Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Đề phòng chứng loãng xương ở trẻ em

(SGTT) – Loãng xương ở trẻ em là một chứng bệnh khá khó nhận biết nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thể chất, khả năng vận động và tương lai sức khỏe của các bé.

Hình minh họa mặt cắt xương đùi khỏe mạnh (trái) và xương đùi bị loãng (phải). Ảnh: Jamaica Hospital Medical Center.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, đang quản lý điều trị cho 13 trẻ loãng xương có chỉ định tình trạng nặng cần điều trị. Bác sĩ Nguyễn Đức Quang, Quyền trưởng khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết loãng xương là bệnh lý của hệ xương, làm giảm sức khỏe – mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Nguyên nhân

Bác sĩ Quang phân tích, nguy cơ gây loãng xương đến từ các yếu tố ảnh hưởng đến khối xương của trẻ như di truyền, chiếm tỷ lệ 70% số ca mắc phải. Tiếp theo là yếu tố dinh dưỡng như chế độ ăn có chứa ít canxi và vitamin D, nồng độ chất đạm thấp, muối cao. Tiêu thụ nước uống có ga quá nhiều cũng sẽ làm giảm hấp thu canxi dẫn đến giảm khối lượng xương.

Ngoài ra, lối sống ít vận động, thừa cân nặng và tỷ lệ giữa cơ với mỡ cũng là yếu tố nguy cơ gây loãng xương. Đối với người lớn tuổi, chứng nghiện rượu, nghiện thuốc lá, cà phê cũng làm giảm khối lượng xương. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân hiếm gặp như chứng “tạo xương bất toàn” gây loãng xương vô căn ở thiếu niên.

Bác sĩ Quang cũng cho biết có khá nhiều dạng bệnh lý có thể dẫn đến loãng xương như bệnh lý tuyến giáp (bướu giáp), tuyến cận giáp, tuyến vỏ thượng thận; chứng suy thận mãn; các bệnh về khớp; các bệnh liên quan đến nội tiết như suy giảm nội tiết tố sinh dục, cơ thể kém hấp thu canxi.

Đối với những trẻ phải chạy thận nhân tạo, bị chấn thương phải nằm lâu, viêm xương, có chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, đang sử dụng thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máu, thuốc hóa trị ung thư… hiện tượng loãng xương cũng có thể xảy ra sớm.

Nếu tình trạng loãng xương chuyển biến nặng mà không được điều trị đầy đủ có thể dẫn đến gãy xương tái phát làm trẻ có nguy cơ bị gù, vẹo, lùn.

Triệu chứng khó nhận biết

Chị N.T.T (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đưa con gái 10 tuổi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 với ý định chụp XQ phổi cho con vì bé ho, khò khè kéo dài… Chị bất ngờ khi biết bác sĩ cho biết con gái chị đang mắc bệnh loãng xương cần phải điều trị.

Một tình huống tương tự khác là bé N.T.M (8 tuổi, ngụ quận 5) được ba mẹ đưa đi khám khi cẳng chân sưng phủ, tấy đỏ. Gia đình chỉ phát hiện được tình trạng loãng xương khi bé được nhập viện tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, TPHCM. Sau khi thăm khám, chụp phim bác sĩ cho biết bé bị gãy xương do loãng xương nặng.

Chị M.T.H, 35 tuổi, mẹ của bé M kể, khi lên 6 tuổi bé có cân nặng hơn những trẻ bình thường khá nhiều. Giải pháp của mẹ là giảm bớt đạm, canxi và sữa trong khẩu phần ăn của bé. Tuy nhiên, tình trạng thừa cân của bé vẫn không cải thiện mà càng nặng hơn. “Chỉ một cái vấp nhẹ trong lúc di chuyển bé đã bị chấn thương và gãy chân. Tôi chưa từng nghĩ con mình bị loãng xương, vì vẫn nghĩ bệnh này chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi”, mẹ của bé M lo lắng cho biết.

Bác sĩ Quang khuyến cáo, lối sống thụ động như ít vận động, chơi game, xem ti vi kết hợp với chế độ ăn không lành mạnh khiến trẻ béo phì, dư mỡ, khối xương giảm, là một nguy cơ lớn gây bệnh loãng xương.

Theo bác sĩ Quang, bệnh loãng xương ở trẻ rất khó nhận biết vì không có biểu hiện lâm sàng, thường chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên khi trẻ bị một bệnh lý khác.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết loãng xương ở trẻ thường xuất hiện trên nhiều bệnh lý. Có thể biến chứng đi kèm của một căn bệnh nguy hiểm đang tiềm ẩn ở trẻ. Hiện tượng loãng xương do bệnh lý gây ra làm trẻ không dung nạp tốt lượng canxi, giảm chất lượng xương, khung xương hoàn hảo…, dẫn tới trẻ dễ bị loãng xương. Thường liên quan đến những bệnh lý như rối loạn nội tiết, di truyền, cơ địa, cơ thể kém hấp thu canxi…

Theo bác sĩ Mẫn, trẻ nhập viện do gãy xương thời gian qua tại bệnh viện có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, đối với những trẻ thừa cân, béo phì thì tình trạng gãy xương dễ xảy ra trong quá trình di chuyển, va chạm… Do vậy, phụ huynh đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn cho trẻ, như đối với những trẻ béo phì ít vận động khung xương chịu lực tốt so với trẻ bình thường, nên khi va chạm, trẻ dễ bị gãy xương hơn.

Bác sĩ Mẫn lưu ý, phụ huynh nên quan tâm đến trẻ béo phì, còi xương và áp dụng chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp để trẻ có thể hấp thu lượng canxi đủ. Những trường hợp loãng xương do bệnh lý cần tránh cho bé va chạm để tránh dẫn đến gãy xương. Cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng thiếu canxi cho các bé. Bác sĩ lưu ý, nếu loãng xương ở độ tuổi quá trẻ mà không được điều trị kịp thời thì khi đến tuổi trung niên, nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp càng cao, loãng xương càng nặng, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Khi thấy trẻ than bị đau, nhức ở xương cho dù bất cứ nguyên nhân nào hoặc xuất hiện dấu hiệu của tất cả các bệnh lý liên quan đến loãng xương, các bậc cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám, chữa kịp thời.

Pháp Từ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khởi động chương trình thể thao vì cộng đồng cho thanh...

0
(SGTT) – Để khuyến khích học sinh, sinh viên, người yếu thế xây dựng thói quen vận động, tập luyện và tiếp cận được...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

Phát hiện không ít mối quan ngại về bữa sáng của...

0
Sau khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố thực trạng dinh dưỡng phổ biến...

Sân chơi cho trẻ em TPHCM: Nhiều mà vẫn thiếu

0
(SGTT) - Tại TPHCM, sân chơi cho trẻ em khá đa dạng từ các công viên công cộng đến các khu vui chơi trong...

Các khu vui chơi thu hút đông đảo ‘thượng đế nhí’...

0
(SGTT)- Vào dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, nhận được thông tin ưu đãi từ các địa điểm như Suối Tiên, Thảo Cầm...

Nhịp tim Việt Nam giúp chữa lành 10.000 trái tim trẻ...

0
(SGTT) – Qua 17 năm, chương trình Nhịp tim Việt Nam do tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) thực hiện đến nay đạt cột mốc...

Kết nối