Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Ấn định ngày khởi công, hoàn thành Vành đai 3 TPHCM

Dự án xây dựng Vành đai 3 TPHCM bắt đầu tổ chức thi công từ 30-6-2023, và hoàn thành 30-6-2026. Đây là nội dung chính của Nghị quyết 105/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm xúc tiến đầu tư dự án này.
Sơ đồ các tuyến vành đai xung quanh TPHCM. Ảnh: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16-6. Hôm qua (15-8) Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 105/NQ-CP triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này.

Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời, được phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Về thủ tục, cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc như thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

Điều chỉnh cục bộ các quy hoạch có liên quan đến dự án; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thành phần.

Về dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai vành đai 3, công tác bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho địa phương bắt đầu từ 10-8-2022, hoàn thành 30-9-2022. Địa phương thực hiện công tác GPMB bắt đầu từ 1-10-2022, hoàn thành 30-3-2024.

Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát,… và khởi công bắt đầu từ 30-11-2022 và hoàn thành 30-6-2023. tổ chức thi công bắt đầu từ 30-6-2023, hoàn thành 30-6-2026.

Đồng thời, dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cho phép UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án.

Dự án vành đai 3 TPHCM dài hơn 76 km được chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM với tổng mức đầu tư dự kiến 75.378 tỉ đồng.

Bên cạnh vành đai 3, TPHCM còn có dự án vành đai 2 TPHCM được thiết kế với chiều dài toàn tuyến hơn 64 km, đến nay, đã đầu tư hoàn thành 50 km, còn 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành. Dự kiến, vành đai 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Với đường vành đai 4 dài gần 200 km, với thiết kế có 6-8 làn xe, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng và được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hồi tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc giao 5 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường vành đai 4. UBND TPHCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 17 km.

Minh Hoàng

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối