(SGTTO) – Hành trình của chúng tôi lần này là từ thôn K’long K’lanh, xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng theo con đường mòn xuyên rừng đến thôn Bố Lang, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Đây là cung đường từ xa xưa người K’Ho đã gùi những sản vật rừng núi xuống đồng bằng ven biển để đổi lấy những gùi muối đầy của người Raglai.
Và từ con đường giao thương này, mối lương duyên của những chàng trai cô gái dân tộc K’Ho và Raglai đã nảy nở.
Cảnh núi non đẹp như tranh vẽ
Xuất phát từ thôn K’long K’Lanh, chúng tôi đi qua những rẫy điều, cà phê để tiến vào rừng sâu. Qua những con suối, những thảm lá khô trơn trượt, lội bùn và băng qua những trảng cỏ xanh, đoàn bắt đầu tăng dần độ cao để đi xuyên vùng lõi rừng rậm rạp.
Cung đường này nối liền Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà và Phước Bình, các ngọn núi có độ cao trung bình từ 1.700m đến 2.200m. Độ cao tăng dần, những con dốc nối tiếp nhau qua những lối mòn chỉ vừa đủ một người đi.
Đường trơn trượt, có những đoạn dốc 60-70 độ, chúng tôi dùng cả tứ chi nối đuôi nhau nhích từng chút một để chinh phục độ cao, có những lúc phải leo trèo đánh đu trên những rễ cây cổ thụ trên những con dốc. Thỉnh thoảng trong đoàn lại có người hú lên vì những chú vắt đen không mời mà ghé thăm.
Quá trưa, chúng tôi đã chinh phục độ cao khoảng 1.700m và đi dọc sóng lưng núi mà chúng tôi gọi là sóng lưng khủng long. Cảnh núi non hùng vĩ trải rộng về hai phía đẹp như tranh vẽ với nhiều loại cây hàng trăm năm tuổi như chò, chò chỉ, sấu… Đặc biệt là những cây thông già với đường kính thân to đến hai người ôm.
Chọn một địa điểm bằng phẳng, đoàn dừng chân ăn trưa và ngắm cảnh. Mây lãng đãng, gió vi vu qua rặng thông già ru chúng tôi vào giấc ngủ trưa để lấy sức tiếp tục hành trình. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hạ trại bên một con suối lớn và nghỉ đêm.
Tiến về phía trước, địa hình lúc lên lúc xuống, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng già hướng về con suối. Do đường lâu ngày không người đi nên rậm rạp, tốc độ di chuyển không như dự kiến.
Hạ trại trên núi
Đến 5:00 chiều, chúng tôi vẫn còn đang trên lưng núi. Theo tính toán của người dẫn đường, để đến được con suối lớn, chúng tôi phải mất 3-4 tiếng nữa để đi trong đêm với địa hình khó khăn và phức tạp.
Để đảm bảo an toàn, chúng tôi quyết định hạ trại trên đỉnh núi nghỉ đêm để hôm sau đi tiếp. Do đã tính toán và mang thêm nước dự phòng nên nguồn nước nấu ăn khi hạ trại trên đỉnh núi không phải là vấn đề lớn.
Mặt trời bắt đầu khuất, sương bay là đà bên sườn núi, trời trở lạnh. Người tranh thủ dựng lều, người đi gom củi về đốt lửa, người làm đồ ăn với không khí rộn ràng. Đến 7:00 tối, chúng tôi đã quây quần bên nhau cùng thưởng thức gà nướng, heo nướng… Tiếng mọi người bên ánh lửa hồng vang vọng một góc rừng, xua tan bao mệt mỏi đời thường. Ánh lửa bập bùng tiếp thêm hơi ấm, đưa chúng tôi vào giấc ngủ sâu sau một ngày dài băng rừng.
Thức giấc trong tiếng chim hót
Càng về sáng trời càng trở lạnh với những cơn gió thổi thốc vào lều. Cả đoàn thức giấc trong tiếng chim hót vang rừng. Nhóm lo pha cà phê, nhóm chuẩn bị bữa ăn sáng. Cả đoàn cùng nhau vừa thưởng thức ly cà phê vừa ngắm bình minh ló dạng từ phía chân núi, xuyên qua những áng mây hồng và những rặng thông già.
Ăn sáng xong, mọi người hồ hởi lên đường. Chúng tôi liên tục xuống dốc, tưởng chừng hành trình sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng không ngờ mấy đầu ngón chân bị ép vào mũi giày đau buốt, có những lúc phải đi lùi, bò lùi để giảm áp lực.
Sau khi xuống dốc và băng qua một khu rừng măng le, chúng tôi đến con suối lớn vào lúc 10:00 sáng. Đoàn quyết định dừng nghỉ tại đây để mọi người tắm rửa và ăn trưa.
Chúng tôi tiếp tục theo hướng xã Phước Bình, Ninh Thuận. Vẫn là những cung đường rừng rậm rạp lúc lên lúc xuống nhưng qua địa phận Ninh Thuận trời nóng hơn, càng về chiều càng oi bức. Hết nước dự trữ, chúng tôi giải tỏa cơn khát nhờ những con suối nhỏ dọc đường.
Sau khi hạ sơn, đi qua những cánh đồng trồng chuối và điều của bà con người Raglai, chúng tôi ra đến một ngôi làng thuộc thôn Bố Lang lúc 16:30. Đoàn nán lại uống nước cho thỏa cơn khát, ăn chuối của người đồng bào Raglai trồng và trò chuyện cùng họ.
Tạm biệt những ánh mắt thân thiện của đồng bào, chúng tôi men theo đường đất chạy dọc con suối lớn để ra trung tâm xã Phước Bình, nơi tấp nập những chuyến xe công nông vận chuyển chuối của bà con nông dân đi muôn nơi.
Video khám phá cung đường muối
Bài và ảnh: Đặng Thanh Hải