(SGTT) - An Giang là vùng đất mà chủ nhân của nó chính là những lưu dân miền ngoài vào – đa phần đều từ “Ngũ Quảng” xuôi Nam “tha phương cầu thực”. Ra đi, họ chỉ “vai mang chiếc nóp rách, tay xách cỗ quai chèo...”, ngoài ra hầu như chẳng có bất cứ thứ gì để mang theo kể cả “ngưu canh điền khí”. Hay nói một cách khác hơn, hành trang của họ chỉ vỏn vẹn niềm tin và ý chí!
- Về An Giang mê mẫn với tình yêu thốt nốt
- Về An Giang nhớ thưởng thức cà na mùa nước nổi
- Bỏ túi những công thức món ăn vùng miền nổi tiếng tại An Giang
Họ đến vùng đất hứa này với biết bao ngỡ ngàng, cô đơn, thiếu thốn, và tất nhiên phải chịu khổ trong một thời gian khá dài mới có thể “chọn bến cắm sào”. Nhờ biết tương trợ, giúp đỡ nhau nên người lưu dân và lớp lớp con cháu họ dần dần cũng ổn định được cuộc sống, để rồi sẵn sàng chuyển giao cả một góc trời “rừng vàng biển bạc”, “trên cơm dưới cá” này cho muôn đời con cháu mai sau thừa hưởng.
Nghĩ nhớ mà không khỏi chạnh lòng, tri ân tiền nhân mở cõi! Bởi chính họ là những người trước hết vì miếng cơm manh áo, sẵn sàng chấp nhận hy sinh gian khó khi phải đối đầu với sơn lam chướng khí, phải vật lộn một mất một còn với biết bao bệnh tật, biết bao loài thú dữ; khắc phục mọi hiểm nghèo, tưới xuống không biết cơ man nào là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu để cuối cùng đã nêu cao ngọn cờ chiến thắng, biến “ác địa” thành địa bàn dân cư trù mật, san sát nhà là nhà; biến đất hoang thành đất thuộc với bạt ngàn ruộng lúa, hoa màu, xanh ngát vườn cây ăn trái các loại.
Để có được thành quả này, họ đã không ngừng nỗ lực khai cương thác địa, bằng cách vét rạch, đào kinh hình thành những thủy đạo chằng chịt như mạng nhện để không chỉ thao chua đẩy mặn mở rộng diện tích mà còn đem lợi ích thiết thực cho cả các mặt đi lại, thương nghiệp và quốc phòng. Hơn ai hết họ là những con người rất khôn ngoan trong việc ứng xử và khống chế thiên nhiên và thú dữ vốn vô cùng khắc nghiệt để trở thành vùng đất thân thiện, đáng yêu!
Do đặc điểm thuận lợi về khí hậu, mưa nắng hai mùa rõ rệt, hầu khắp diện địa đều được cấu tạo bởi những lớp phù sa màu mỡ, đâu đâu cũng đồng rộng sông dài; lại điệp trùng núi non hùng vĩ sừng sững tự ngàn xưa, cho đến nay vẫn đứng đó như đội quân biên phòng canh giữ cõi bờ.
Với sự cấu tạo địa hình đặc thù như vậy nên từ bao đời nay, những chủ nhân của nó (bao gồm các dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer – trong đó tộc người Việt là chủ đạo) vốn có cùng một hoàn cảnh lịch sử nhất định về sinh kế... đã vì sự sinh tồn mà lần lượt tụ cư trên vùng đất này. Tất cả đều yêu thương, quý mến nhau như anh em một nhà, và đều tỏ ra rất có ý thức trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Tất cả những cái riêng đó đã cấu thành cái chung của tổng thể: văn hóa Việt. Sinh động nhất và tiêu biểu nhất là “văn hóa tam nông”. Thật vậy, nếu sinh hoạt của người nông dân Nam bộ đầy ắp những sáng tạo thích nghi với đặc điểm địa lý từng vùng, miền... thì, cảnh quan nông thôn trên vùng đất la liệt cù lao, cồn bãi, đâu đâu cũng tấp nập “trên bến dưới thuyền”, đâu đâu cũng “trên cơm dưới cá” này, tưởng chừng trong cả nước khó tìm được một nơi phồn hoa tương tự!
