(SGTT) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng tổ chức bốn đợt thả 5 triệu con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu.
- Nhiều địa phương thả hàng triệu con giống cá, tôm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Bàn chuyện văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL
TTXVN đưa tin, ngày 11-11, tại cửa sông Hậu thuộc khu vực cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức thả 1,5 triệu con giống gồm các loại tôm, cua, cá để tái tạo nguồn thủy sản.
Việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là phục hồi và tái tạo các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với 4 tỉnh, thành phố là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng tổ chức 4 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hậu, tổng số giống thả cả 4 đợt hơn 16 tấn cá và 5 triệu con tôm, cua, cá các loại. Trong đó, có nhiều loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế như cá Hô, cá He, cá Tra Dầu, cá Ét Mọi, cá Thát Lát Cườm… tôm sú, cua biển.
Hoạt động này góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sinh kế cho ngư dân và tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Riêng năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 3 đợt thả giống thủy sản về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản với trên 3 triệu con tôm sú giống, 10.000 con cua giống, 50.000 con cá lóc giống và 4.000 cá thát lát giống.