Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

‘Xanh hóa’ ngành thời trang – không có gì hoàn toàn bền vững

(SGTT) - Trong bối cảnh xu hướng “xanh hóa” lan rộng trên toàn cầu, ngành công nghiệp thời trang đang đối mặt với những lo ngại về tác động môi trường, áp lực từ yêu cầu “thực hành đạo đức”. Do đó, ngành thời trang đang chạy đua trong việc tìm kiếm sự giao thoa giữa thiết kế, công nghệ và tính bền vững.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với The Saigon Times, Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế tại RMIT Việt Nam, đã chia sẻ quan điểm của mình về những nỗ lực hướng tới sự bền vững trong ngành thời trang.

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế tại RMIT Việt Nam. Ảnh: RMIT Việt Nam

The Saigon Times: Từng làm việc trong ngành thời trang và giáo dục tại London, Hongkong và bây giờ là Việt Nam, xin bà cho biết đâu là thế mạnh và thách thức riêng của ngành thời trang tại từng khu vực?

G.S Julia Gaimster: Về mặt thách thức, đây là câu chuyện không của riêng ai. Như việc phải theo kịp những thay đổi công nghệ, tiếp cận các thị trường đã bão hòa và ưu tiên tính bền vững.

Mặt khác, London là một ngành công nghiệp lâu đời, với Hội đồng thời trang danh tiếng và sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp thời trang. Tại Hongkong, các sự kiện như tuần lễ thiết kế và tuần lễ thời trang nhằm mục đích quảng bá cho các nhà thiết kế địa phương, tuy nhiên thị trường nội địa vẫn cần sự quốc tế hóa để tồn tại.

Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu gia công cho các nước khác và các thương hiệu quốc tế, mặc dù nỗ lực phát triển thương hiệu riêng đang phát triển. Mặc dù vẫn còn một hành trình phía trước để đáp ứng các tiêu chuẩn ngành ở Hoa Kỳ và châu Âu, quá trình “chuyển đổi xanh” vẫn đang diễn ra.

Văn hóa đã định hình thẩm mỹ và cách tiếp cận thiết kế thời trang ở ba quốc gia như thế nào?

Trong khi London luôn theo đuổi phong cách thẩm mỹ lấy cảm hứng từ văn hóa đường phố và các tiểu văn hóa thì Hongkong lại toát lên vẻ sang trọng. Tại Việt Nam, phong cách đề cao vẻ ngoài ưa nhìn và quyến rũ.

Niềm đam mê thời trang của tôi được khơi dậy bởi các bộ phim Hollywood và các nhà thiết kế trang phục của thập niên 30 và 40, cùng với ảnh hưởng của thời trang từ dì của tôi, người đã may những chiếc váy cocktail tuyệt đẹp. Vì vậy, vẻ quyến rũ hiện hữu trong thời trang Việt Nam tạo nên sự đồng điệu của tôi đối với tính nghệ thuật trong ngành.

Một số đặc điểm nổi bật của ngành thời trang ở Việt Nam là gì? 

Sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế vào thị trường bán lẻ và sự dịch chuyển sản xuất của họ sang đây đã mang lại kết quả tích cực, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và tạo cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng đặt ra thách thức cho các thương hiệu địa phương. Một thực tế khiến tôi thích thú chính là vẫn còn rất nhiều cửa hàng tư nhân bán lẻ tại đây, trái ngược thực tế tại nhiều nước châu Âu, nơi các thương hiệu và chuỗi cửa hàng lớn thống trị.
Thêm vào đó, xu hướng thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến đã trở nên phổ biến, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19.

Những thách thức và cơ hội ngành thời trang Việt Nam phải đối mặt là gì?

Các thương hiệu địa phương không chỉ phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vải và quy trình sản xuất chất lượng cao, mà còn gặp thách thức trong việc tìm kiếm các đối tác sản xuất có thể hỗ trợ họ.

Tôi nghĩ nên thiết lập một khóa đào tạo kinh doanh dành cho các nhà thiết kế để giải quyết những thách thức này, vì chúng tôi tin rằng không nên chỉ cung cấp kiến thức về thiết kế, mà còn nên tập trung vào các khía cạnh quan trọng của kinh doanh và tiếp thị. Điều này rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững tài chính của doanh nghiệp, giúp họ tự tin và thành công trong môi trường cạnh tranh ngày nay.