Còn về nông nghiệp, chưa nói đến hoa màu và các loại cây ăn trái, chỉ với vài “đại biểu chính thức” như cây lúa, con cá, con tôm thường xuyên có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó không ít mặt hàng đã từng gây huyên náo thị trường châu Âu, châu Mỹ, chừng như sắp xảy ra một trận “thế giới cá tôm đại chiến” không bằng!
Từ bao đời nay người Nam bộ nói chung, An Giang nói riêng, vẫn là mẫu người thật thà, chất phác, hay nhẫn nhịn, nhưng với cái máu truyền kiếp “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” nên cho dù đang đi trên đường, hễ gặp chuyện bất bằng thì... chẳng tha!
Chính vì vậy mà mọi kẻ thù xâm lược khi cả gan đặt chân lên vùng đất này, hầu như “đều ăn không no ngủ không yên”! Người Nam bộ không chỉ rất “biết điều” mà còn “biết đủ” nên cuộc sống của họ thanh thản, nhưng trong lao động sản xuất và chiến đấu, nếu được đối xử tốt, họ sẽ rất năng nổ, nhiệt tình, và có tinh thần trách nhiệm cao, thậm chí quên mình, nét đặc biệt nổi trội là rất hiếu khách, đến mức “còn chơi, hết thôi” (và đang có khuynh hướng “phát triển” đến đỉnh cao: “còn chơi, hết... ghi sổ” - nếu qua giao tiếp cảm thấy “trúng tần số” họ không ngần ngại mời bạn đi nhậu ngỏa nguê cho dù trong túi không có lấy một xu). Tưởng hiếu khách đến thế là cùng!
Họ luôn thể hiện cao nhất tinh thần lạc quan, vui tính, nên không thể không sáng tạo vô vàn câu hò, câu hát, điệu lý... tuy lời lẽ rất chân quê, dân dã nhưng ở đó chứa đựng cả một kho tàng ngôn ngữ như một thứ “đặc sản” đầy ắp tình tự quê hương, mà đậm đặc vẫn là tình yêu tự nhiên trai gái! Và, nếu trẻ con có đến hàng trăm trò chơi dân gian kết hợp với những bài đồng dao dân dã đáng yêu thì, người lớn cũng đã sớm tự tạo cho mình những hình thức giải trí “độc nhất vô nhị” như “hò sạo”, sáng tạo loại hình “thơ rơi” độc đáo, rồi thì nói thơ Vân Tiên, thích nghe vọng cổ, mê hát cải lương... phổ biến và phát triển liên tục là đờn ca tài tử - nó được ưa chuộng đến mức hầu như xã nào cũng thành lập được một câu lạc bộ loại hình này! Chính kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đa dạng như thế đã làm cho đời sống tinh thần 4 dân tộc anh em trên vùng đất mới ngày càng phấn chấn, lạc quan hơn.
Về mặt tâm linh cũng rất đáng nghiêng mình! Bởi ở đâu trên trái đất này “đồng loạt” xuất hiện nhiều tôn giáo cứu thế bản địa như trên vùng đất Nam bộ? Và có lẽ không nơi nào trên trái đất này có được những “con người kỳ vĩ” như nơi đây, bởi cho đến hôm nay, trong dân gian vẫn hãy còn truyền tụng không ít chuyện kể về những kỳ nhân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với “máu mở đất”.
Thật vậy, từ hàng trăm năm trước họ đã nắm chặt tay nhau mạnh dạn tiến sâu vào vùng Thất Sơn vốn “hùm beo tây tượng bộn bề” quyết khẩn hoang để nhằm mục đích “khai cương thác địa”. Điều đáng ghi nhận là họ không hề “mang gươm...” mà chỉ cần “mang kinh” đi mở cõi (trên cơ sở đạo lý ngàn đời dân tộc: “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”) cũng đạt thắng lợi ngoài tưởng tượng: bắt vùng đất “ác địa” này phải có trách nhiệm nuôi sống tươi tốt cây lúa, cây màu... Thật đáng ngạc nhiên, có lẽ do đức độ tỏa sáng của mình, các “Ông Đạo” nhập thế này đã khuất phục được ác thú, tiêu biểu là cọp! Các vị xem cọp như bạn đạo, nói pháp cho cọp nghe, và gọi chúng là “đạo hổ”, nên chúng tỏ ra rất thương mến, lúc nào cũng quấn quýt theo các vị như chó nuôi trong nhà!
