Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024

Thực phẩm nhập khẩu: cần gì có đó

(SGTT) – Bước chân vào các siêu thị và cửa hàng, người tiêu dùng hiện nay có nhiều lựa chọn với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như thịt bò, thịt gà, các loại trái cây… Từ các số liệu, có thể thấy Việt Nam đang là điểm đến của nhiều loại thực phẩm nhập khẩu.

Người tiêu dùng dễ dàng mua thực phẩm nhập khẩu, nhất là các loại hải sản, trái cây… không chỉ từ các siêu thị mà còn mua qua mạng với hình thức giao hàng tận nơi. Ngoài nhập khẩu chính ngạch, một số loại còn được bán qua hình thức hàng xách tay.

Nhiều người chuộng đồ nhập khẩu

Một số loại trái cây nhập khẩu trên thị trường hiện nay. Ảnh: Thành Hoa

Chị Nga (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) mỗi lần đi siêu thị đều chọn mua một số loại thực phẩm nhập khẩu như táo, nho hay thịt bò.

“Tôi chọn táo nhập khẩu, giá từ trên 40.000 đồng/kg vì con tôi thích ăn loại táo này. Thường vị của táo ngọt và giòn”, chị nói.

Một người nội trợ khác, chị Bình (nhà ở quận 12) thường mua thịt bò Úc vì theo chị, loại thịt này thơm, mềm dù giá cao hơn thịt bò trong nước.

Không chỉ thực phẩm nhập khẩu tràn vào các siêu thị mà ngày nay rất nhiều cửa hàng chuyên về thực phẩm ngoại mọc lên.

Chỉ tính riêng ở quanh chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, theo quan sát, đã có bốn cửa hàng bán các loại đồ ăn nhập khẩu. Các loại táo nhập khẩu, có loại giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, cam Úc giá khoảng từ 60.000 đồng/kg, nhưng cũng có nhiều loại giá từ vài trăm ngàn đồng một kg.

Chẳng hạn, tại một cửa hàng, lựu Ấn Độ được bán với giá 420.000 đồng/kg, quýt Úc 200.000 đồng/kg, nho Mẫu đơn Hàn Quốc 850.000 đồng/kg…

Lý giải việc nhiều bà nội trợ chọn hàng nhập, một chủ cửa hàng cho biết, người tiêu dùng mua trái cây nhập khẩu vì họ yên tâm hơn về chất lượng. Nhiều người chọn trái cây nhập làm quà tặng vì trông kiểu dáng bắt mắt hơn.

Cùng với trái cây, thịt gia súc gia cầm, các loại sữa cũng được nhập nhiều trong thời gian qua.

Theo các chuyên gia, tầng lớp trung lưu gia tăng, dân số trẻ, người tiêu dùng thích trải nghiệm những nét ẩm thực mới và đòi hỏi nguồn gốc an toàn, chất lượng tốt… là những yếu tố khiến Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng, thu hút các nhà cung cấp thực phẩm trên thế giới.

Trong đó, rau quả là mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2019.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả đạt 0,74 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,25 tỉ đô la so với cùng kỳ năm trước. Rau quả đứng thứ 10 trong 10 nhóm hàng nhập khẩu đạt mức tăng về trị giá lớn nhất trong sáu tháng đầu năm này.

Bức tranh tổng quan

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình nhập khẩu thực phẩm trong tám tháng đầu năm nay, Việt Nam đang nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm như: thuỷ sản, hạt điều, lúa mì, ngô, đậu tương, sữa – các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ động thực vật, rau quả, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc và các chế phẩm thực phẩm khác.

Trong đó, về giá trị nhập khẩu, Việt Nam đang nhập hạt điều nhiều nhất, tiếp đó là rau quả, bắp, thủy sản, sữa – các chế phẩm từ sữa, dầu mỡ động thực vật, lúa mì và đậu tương.

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Úc, người Việt ngày càng chuộng sữa và các chế phẩm từ sữa, rau quả, thực phẩm chế biến của Úc.

Trong đó, nhập khẩu sữa và các chế phẩm từ sữa tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 34 triệu đô la. Mặt hàng rau quả đạt 73,8 triệu đô la, tăng 5%.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, thời gian tới kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trái cây từ thị trường Úc sẽ tăng mạnh do chính sách mở cửa của cả hai nước.

Cam, nho và cherry của Úc sẽ đến Việt Nam với số lượng lớn và nhãn của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu chính ngạch vào xứ sở chuột túi.

Giá trị các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu trong tám tháng đầu năm 2019

Mặt hàng Giá trị nhập khẩu (triệu đô la Mỹ)
Hạt điều 1.506
Rau quả 1.276
Bắp 1.266
Thủy sản 1.187
Sữa và sản phẩm từ sữa 697
Dầu mỡ động thực vật 447
Lúa mì 437
Đậu tương 424

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Nhập nhiều rau quả từ Thái Lan, Trung QuốcNăm 2018, ngành rau quả Việt Nam xuất khẩu trên 3,8 tỉ đô la nhưng vẫn chi 1,738 tỉ đô la để nhập khẩu rau quả, mà chủ yếu là trái cây tươi từ các thị trường Thái Lan, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nam Phi…Trong chín tháng đầu năm 2019, nhập khẩu rau quả đạt 1,39 tỉ đô la, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 434 triệu đô la và mặt hàng quả đạt 899 triệu đô la.Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất trong chín tháng đầu năm 2019 chiếm thị phần lần lượt là 35,5% và 25,7%, tiếp đến là Mỹ, Úc, New Zealand.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những mặt hàng thực phẩm ngoại nhập giảm giá dịp nghỉ...

0
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, một số thương hiệu chuyên thực phẩm ngoại nhập mang đến nhiều chương trình ưu đãi dành cho...
mãng cầu dai

Hơn nửa triệu đồng một ký mãng cầu dai

0
(SGTTO) - Cũng là trái mãng cầu dai (hay còn gọi là quả na) nhưng hàng nhập khẩu được bán với giá cao ngất,...
Khoai lang Nhật

Gần 700 ngàn 1kg khoai lang nhập khẩu từ Nhật

0
(SGTTO) - Trong khi giá khoai lang giống Nhật trồng trong nước giữ ở mức thấp nhiều năm liền, bà con phải chuyển sang...

Kết nối