Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Về Cà Mau, ghé thăm hòn Đá Bạc

Hòn Đá Bạc cách thành phố Cà Mau hơn 50km, cách đất liền khoảng 500 mét, có diện tích 6,34 ha, nằm ở phía Tây bán đảo Cà Mau, thuộc địa phận xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Hòn Đá Bạc bao gồm hòn Ông Ngộ, hòn Đá Bạc và hòn Đá Bạc Lẻ. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Theo Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau, hòn Đá Bạc bao gồm hòn Ông Ngộ, hòn Đá Bạc và hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển. Tuy không phải là một hòn đảo lớn, nhưng hòn Đá Bạc rất thuận tiện cho tàu, thuyền vào neo đậu và tránh gió bão.

Hòn Đá Bạc có vị trí chiến lược trên vùng biển đảo Cà Mau. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Cùng với hòn Khoai, hòn Chuối thì hòn Đá Bạc là một trong những cụm đảo có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh trên vùng biển đảo Cà Mau.

Cảnh sắc hòn Đá Bạc. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Thông tin từ báo Cà Mau Online, cụm hòn Ðá Bạc hình thành hơn hàng trăm triệu năm. Đúng như tên gọi hòn Đá Bạc, xung quanh hòn, trên mặt nước và dưới đáy biển có hàng ngàn viên đá granit màu bạc, đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau, tạo thành nhiều hình dáng như có sự sắp đặt của con người.

Bộ xương cá Ông còn nguyên vẹn lớn nhất Cà Mau tại đền thờ Ông Nam Hải. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh Độ... Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải, nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m.

Ngoài ra, Hòn Đá Bạc còn hấp dẫn du khách bởi nguồn hải sản dồi dào. Du khách đến đây có thể câu cá nâu, câu mực, câu tôm, cùng ngư dân lặn xuống biển để bắt những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hòn Đá Bạc. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Thông tin từ Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn Hòn Đá Bạc làm nơi đóng Trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra chuyên án CM12, đánh bại âm mưu nhập biên phá hoại của tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc”.

Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia được công nhận vào năm 2009. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Tháng 6- 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Hiện tại, Hòn Đá Bạc đang được đầu tư các công trình hạ tầng để khai thác du lịch như đường nội bộ, hệ thống cung cấp nước sạch, chiếu sáng, nhà hàng, khách sạn.

Đăng Huy tổng hợp
Theo Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau, báo Cà Mau

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối