(SGTT) - Ngoài chức năng phục vụ nghệ thuật, thì Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh (Bắc Ninh), Nhà hát Đó (Khánh Hòa) hay nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)... còn sở hữu kiến trúc độc đáo, ấn tượng, thu hút du khách đến khám phá, check-in.
- Chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ 20 tại trụ sở UBND TPHCM
- Khám phá 3 điểm đến ở miền Tây vào ‘Top 7 công trình kiến trúc độc đáo’
Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 5-2019, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tọa lạc tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là nơi biểu diễn quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với kiến trúc độc đáo, có sự pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tọa lạc trên khu đất có diện tích 19.400m2 gồm trụ sở làm việc ba tầng, công trình nhà hát chính và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà. Trong đó, riêng hạng mục nhà hát chính có tổng diện tích sàn là 7.900m2, sàn diễn rộng 100m2 và các không gian chức năng khác. Hệ thống trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nội thất phòng khán giả, sân khấu được đầu tư đồng bộ.
Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút người dân và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan chiêm ngưỡng, thưởng thức những vẻ đẹp văn hóa Quan họ, góp phần bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị di sản.
Nhà hát Đó
Nhà hát Đó được xây dựng ở khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, khánh thành đầu tháng 4. Kiến trúc công trình được lấy cảm hứng từ chiếc đó - dụng cụ đánh bắt cá của người Việt. Đan xen phía bên ngoài là các khung thép và hình ảnh nhánh san hô xen lẫn các viên ngọc trai hình tròn.
Theo báo Khánh Hòa, công trình có tổng diện tích 2.500m², với 536 chỗ ngồi, toàn bộ hệ thống cơ khí, kỹ thuật sân khấu, âm thanh ánh sáng được nhập khẩu trực tiếp từ Châu Âu. Nhà hát Đó là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và tương lai để có thể đem đến trọn vẹn những xúc cảm của nghệ thuật dân gian Việt Nam, cũng như nghệ thuật đương đại của thế giới.
Nhà hát Cao Văn Lầu
Tọa lạc tại Quảng trường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu được xây dựng theo mô hình ba chiếc nón lá đan xen nhau, có ba tầng với các độ cao giảm dần gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Nam Bộ.
Chiếc nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam. Ba khối nhà hình nón lá được đặt bên cạnh hồ nước nhân tạo, giữa hồ là lối đi cho khách tham quan uốn cong theo suốt chiều dài hồ. Phần diện tích hồ phía ngoài lối đi dùng để trồng sen, súng. Với kiến trúc lạ mắt, Nhà hát Cao Văn Lầu cũng đã được vinh danh vào “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” năm 2022 do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức.
Nhà hát Lớn Hà Nội
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật nằm trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, ở đầu phố Tràng Tiền, cách không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Công trình này được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta. Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.
Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh
Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc số 7 đường Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, Quận 1, là một công trình kiến trúc đặc biệt, mang đậm phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp cuối thế kỷ 19, theo TTXVN.
Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh do nhóm kiến trúc sư người Pháp là Félix Olivier, Eugène Ferret và Ernest Guichard thiết kế. Lối kiến trúc của công trình có đặc trưng là sự phối hợp khéo léo giữa kiến trúc và điêu khắc; trong đó, trang trí điêu khắc rất được coi trọng, từ mặt ngoài đến nội thất đều đắp nhiều phù điêu và tượng nổi.
Đặc biệt, toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất của Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh đều do một họa sỹ tên tuổi người Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19. Nội thất bên trong nhà hát được thiết kế tân tiến với đầy đủ hệ thống âm thanh và ánh sáng.
Nguyên Phong