Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Ý nghĩa của 4 tiêu chuẩn về thực phẩm thường thấy

(SGTT) – Đi chợ hay đi siêu thị, người tiêu dùng sẽ thấy có nhãn hàng ghi là: Được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP… Những tiêu chuẩn này giúp thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm chọn lựa.

Các tiêu chuẩn thường thấy ở thực phẩm hiện nay bao gồm GlobalGAP, VietGAP, HACCP, ISO. Từng tiêu chuẩn có các quy định cụ thể và đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong sản xuất thực phẩm.

GlobalGAP

GlobalGAP là một bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global Good Agricultural Practices).

Đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nghĩa là nhà sản xuất phải bảo đảm các yếu tố, bao gồm độ an toàn, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm, thân thiện với môi trường (bao gồm sự đa dạng sinh học), điều kiện làm việc, sức khỏe và an toàn lao động của người sản xuất, cách thức nuôi dưỡng và điều kiện sinh sống của vật nuôi. Tiêu chuẩn này luôn đi cùng với các tiêu chuẩn về “Quản lý cây trồng tổng hợp” (ICM), “Quản lý dịch hại tổng hợp” (IPC), “Hệ thống quản lý chất lượng” (QMS), và “Hệ thông phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” (HACCP).

Thực phẩm khi đạt chứng nhận GlobalGAP nghĩa là chất lượng và độ an toàn của chúng được công nhận, giúp người tiêu dùng phần nào an tâm khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình

VietGAP

Tiêu chuẩn VietGAP (là cụm từ viết tắt của “Vietnamese Good Agricultural Practices”) là tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Tiêu chuẩn này trong tiếng Việt có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam.

Để đạt chuẩn VietGAP, tổ chức, cá nhân phải tuân theo những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn trong hoạt động sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn đạt chuẩn VietGAP phải đáp ứng đủ bốn tiêu chí gồm kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm bao gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, tiêu chuẩn về môi trường làm việc với mục đích ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân, truy tìm nguồn gốc sản phẩm để xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hiểu một cách đơn giản, tiêu chuẩn VietGAP bao gồm các nội dung như đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, giống và gốc ghép, quản lý đất và giá thể, phân bón và chất phụ gia, nước tưới, hóa chất (gồm phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật), thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, quản lý và xử lý chất thải, an toàn lao động, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm, kiểm tra nội bộ, khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

HACCP

HACCP là hệ thống phân tích mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP – Hazard Analysis and Critical Control Point) do Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex Alimentarius) xây dựng. Đây là tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ uống do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Là công cụ nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm, HACCP bao gồm hệ thống đánh giá đối với tất cả các bước có liên quan trong quy trình chế biến thực phẩm, đồ uống đồng thời xác định những bước trọng yếu với an toàn chất lượng thực phẩm, đồ uống. Doanh nghiệp đạt HACCP cần bảo đảm bảy nguyên tắc và thực hiện 12 bước để kiểm soát những mối nguy hiểm có thể xảy ra trong từng công đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm, đồ uống, đặc biệt là những bước trọng yếu.

ISO

ISO 9001 là tiêu chuẩn do tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) ban hành. Khi đạt được ISO 9001 có nghĩa là các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp thực sự đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, các yêu cầu về luật pháp và luật định áp dụng.

Chuẩn ISO 22000 cũng là tiêu chuẩn do tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) ban hành, đây là sự kết hợp của ISO 9001 và HACCP. Ở tiêu chuẩn ISO 22000 có sự kết hợp giữa bảy nguyên tắc và 12 bước kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm của HACCP với các nguyên tắc quản lý hệ thống. ISO 22000 dùng cho thực phẩm là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng cao nhất trong ngành thực phẩm hiện nay.

Hình thức thể hiện thực phẩm đạt chuẩn khác nhau tùy theo nhà phân phối. Tại hệ thống siêu thị Nam An Market không sử dụng hệ thống nhãn mà dán trực tiếp các chứng nhận đạt chuẩn của thực phẩm tại hệ thống cửa hàng để khách hàng có thể đọc thông tin. Tại siêu thị Co.opMart, dòng thực phẩm thuộc nhãn hàng riêng Select được đóng gói bao bì với nhãn của siêu thị, phía trên có dòng chú thích về việc được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.Riêng đối với chứng nhận USDA, một nhân viên trong ngành quản lý chất lượng cho biết chứng nhận và nhãn USDA do các tổ chức có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp sử dụng. Nếu doanh nghiệp làm sai sẽ bị xử phạt và thu hồi nhãn.

Hạnh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thực phẩm Tết ‘nhà làm’: mua bằng niềm tin, chất lượng...

0
(SGTT) – Hiện nay, nhiều người tiêu dùng lo ngại hoá chất công nghiệp có trong thực phẩm nguy hại đến sức khoẻ nên...

Phạt hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm...

0
Năm 2022, cơ quan quản lý đã thanh tra 27.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy...

Góc nhìn người đầu bếp sau vụ ngộ độc thịt gà...

0
(SGTT) - Mới đây, đội điều tra ngộ độc thực phẩm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo ban đầu về...

Chỉ đạo khẩn về kiểm tra, xác minh rau củ quả...

0
Trước tình trạng hàng trôi nổi hoặc hàng từ các chợ gắn mác “VietGAP” bán tại các hệ thống phân phối lớn, Cục Quản...

Kiểm soát chất lượng rau nhập vào siêu thị: cơ quan...

0
(SGTT) - Qua vụ việc một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống...

Doanh nghiệp cần kiểm soát chất ethylene oxide trong sản xuất...

0
Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện các thông tin về thu hồi và tiêu hủy các thực phẩm có chứa chất ethylene...

Kết nối