Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Tập luyện thể thao quá độ dễ dẫn đến các bệnh lý tim mạch và xương khớp

(SGTTO) - Lựa chọn môn thể thao nào và tập luyện với cường độ và thời lượng ra sao là câu hỏi mà nhiều người chơi thể thao đặt ra. Tập luyện thể thao quá mức sẽ không có lợi mà ngược lại gây ra những bệnh lý tim mạch và gây tổn thương xương, khớp.

PGS. TS. BS. Nguyễn Hoài Nam, chuyên khoa Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đã đưa ra những lời khuyên về tập luyện thể thao sao cho khoa học và không hại đến sức khỏe tim mạch.

PGS. TS. BS Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: NVCC
Lựa chọn môn thể thao phù hợp

Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Hoài Nam, khi tập luyện thể thao, điều quan trọng là cần chọn môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.

Do đó, trước khi luyện tập thể thao, cần đến khám bác sĩ chuyên ngành thể dục thể thao để kiểm tra tình trạng sức khỏe và được tư vấn về môn thể thao phù hợp. PGS. TS. BS. Nguyễn Hoài Nam nhận định, tại Việt Nam, những người chơi thể thao chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này song đây là điều cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, những hậu quả để lại khi chơi môn thể thao không phù hợp là sự ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, xương khớp.

Tùy từng độ tuổi và thể lực mà chúng ta nên lựa chọn môn thể thao phù hợp. Chẳng hạn, những người khoảng trên 50 tuổi có thể lực không tốt không nên chơi những môn đòi hỏi vận động mạnh mà chỉ nên đi bộ mỗi ngày khoảng 2-3km.

Người trên 50 tuổi có thể lực không tốt không nên tập luyện những môn vận động mạnh. Ảnh: H.T

PGS. TS. BS. Nguyễn Hoài Nam cũng chia sẻ, qua nghiên cứu, các chuyên gia Y học cho rằng đi bộ và bơi lội là hai môn thể thao thích hợp với mọi lứa tuổi. Mỗi ngày đi bộ trong vòng 60 phút và đi bơi hai ngày một lần sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Trên thực tế, thời lượng tập thể thao sẽ khác nhau tùy thuộc vào thể lực của người tập. Do đó, cách tốt nhất là lắng nghe cơ thể.

Lắng nghe tiếng nói của cơ thể

Ông Nam khuyên rằng, lý tưởng nhất là có huấn luyện viên hướng dẫn trong quá trình tập luyện. Họ là những người chuyên về môn thể thao, hiểu rõ thể lực đòi hỏi ra sao để tập bộ môn đó.

Trường hợp không có huấn luyện viên, khi tập luyện cần chú ý lắng nghe tiếng nói của cơ thể. Khi thấy các triệu chứng như đau nhói ngực, hoa mắt, chóng mặt thì không nên gắng sức mà nên nghỉ ngơi. Đáng chú ý, bác sĩ Hoài Nam khuyên khi chơi những môn có đối kháng cần chú ý triệu chứng đau ngực để tránh tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, có nguy cơ tử vong.

Điều đầu tiên cần làm khi xuất hiện cơn đau ngực là thăm khám bác sĩ tim mạch và thực hiện đo điện tim, đo điện tim gắng sức, chụp động mạch vành, CT... để xác định xem chúng ta có bị hẹp động mạch vành. Nếu có bệnh lý tim mạch, nên ngừng chơi môn thể thao đó và thay bằng những môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp hơn tùy theo lời khuyên của bác sĩ chuyên ngành thể dục thể thao.

Những bệnh lý khác cần chú ý

Bên cạnh bệnh lý tim mạch, còn rất nhiều bệnh lý khác nếu chơi thể thao với cường độ không phù hợp như giãn khớp vai khi chơi môn tennis. Với các môn cần chạy nhiều, người chơi có thể gặp chấn thương dây chằng chéo trước và sau, đau khớp gối, tình trạng cứng cột sống…

TS. BS. Tăng Hà Nam Anh

Chính những chấn thương nhỏ khi không để ý lâu dần sẽ gây ra tổn thương lớn cho xương khớp. Đây cũng là điều mà TS. BS. Tăng Hà Nam Anh nhấn mạnh. Theo đó, cần chú ý đến những cơn đau tái đi tái lại ở cùng một điểm bởi đây là dấu hiệu bất thường cần đi thăm khám bác sĩ.

Như vậy, trước khi chơi thể thao cần tham khảo ý kiến bác sĩ thể dục thể thao và bác sĩ tim mạch để chọn môn phù hợp nhất và tập với cường độ sao cho phù hợp.

Hãy tham gia nhóm Sài Gòn Fit để đọc thêm những nội dung thú vị, hữu ích khác từ các chuyên gia, huấn luyện viên, bác sĩ… Đồng thời, giao lưu, chia sẻ giữa các thành viên và các hoạt động chung của nhóm. Tham gia nhóm, độc giả có cơ hội trở thành cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị và hưởng các ưu đãi thành viên đến từ các đối tác của Sài Gòn Tiếp Thị cũng như giữa các thành viên với nhau.

Thiên Nhiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối