(SGTT) - Thời thơ ấu, tôi thường được bà nội dẫn đi ăn cỗ, và một trong những món ăn tôi ưa thích nhất là mọc hấp. Tuy vẻ ngoài món ăn trông thật giản dị nhưng ẩn chứa trong đó là cả sự tinh túy mà các cụ ngày xưa gửi gắm vào.
- Bản đồ ẩm thực: Bánh đập – nét mộc mạc giữa lòng xứ Quảng
- Thơm ngon cá diếc Thạch Bàn xứ Quảng
- Du Xuân làng cổ Túy Loan, sẵn ghé thưởng thức mì Quảng ngon trứ danh
Bà tôi kể, mọc là hỗn hợp nhiều loại thực phẩm, gói bằng lá chuối, hoặc lá dong (qua hơ lửa) cột túm một đầu rồi đưa vào nồi hấp cách thủy. Theo đó, mọc có nhiều loại, được làm từ thịt heo, bò, gà, vịt... tùy thuộc văn hóa vùng miền.
Với món mọc, người nấu sẽ băm nhuyễn thịt rồi dùng bún tàu cắt thành từng khúc, ngâm nước cho sợi bún mềm ra. Tiếp đến, nấm mèo rửa sạch, ngâm trong nước cho mềm rồi dùng dao băm thật nhỏ trên thớt. Các loại gia vị còn lại như hành, ngò, lá gừng, nghệ, lá hẹ xắt nhỏ; thêm ít tiêu, muối, nước mắm ngon, cùng trứng gà hoặc vịt rồi trộn đều.
Khi nguyên liệu đã thật hòa quyện, dùng lá chuối đã được hơ dịu, đặt trên chén và thoa sơ qua một lượt dầu phụng đã phi chín nhằm giúp mọc không bị dính vào lá, khi thưởng thức có vị béo, thơm. Lúc này, dùng muỗng xúc hỗn hợp trên đổ vào lá vừa đủ, rắc thêm ít đậu phộng rang rồi túm lá chuối, buộc lại bằng sợi của bẹ chuối khô hoặc tươi. Gói xong mọc thì cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 30 phút là mọc chín.
Khi thưởng thức, thực khách sẽ không khỏi thú vị bởi mùi thơm tỏa ra sau những lần lột lá chuối. Vị ngọt của thịt hòa quyện với mùi rau thơm, mùi trứng, mùi đậu phộng bùi béo, cái dẻo của bún tàu, cái giòn tan sần sật của mộc nhĩ… cùng màu sắc bắt mắt, ăn thật khoái khẩu, nhớ đời.
Trong các đám giỗ kỵ ngày trước món mọc hấp truyền thống thường xuất hiện trên bàn cỗ và được người sành ăn thưởng thức đầu tiên với bánh tráng nướng giòn xứ Quảng và nhấp ly rượu gạo thơm nồng. Cho nên, mọc là món ăn đặc biệt hấp dẫn, không thể thiếu của người dân nơi đây.
Hòa Vang