Ảnh: Minh Khoa

Những chất liệu thân thiện với môi trường nào đang được sử dụng trong ngành thời trang?

Không có gì là hoàn toàn bền vững! Vì mọi quy trình sản xuất đều có tác động đến môi trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn bông hữu cơ lại thân thiện với môi trường hơn so với bông thông thường. Hiện nay, xu hướng đang gia tăng liên quan đến việc khám phá các vật liệu thay thế như da lá, một chất liệu mô phỏng đặc tính của da truyền thống nhưng được làm từ lá cây thay vì da động vật.

Các đồng nghiệp của tôi đang tích cực thử nghiệm nhựa sinh học và vải dệt được tạo ra từ kombucha. Trong khuôn viên trường, chúng tôi đã thành lập một khu vườn trồng các loại cây bản địa cho mục đích nhuộm và in sinh học. Nhưng dù có đổi mới thế nào, thông điệp vẫn chỉ có một - để tạo ra tác động đáng kể, chúng ta phải chuyển sang giảm sản xuất và tiêu dùng.

Thách thức các thương hiệu phải đối mặt khi sử dụng những chất liệu này trên quy mô lớn?

Việc tìm nguồn cung ứng vải tái chế và bền vững đặt ra những thách thức, đặc biệt đối với các thương hiệu quy mô nhỏ vì họ thường dựa vào hàng nhập khẩu. Điều này dẫn đến hoạt động vận chuyển phát thải nhiều carbon hơn.

Giá cả cũng là một trở ngại, vì các sản phẩm mang tính bền vững thường có giá cao hơn. Nhiều người tiêu dùng ưu tiên dùng các sản phẩm có tính bền vững, nhưng họ vẫn phải chọn các phương án kém bền vững hơn khi nói về giá cả. Thêm vào đó, có sự nhầm lẫn đáng kể xung quanh thuật ngữ "bền vững" gây ra sự hoài nghi cho người tiêu dùng. Hiện tượng này được gọi là "greenwashing".

Có thể ví dụ về quan niệm sử dụng túi vải sẽ mang đến tính bền vững cao hơn. Trên thực tế, hoạt động sản xuất loại túi này thải ra lượng khí thải carbon và tiêu thụ nước rất đáng kể. Để bù đắp tác động này, túi vải phải được sử dụng 20.000 lần, tương đương khoảng 54 năm. Hãy nghĩ về điều này và hiện nay tất cả chúng ta đang có bao nhiêu chiếc túi vải?

Xu hướng "thời trang tuần hoàn" tác động như thế nào đến tính bền vững?

Hiện nay, cách tiêu dùng của chúng ta thường liên quan đến việc mua những món đồ đôi khi không bao giờ mặc hoặc hiếm khi sử dụng, dẫn đến việc vứt bỏ sớm. Thật không may, tỷ lệ quần áo được tái chế vẫn còn ở mức rất thấp và phần lớn cuối cùng sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp phế liệu.

Để giải quyết vấn đề này, việc từ bỏ thói quen vứt bỏ là rất quan trọng và việc thiết kế các sản phẩm để tái sử dụng trở nên cấp thiết. Sự thay đổi này giúp giảm tài nguyên chúng ta tiêu thụ, giảm tác động đến môi trường và bớt gánh nặng cho các bãi chôn lấp.

Tại sao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng thời trang lại quan trọng đối với sự bền vững?

Nếu người tiêu dùng có thể thấy được tác động của sản phẩm họ đang mua, bao gồm nguồn gốc thành phần, chúng đã được vận chuyển bao xa và quy trình sản xuất, thì họ có thể bắt đầu đưa ra những lựa chọn của riêng mình.

Nếu có đủ số người từ chối các mặt hàng rõ ràng là không bền vững thì các thương hiệu sẽ buộc phải thay đổi cách làm của mình.

Cảm ơn bà về buổi trao đổi!

Thái Lan 

Thái Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối