Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Tour nhặt rác: vừa đi du lịch vừa góp phần bảo vệ môi trường

(SGTTO) – Việc rác thải nhựa tràn lan tại các điểm cắm trại trong rừng, gây tác động đến môi trường tự nhiên là vấn đề đáng báo động. Một số tour nhặt rác đã ra đời để góp phần nhỏ nâng cao ý thức tôn trọng thiên nhiên khi đi khám phá.

Xả rác trong rừng

“Rác chất thành đồi rồi”, anh Trần Minh Khôi – Giám đốc Công ty TNHH Viet Nam Enduro Series – ví von khi nói về tình trạng xả rác tại các cung đường trekking. Anh cho biết một số nhóm du lịch tự túc khi vào rừng cắm trại, ăn uống đã vứt rác lại mà không gom mang ra ngoài. Các đoàn khách đến sau sẽ nhìn thấy cảnh tượng không đẹp đó thay vì được chiêm ngưỡng màu xanh ngát của rừng và sự trong lành của thiên nhiên.

Thu nhặt rác trên cung trekking Tà Năng – Phan Dũng. Ảnh: Bitour

Ngay cả ở rừng quốc gia, nơi có người dọn dẹp vệ sinh, cũng có rác. Anh Trần Minh Khôi kể: “Có một lần, một nhóm bạn trẻ đến cắm trại ở một khu rừng quốc gia, sau khi rời đi đã để lại nào là bịch ni lông, ly nhựa, ống hút, thức ăn thừa, tàn thuốc lá… vương vãi khắp nơi”.

Không may, hình ảnh này đã được một du khách chụp đăng Facebook, gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. “Nhiều người lên án hành động này nhưng nhóm bạn trẻ đó thanh minh rằng do có người dọn nên mới để rác lại. Nhưng lời giải thích không được mọi người đồng tình vì dù sao cũng không nên quăng rác bừa bãi như vậy”, anh Khôi kể.

“Việc dọn rác chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hạn chế rác thải và làm trong sạch môi trường tự nhiên. Điều quan trọng vẫn là ý thức của du khách. Khi nào họ không còn xả rác nữa thì sẽ không cần người nhặt rác” – anh Trần Minh Khôi – Giám đốc Công ty TNHH Viet Nam Enduro Series

Một địa danh khác cũng gặp phải tình trạng xả rác bừa bãi là núi Mắt Thần, thác Nặm Trá (huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng). Nơi đây được mệnh danh là tuyệt tình cốc bởi cảnh thiên nhiên hoang sơ thơ mộng, thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Theo baocaobang.vn, một bộ phận du khách đến đây thường quăng bừa bãi trên bãi cỏ, bờ suối những chất thải sinh hoạt như: túi ni lông, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn, vỏ lon nước ngọt…

Mặc dù ngay tại các địa điểm du lịch đã đặt rất nhiều thùng rác và biển cảnh báo “Cấm xả rác”, “Nói không với vứt rác bừa bãi”, “Không vứt rác nơi công cộng”… nhưng vẫn có những vỏ chai lọ, giấy rác, túi ni lông nằm rải rác bên gốc cây, dưới gầm ghế hay ngay chân thùng rác.

Các tour nhặt rác ra đời

Vài năm gần đây, các đơn vị lữ hành đã đưa tour nhặt rác vào chương trình tour nhằm góp phần làm sạch môi trường, giúp mọi người hiểu hơn về những tác hại đối với môi trường, nâng cao ý thức tự giác, không xả rác bừa bãi.

Các hoạt động này có sức lan tỏa trong xã hội và được nhiều du khách hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ. Có thể kể đến tour chèo thuyền kayak vớt rác trên sông Hoài (Quảng Nam) với chi phí khoảng 10 đô la Mỹ/người (khoảng 230.000 đồng); tour nhặt rác ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong 3 ngày 2 đêm khoảng 2,2 triệu đồng/người, nhặt rác ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), tour nhặt rác ở Cô Tô…

Du khách tự nguyện nhặt rác. Ảnh: Bitour

Gần đây, khi các tour du lịch mạo hiểm ở các cung đường hoang sơ như Bù Gia Mập, Tà Năng – Phan Dũng trở nên phổ biến, được nhiều du khách đăng ký tham gia, tour nhặt rác tại đây cũng xuất hiện nhiều hơn.

Anh Trần Đình Nhân, hướng dẫn viên của công ty du lịch mạo hiểm Bitour, cho biết về ý tưởng nhặt rác trên đường đi: “Trước đây, Bitour chỉ khuyến khích du khách sử dụng đồ tự nhiên thay cho đồ nhựa dùng một lần và giữ gìn môi trường khi đi trekking. Tuy nhiên, vì cung đường chung nên dọc đường đi vẫn có quá nhiều rác do các đoàn trước để lại”.

Có một lần, anh Nhân dẫn đoàn trekking thì thấy một vài chai nhựa dọc đường nên cúi xuống nhặt, thấy vậy một số khách trong đoàn cũng nhặt theo. “Tôi chợt nghĩ tại sao mình không dọn dẹp luôn. Mỗi lần mình dọn một ít rồi có ngày cũng sạch thôi. Từ đó trong hành trình của chúng tôi có kết hợp việc nhặt rác dọc đường”, anh Nhân nói.

Dọn rác chỉ là giải pháp tạm thời

Với những tour được đơn vị lữ hành ghi rõ là tour nhặt rác, khách du lịch sẽ hiểu rằng họ đang trả tiền để được đi thăm quan, đồng thời tình nguyện làm hoạt động bảo vệ môi trường.

Du khách ký cam kết không xả rác trong chuyến du lịch của Bitour. Ảnh: Bitour

Tuy nhiên, đối với những tour chỉ thuần đi du lịch, việc yêu cầu du khách tham gia nhặt rác đôi khi bị một số du khách phản ứng. Anh Trần Minh Khôi cho biết: “Một số du khách tỏ vẻ bực bội và cho rằng dọn rác do người khác xả không phải là trách nhiệm của họ. Có khách còn cho rằng hoạt động này chỉ có ý nghĩa đánh bóng tên tuổi công ty tổ chức. Họ có lý của họ. Do đó, không nên lôi kéo hay thuyết phục khách dọn rác”.

Theo anh Khôi, phía đơn vị tổ chức tour cứ làm gương trước, du khách nếu muốn dọn thì sẽ tự nguyện tham gia. Ngoài ra, du khách thường thấm mệt khi đi trekking nên cũng khó yêu cầu họ dọn rác.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Trao ‘hộ chiếu xanh’ khi du lịch xứ dừa

0
(SGTT) - Đã có 15 du khách được trao "hộ chiếu xanh" (passport Net Zero) khi tham gia tour “Net Zero tours Bến Tre”...

Người dân Nhà Bè thức đêm làm du lịch

0
(SGTT) - Không huyên náo như tại trung tâm TPHCM, về huyện Nhà Bè ban đêm rất êm ắng, thanh bình, tưởng chẳng có...

Kết nối