(SGTT) - Tình yêu dành cho quê hương "xứ Dừa" cộng với niềm đam mê du lịch đã giúp anh Lê Quốc Hùng tạo dấu ấn với Mocay Farmstay ngay tại quê hương - huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
- Bến Tre: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp
- Thân thương khung cảnh miền quê Bến Tre mùa nước lũ
Tình yêu và niềm tự hào xứ Dừa
Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, hơn ai hết anh Lê Quốc Hùng hiểu rất rõ những đặc điểm thiên nhiên cũng như con người "xứ Dừa". Là một người đam mê du lịch ngay từ khi đang ngồi ghế nhà trường, anh Hùng đã mong ước trở thành một hướng dẫn viên du lịch và xa hơn nữa là đóng góp công sức của mình cho ngành công nghiệp không khói của quê nhà. Con đường đến với du lịch của anh Hùng vốn không hoàn toàn suôn sẻ nhưng nhờ vào sự kiên trì, tình yêu vô bờ bến đã giúp anh vượt qua rất nhiều khó khăn.
Anh Hùng tâm sự, ngay cả khi không thi đỗ vào ngành du lịch ở bậc đại học, chuyển sang làm việc ở Nhật Bản ở mảng cơ khí, linh kiện trong quãng thời gian dài, anh vẫn không quên niềm đam mê từ thuở ấu thơ của mình.
Năm 2020, anh Hùng trở về quê hương và đây đang là thời điểm Bến Tre đẩy mạnh chiến lược phát triển du lịch địa phương. Theo anh Hùng, Bến Tre là nơi hội tụ nhiều làng nghề thủ công truyền thống độc đáo như làng nghề sản xuất kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề đan giỏ từ cọng dừa. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn liền du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, đặc biệt là du lịch farmstay, du lịch cộng đồng.
Đến với Bến Tre, du khách có cơ hội tham quan những điểm du lịch sinh thái vườn, sau đó cùng ở, cùng ăn và cùng sinh hoạt như một thành viên trong gia đình. Thật sự đây là một trải nghiệm thú vị giúp du khách tìm hiểu về những nét văn hóa độc đáo của quê hương xứ dừa.
Trong nhiều năm qua, Bến Tre luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nhất là các sản phẩm, dịch vụ du lịch do chính người dân địa phương tạo ra.
Cùng với rất nhiều hộ gia đình khác, anh Hùng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình và hiệu quả của chính quyền địa phương và các đơn vị hữu quan trong quá trình kinh doanh du lịch. Với mảnh đất rộng 13 ha, anh Hùng cùng với anh Nguyễn Quốc Thái và cô Lê Thị Chồi đã tạo dựng nên thương hiệu riêng của mình: MOCAY Farmstay.
Nguồn vốn đầu tư ban đầu dành cho khu du lịch là do nguồn tiết kiệm của gia đình với kinh phí xây dựng cho bốn phòng, trong đó có hai phòng kiên cố, hai phòng sử dụng chất liệu thiên nhiên, tận dụng nguồn tài nguyên bản địa từ củi đầu dừa, lá dừa.
Quyết tâm tạo dựng du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên
Ở huyện Mỏ Cày Nam nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung, các hộ gia đình kinh doanh du lịch farmstay không ít. Tuy nhiên, với niềm đam mê và cả sự tìm tòi, tỉ mỉ, anh Hùng vẫn biết cách tạo dấu ấn cho Mocay Farmstay. Trong vai trò là người sáng lập cho đứa con tinh thần cũng như vật chất của mình, anh Hùng đã dồn hết thời gian và sức lực trong việc chăm chút, vận hành Mocay Farmstay.
Xu hướng du lịch xanh gần gũi thiên nhiên về những vùng nông thôn đang là xu hướng phổ biến, xuất hiện trong thời gian gần đây để đảm bảo an toàn cho du khách và người thân trong quá trình du lịch.
Để giúp cho du khách có những giây phút thực sự thoải mái với thiên nhiên, anh Hùng tận dụng triệt để những chất liệu thiên nhiên trong quá trình xây dựng. Những tàu lá dừa cứng cáp được dùng làm vách nhà, lá dừa xanh mát được dùng để lợp mái, các cành tre, trúc cũng được sử dụng trong việc trang trí nội thất trong phòng.
Chương trình trải nghiệm tại Mocay Farmstay cũng được anh Hùng thiết kế và chuẩn bị hết sức chu đáo. Du khách sẽ được chèo xuồng trong rạch dưới những tán dừa, tham quan vườn dừa hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy hải sản, cùng nhau chài lưới bắt cá, tôm về cùng nhau chế biến thức ăn.
Đặc biệt, du khách quốc tế rất thích thú khi được làm vườn, trồng rau bắt cá, trải nghiệm những nét văn hóa bản địa tại đây. Ngoài ra, họ cũng được đạp xe trên những con đường quê xanh mát rợp bóng dừa và đến các điểm hấp dẫn.
Đối với những du khách đam mê hội họa và muốn thử tài khám phá bản thân anh Hùng, anh Thái sẽ hướng dẫn du khách thực hiện vẽ tranh chân dung, phong cảnh với chất liệu tranh sơn dầu, tranh cát từ đơn giản đến phức tạp.
TS Phan Thị Ngàn, Phó Trưởng khoa Du lịch & Việt Nam học (Đại học Nguyễn Tất Thành), thành viên trong nhóm nghiên cứu “Đề tài nghiên cứu mô hình nông dân làm du lịch” cho ba huyện Mỏ Cày, Châu Thành và Thạnh Phú (Bến Tre), nhận xét “Mocay Farmstay có sự khác biệt và rất cá tính nhờ vào những ý tưởng và sự cần cù của anh Hùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ MOCAY Farmstay cũng như nhiều hộ gia đình khác tại địa phương để giúp họ phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.
Mocay Farmstay hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng hình ảnh và các sản phẩm du lịch đón khách. Anh Hùng dự định sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị tour du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok, Website và liên kết các công ty du lịch lữ hành.
“Trong tương lai, tôi muốn mở rộng quy mô Mocay Farmstay lên 10 phòng để phục vụ du khách. Sau giai đoạn Covid-19, giờ đây du lịch đã trở lại và tôi tin mình sẽ gặt hái được thành công”, anh Hùng tâm sự.
Một số hình ảnh du khách trải nghiệm tại Mocay Farmstay:
Đinh Nam