Chưa hết, họ còn là “con người bằng thép” nữa! Thật vậy chỉ có người Nam bộ mới dám dùng chính thân mình làm mồi nhử bắt cọp, bắt sấu!
Nếu đàn ông gan dạ như thế thì phụ nữ cũng không chịu nhường! Chuyện phổ biến ngày trước: trên vùng Nam bộ này, cho dù miền núi, miệt rừng hay cù lao, cồn bãi... hễ nơi nào gặp trường hợp đẻ khó, cọp đều khẩn khoản nhờ sự giúp đỡ của các bà mụ vườn, tất nhiên ca đẻ nào cũng “mẹ tròn con vuông”!
Nếu trong đấu tranh chống ngoại bang xâm lược chúng ta đều biết ở Nam Bộ “Ra ngõ gặp anh hùng” thì, cũng như thế đó, chuyện kể về Đất và Người, trên từng lĩnh vực, địa hạt, mỗi mỗi đều có đến hàng trăm, hàng ngàn, và hầu như chuyện nào cũng rất lạ kỳ, cũng thuộc vào loại “độc nhất vô nhị” – kể cả cách sinh hoạt, kiếm sống rất đặc trưng của người dân trên những cù lao, cồn bãi... Hay nói một cách khác hơn, tại bất cứ nơi nào, cho dù vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng vườn cây ăn trái xanh um, cũng lúa trổ vàng đồng...
Thả thuyền trên dòng Tiền Giang, Hậu Giang hay các chi lưu, phụ lưu của nó, khách nhàn du không thể không cảm nhận sông nước hữu tình! Ngược dòng về vùng đất đầu nguồn An Giang nếu khách tham quan ngước nhìn lên trời cao, sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được mục kích chỗ này hang núi ngậm mây, chỗ kia năm non chớn chở; nhìn xuống thì la liệt di chỉ khảo cổ bao gồm những tầng văn hóa đan xen. Đó chính là chứng tích văn hóa Ốc Eo và các nền văn minh khác mà cho đến ngày nay, tuy đã trải hàng chục thế kỷ nó không thể không làm cho các nhà nghiên cứu phải lễ phép nghiêng mình...
Còn sản vật thì cho dù trên non cao hay dưới sông sâu đâu đâu cũng la liệt “sơn hào hải vị”. Đó là chưa nói đến hàng vạn cây thuốc, vị thuốc dân tộc mọc leo mịt mùng trên vùng Bảy núi. Không chỉ thế, khắp sông to, kinh nhỏ, mương rạch ngoằn ngoèo, đồng cạn đồng sâu, nơi nào cũng dẫy đầy các loại thủy đặc sản rắn cua rùa ếch, nhất là cá tôm “không sao ăn hết”! Nay, tuy đã mờ dần hình ảnh “tôm cá nô đùa lớp lớp bơi” (thơ Tổng đốc Doãn Uẩn), nhưng ngay tại những vùng đất “trên cơm dưới cá” này vẫn hãy còn đó câu nói dân gian từ hàng trăm năm trước: “Vạch cá mới thấy nước!”. Bạn không tin? Tôi chắc là bạn sẽ được “mục sở thị” hình ảnh có một không hai này nếu có dịp tham quan những khu “đô thị trên sông”: những làng bè vùng thượng nguồn – lúc các doanh nghiệp nhà bè cho cá ăn...
Rồi thì những vần ca dao dân ca đậm đặc đạo lý, những bài đồng dao do bọn trẻ nghêu ngao bên những cánh đồng mẫu lớn, những khúc hát huê tình, những “bữa tiệc” thả cầm thi do các văn nhân tài tử xuôi dòng sông Tiền, sông Hậu trong những đêm trăng yên ắng với âm thanh trầm bỗng ngọt ngào, hòa quyện hồn thiêng sông núi miền biên viễn Tây Nam, ở đó hãy còn đọng lại không ít âm hưởng những khúc ca mở đất nhắc nhớ một thời triền miên khổ khó của lớp lớp tiền nhân thời khai phá...
Tất cả không thể không kết dệt nên những nét đan thanh vừa vô cùng thân thiện mà cũng vừa hết sức tự hào! Với bản sắc văn hóa đặc trưng ấy đã làm cho vùng đất này chỉ 300 năm dư mà đã theo kịp hành trình mấy ngàn năm dân tộc!
N.H.H.