa phương, vừa ngắm toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Nếu có thời gian, du khách cũng có thể ngắm nhìn mặt trời lặn, một trải nghiệm đáng giá trong đời.

Ấn tượng về sự sạch sẽ

Sau một ngày thăm quan các ngôi đền, tìm hiểu về văn hóa và phong tục địa phương, chúng tôi bước sang ngày thứ hai với nhiều hoạt động giải trí. Sáng sớm, đoàn đón chúng tôi đi từ khách sạn Mercure Legian Bali tới Ubud. Ngồi trên chiếc xe Volkswagen Safari cổ và đi tới các địa điểm du lịch nổi tiếng tại đây là trải nghiệm khó quên đối với tôi. Ấn tượng đầu tiên là môi trường trong sạch tại đây. Gần một tiếng ngồi trên xe mui trần ngắm đường phố, tôi không hề thấy một cọng rác nào trên đường.

Surahmat, thuộc Bộ du lịch Indonesia, người phụ trách thúc đẩy du lịch tại thị trường Việt Nam, cho hay để giữ được môi trường du lịch trong sạch như vậy, chính phủ Indonesia đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ người dân tham gia phát triển du lịch bền vững như thành lập các làng du lịch. Ngoài ra, Indonesia còn trao giải cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, rất dễ gặp cảnh người dân tự nguyện nhặt rác, hay các cửa hàng dùng ống hút giấy, sắt, thay vì ống hút nhựa; các cửa hàng bán túi vải cho du khách thay vì cung cấp túi ni lông miễn phí….

Bali có tới 60% diện tích là nước, 40% là đất liền, khả năng bị nhấn chìm rất lớn. Vì vậy người dân nơi đây rất trân trọng từng nhánh cây, ngọn cỏ. “Họ coi cây cối như một sinh vật có linh hồn. Vì vậy, mỗi khi phải đốn cây, thậm chí chỉ một cành cây, họ phải mời thầy cúng về cầu nguyện”, John nói.

Vũ Dung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chiêm ngưỡng áo dài làm từ vải Batik truyền thống của...

0
(SGTT) - Theo Tổng lãnh sự Indonesia tại TPHCM, ông Agustaviano Sofjan, có nhiều trang phục của Indonesia mang nét tương đồng với áo...

Bali tái mở cửa nhưng vẫn vắng bóng khách nước ngoài

0
Với những bãi biển xinh đẹp, thời tiết mát mẻ và ẩm thực đặc sắc, đảo Bali của Indonesia từ lâu được ca ngợi...

Labengki, nơi còn thưa dấu chân người

0
(SGTT) - Nếu bạn đã từng nghe đến sự nổi tiếng của đảo Palawan, El Nido ở Philippines thì Indonesia cũng có Labengki với...

Kết nối