Sau khi đặt món bánh canh ghẹ về ăn trưa, một gia đình (5 người) ở TPHCM xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó, có một ca bệnh nặng.
- Ngộ độc bánh mì Liên Hoa ở Đà Lạt, chủ quán bị phạt hơn 90 triệu đồng
- Mùa nóng cẩn trọng ngộ độc vì cá ươn, cá biển sống ở rạn san hô
- Được chuyên gia xử lý kịp thời, một số người bị ngộ độc cá muối chua “thoát tử”
Theo nld.com.vn, chiều 25-10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM), cho hay vừa tiếp nhận cấp cứu 5 người trong một gia đình ở TPHCM bị ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh canh ghẹ, trong đó người vợ (45 tuổi) bị nặng nhất.
Theo thông tin trên Vnexpress, BS.CKI Nguyễn Hữu Trí, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM), cho biết chị Hạnh (người vợ) ngộ độc nặng nhất, mệt lả, đại tiện không kiểm soát, huyết áp thấp 85/50 mmHg. Bốn người còn lại gồm chồng chị Hạnh, em gái, con trai và cháu nhập viện sau đó với triệu chứng tương tự. Sau xử trí bằng nghiệp vụ, bốn ca bệnh trên ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Riêng người vợ ngộ độc nặng tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Liên quan đến sự việc, người nhà bệnh nhân cho hay, trước đó, buổi trưa, mọi người đặt bánh canh ghẹ ở một cửa hàng để ăn trưa, bữa tối dự đám giỗ. Đáng nói, khách mời ăn đám giỗ không ai có dấu hiệu ngộ độc, chỉ những người ăn bánh canh ghẹ mới có triệu chứng ngộ độc giống nhau.
Theo bác sĩ Hữu Trí, nhiễm trùng nhiễm độc đường ruột có rất nhiều nguyên nhân, trong đó thức ăn là yếu tố nguy cơ. Khi thức ăn không được chế biến và bảo quản đúng cách, hợp vệ sinh dễ trở thành nơi ẩn chứa độc tố, vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng… tấn công vào hệ đường ruột. Bác sĩ khuyến cáo người đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân cần nhập viện sớm để được xử lý, không được tự ý dùng thuốc điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ.
P.V tổng hợp