Thứ Bảy, Tháng Chín 21, 2024

Tích xanh lá cây cho cà phê Việt vào EU

Đối với cà phê Việt Nam, thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng có hiệu lực từ cuối năm 2024 của EU không nằm ở bản thân quy định này. Vậy nên, thách thức song hành cùng cơ hội.

Những chỉ dấu về nền nông nghiệp thay đổi về chất, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nhập khẩu đã rất rõ ràng. Lệnh cấm nhập khẩu nông sản trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng hay gây suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EU) chỉ là khởi đầu và đi kèm với nó sẽ có thêm những ràng buộc cao hơn về quyền của người lao động, bình đẳng giới…

Tuyên bố về nhu cầu nông sản chất lượng cao Việt Nam, đến từ một vị lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vừa rồi, càng chứng tỏ thị trường tỉ dân có thể vẫn tiếp tục dễ tính nhưng chắc chắn điều đó không kéo dài lâu. Nông sản Việt Nam muốn ra thế giới phải có khả năng thích ứng tốt với những đòi hỏi đa dạng của thị trường nhập khẩu, mà con đường để tới “La Mã” là chuyên nghiệp và chất lượng.

Đây không phải là một bài toán không thể tìm thấy lời giải. Xin được dẫn chứng bằng câu chuyện của cà phê Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định bản thân quy định chống phá rừng của EU không hề làm khó cho cà phê Việt. Tuyệt đại đa số các container cà phê hàng năm đang cập cảng châu Âu tự chúng đã đáp ứng tiêu chí cà phê được trồng trên đất không có nguồn gốc từ phá rừng hay làm suy giảm rừng từ thời điểm 31-12-2020.

Đánh giá của một nhà mua lớn ở châu Âu, được một vị chuyên gia có tiếng dẫn lại tại nhiều cuộc hội thảo liên quan tới vấn đề này cho thấy, tỷ lệ phá rừng để trồng cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%.

Mặc dù, khoảng 8.000 héc ta trong 90.000 héc ta rừng nước ta bị mất năm 2021 nằm trong vùng trồng cà phê, kể cả khi số diện tích đó để canh tác cà phê, nếu phân loại tốt, trong ngắn hạn, vẫn có nhiều nước nhập khẩu chưa áp dụng quy định nghiêm ngặt như EU. Vả lại, những đối thủ đáng gờm của xuất khẩu cà phê Việt Nam, ví dụ như Brazil vẫn đang phải xử lý vấn nạn phá rừng để phát triển loại cây trồng này. Trên thương trường, khó khăn của doanh nghiệp này có thể tạo cơ hội cho một doanh nghiệp khác.

Nói vậy để thấy, thách thức đối với cường quốc xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới để vào châu Âu nằm ở việc chúng ta thực hành các quy định này của EU như thế nào? Vấn đề căn cốt là các doanh nghiệp Việt Nam phải thông tin trung thực, tham gia vào hệ thống theo dõi, giám sát, chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Điều này sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách thức hợp tác giữa bộ ba doanh nghiệp xuất khẩu – đầu mối thu mua – người trồng cà phê.

Từ phía người trồng cà phê, tâm thế chủ động của nhà sản xuất ở đây phải thể hiện bằng việc mỗi héc ta cà phê được canh tác phải hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn, nếu muốn xuất khẩu sang châu Âu, nhất định không được phá rừng hoặc làm suy kiệt rừng để trồng cà phê.

Cao hơn nữa, lựa chọn phương thức canh tác để cho ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng cả thị trường khó tính nhất trên hết cần sự quyết tâm của người trồng cà phê. Tiếp thêm động lực cho người nông dân là sự giải thích, hướng dẫn, chỉ dẫn về kỹ thuật công nghệ, thị trường xuất khẩu từ các hội nghề nghiệp, hợp tác xã và những ưu đãi về chính sách từ phía quản lý nhà nước, bởi mức lãi suất khoảng 12%/năm đang làm khó bất cứ doanh nghiệp nào, đặc biệt đối với ngành sản xuất nông nghiệp.

Hướng dẫn người nông dân thực hành theo các quy định của thị trường xuất khẩu, phân loại cà phê trồng trên diện tích đất có nguồn gốc từ mất rừng hoặc suy kiệt rừng, tránh để câu chuyện thẻ vàng thủy hải sản lặp lại đối với các loại nông sản khác trong đó có cà phê đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro.

Về phía quản lý nhà nước, những chương trình hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp từ EU, theo đề nghị của vị tư lệnh ngành nông nghiệp, chỉ phát huy hiệu quả nếu doanh nghiệp cần thông tin từ thị trường này được tham gia, bất chấp các khoảng cách về thời gian và địa lý, điều hoàn toàn khả thi với các ứng dụng họp trực tuyến rất phổ biến hiện nay. Biện pháp trừng phạt đích, sẽ tạo áp lực để doanh nghiệp không muốn và cũng không dám làm sai.

Tuy nhiên, liên quan tới quy định chống phá rừng của EU, việc cần làm ngay là thống nhất những khái niệm cơ bản. Khái niệm rừng và suy thoái rừng trong Luật Lâm nghiệp 2017 của Việt Nam đang có một số khác biệt so với định nghĩa trong Quy định chống phá rừng của EU và điều này tiềm ẩn những rủi do khi doanh nghiệp muốn thực hành theo các tiêu chuẩn mới của EU.

Thành tích xuất siêu 12,25 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm 2023 có đóng góp 4,63 tỉ đô la Mỹ thặng dự thương mại hàng nông, lâm, thủy sản. Việc thực hiện quy định chống phá rừng của EU hay nâng cao chất lượng nông sản thâm nhập thị trường khó tính sẽ tạo động lực mới để nông nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội bứt phá.

Hoàng Hạnh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

“Xanh hóa” thị trường trang sức: nhìn từ Thái Lan

0
(SGTT) – Vài năm qua, ngành trang sức và đá quý Thái Lan tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, thông qua nhiều chứng...

Nông dân có thể dùng điện thoại để tính toán phát...

0
(SGTT) - Chỉ với những thao tác trên điện thoại, người nông dân có thể dễ dàng theo dõi sự phát triển của lúa...

Bàn cách xác định ‘dấu chân’ carbon để hướng đến du...

0
(SGTT) – Xác định "dấu chân" carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng...

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước chuẩn bị...

0
(SGTT) - Sau 9 năm thi công, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM) được nâng công hoạt động...

Khách sạn ‘không rác thải nhựa’ ở Hội An đạt chứng...

0
(SGTT) - Silk Sense Hoi An River Resort, thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn vừa đạt được Chứng nhận “Travelife...

Bán tín chỉ carbon rừng: Hành trình còn xa

0
(SGTT) - Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng, góp phần bảo vệ môi...

Kết nối