Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Tìm hiểu 3 phòng tranh đậm nét nghệ thuật ở TPHCM

(SGTTO) - Phòng tranh không chỉ trưng bày các tác phẩm mà còn là nơi các nghệ sĩ chia sẻ cảm xúc của mình với người yêu nghệ thuật. 

Sài Gòn Tiếp Thị Online mời bạn đọc tìm hiểu một số phòng tranh tiêu biểu tại TPHCM. Mỗi phòng tranh mang một màu sắc riêng, có nơi mang đến tiếng nói của cuộc sống hiện đại, có nơi đậm hơi hướng hoài cổ ẩn trong những tác phẩm được triển lãm về con người và đất nước Việt Nam.  

Quận 1 - Galerie Quỳnh

Galerie Quỳnh nằm trên đường Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, quận 1. Ngôi nhà phố nằm gọn trên con đường nhỏ nhưng lại có không gian được nới rộng ra tới 600m2 nhờ 4 tầng được thiết kế theo từng chủ đề triển lãm. 

Người sáng lập phòng tranh này là Quỳnh Phạm. Bà sinh ra ở Đà Nẵng và di cư sang Mỹ khi chiến tranh kết thúc. Trở về Việt Nam nghiên cứu nền nghệ thuật trong nước nhiều năm, bà Quỳnh đã lập nên một nguồn tài liệu quý trực tuyến về nghệ thuật Việt vào năm 2000. Sau đó, vào năm 2003, bà đã mở không gian trưng bày nghệ thuật Galerie Quỳnh này. 

Trong suốt hai thập kỷ, bà đã cùng phòng tranh mang tác phẩm thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam đến với người yêu tranh trong nước và cả các triển lãm ở nước ngoài.  

Các tác phẩm tại Galerie Quỳnh là sự hội tụ đa dạng từ nhiều bộ sưu tập của nghệ sĩ đã thành danh, nghệ sĩ trong giai đoạn chín muồi, và cả những nghệ sĩ trẻ mới nổi. Bên cạnh các tác phẩm trong nước, phòng tranh còn trưng bày các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới. 

Gallerie Quỳnh có nhiều hoạt động để khuyến khích việc giáo dục nghệ thuật trong các trường học. Trong đó có nhiều hội thảo và ấn phẩm được phát hành để kết nối lĩnh vực nghệ thuật với giáo dục. 

Galerie Quỳnh đã thành lập Sao La vào 2014 để giao lưu nghệ thuật dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ đang làm việc tại Đà Lạt là Nguyễn Kim Tố Lan và Nguyễn Đức Đạt. 

Bà Quỳnh đã đi nhiều nơi để giới thiệu về nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ Hiệp hội châu Á, đến Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York và Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Mỹ. Danh sách còn rất nhiều nơi khác như Trung tâm nghệ thuật Huntington Beach ở California, Theater Works ở Singapore, và Đại học Osaka ở Nhật Bản. 

Bà đã được giới thiệu trên nhiều tạp chí nghệ thuật quốc tế như Thời báo New York, PBS, Tạp chí Time, Forbes Việt Nam, Reuters, Condé Naste Traveller và RAI TV.

Quận 2 - The Factory Contemporary Arts Centre

Cách trung tâm thành 20 phút, tại khuôn viên Thảo Điền, quận 2 là trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory phong cách nhà xưởng với diện tích hơn 500m2, bao quanh bởi chuỗi container. The Factory vẫn được nhiều người yêu nghệ thuật biết đến với tên gọi The Factory Contemporary Arts Centre.

The Factory được nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn thành lập vào năm 2016 mang phong cách của một ‘nhà máy’, nơi mang lại các ý tưởng mang tính biện luận của nghệ thuật đương đại. Nơi đây tụ hội mạng lưới tác phẩm chuyển tải những ký ức văn hoá vật thể và phi vật thể đề cao những nét đẹp văn hoá bản địa xen lẫn những giá trị hiện đại. 

Trung tâm chọn triển lãm các tác phẩm theo phong cách nghệ thuật đương đại, theo lối tư duy học giả và dùng phương pháp sáng tác liên ngành. Các triển lãm tại đây giới thiệu những sáng tác gợi mở, đưa ra các câu hỏi về đời sống xã hội hiện đại gắn liền với chính kiến đóng góp mang tính xây dựng.

The Factory có không gian triển lãm năng động, do HTA + Pizzini Architects thiết kế, thay hình đổi dạng theo các triển lãm. Không gian có đặc điểm đa chức năng để có thể trình bày các tác phẩm kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như ảnh hội họa, chiếu phim, biểu diễn các vật thể di động và biểu diễn ánh sáng. 

Trung tâm này hoạt động như một doanh nghiệp xã hội. Trung tâm sử dụng doanh thu từ việc bán tác phẩm nghệ thuật và các hoạt động kinh doanh khác để hỗ trợ kinh phí cho các triển lãm và chương trình cộng đồng.

The Factory mong muốn gây dựng cộng đồng yêu nghệ thuật đương đại lớn mạnh hơn nên đã khởi xướng các chương trình liên kết đối thoại giữa các ngành nghề và nhiều nền văn hoá khác nhau. Trung tâm thường xuyên mở các chuỗi triển lãm và chương trình dành cho cộng đồng như workshop giáo dục, biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm và trình chiếu phim về quang cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam mang tính phản biện. 

Quận 3 - Mai Art

Quận 3 nổi tiếng với các công trình biệt thự cổ, nhưng có một biệt thự đặc biệt được sự quan tâm từ giới kiến trúc sư. Tòa nhà nép mình trên trục đường Võ Thị Sáu, quận 3, được xây dựng trong khoảng từ năm 1947 đến 1950. 

Một nhóm kiến trúc sư trẻ ở TPHCM có cùng niềm đam mê với kiến trúc đã quyết định cải tạo một phần không gian ở tầng trệt tòa nhà thành phòng triển lãm tranh với mong muốn phần nào bảo tồn công trình có kiến trúc vòm cong này.

Nhóm kiến trúc sư trẻ thành lập Mai Art có 4 thành viên chính là Lê Võ Trường Giang, Phan Hữu Phước, Phạm Xuân Toàn và Nguyễn Khiêm.

Tại Mai Art, các buổi triển lãm tranh tập trung giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam. Các tác phẩm của cố họa sĩ Văn Bình, họa sĩ lão thành quê ở Cà Mau đã dành gần như cả cuộc đời để sáng tác và dạy vẽ ở nơi cuối nguồn con sông Cửu Long, được xem là nền tảng của phòng tranh.

Phòng tranh chọn tác phẩm của Văn Bình làm chủ đề nền vì ông không vẽ để thưởng thức riêng mình hay cho một số ít người nào khác. Đối với ông, người lao động hiểu được, xem được tác phẩm mới là niềm hạnh phúc của người họa sĩ.

Tác phẩm của họa sĩ Văn Bình là một chuỗi tranh ký họa về phong cảnh và con người ở vùng đất phương Nam gắn liền với những thăng trầm của đất nước.

Bên cạnh việc trưng bày những tác phẩm trong ngành mỹ thuật Việt Nam, nhóm kiến trúc sư trẻ mở lớp dạy vẽ để nuôi dưỡng niềm yêu thích với nghệ thuật trong các em và làm hành trang cho giới trẻ bước vào cửa đại học các ngành có liên quan đến nghệ thuật.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối