Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Sân khấu kịch vẫy vùng vượt khó

Nguyễn Huy

Vở nhạc kịch Mảnh trăng cuối rừng – được dàn dựng dựa trên truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu – được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN) tối 17-12 không chỉ tạo sự thu hút nơi khán giả mà còn thể hiện một nỗ lực của những người hoạt động trong làng kịch nghệ, nhằm truyền tải loại hình nghệ thuật này đến công chúng theo một phương cách mới.

Hà Nội một thời được xem như miền đất hứa của kịch nói nhưng trong hơn 10 năm trở lại đây, loại hình giải trí này đang mất dần sự thu hút đối với khán giả thủ đô. Trong khoảng thời gian đó, các sân khấu kịch nói ở Sài Gòn lại trở nên sôi động và nhộn nhịp. Thế nhưng, gần đây bộ môn nghệ thuật này đang rơi vào cuộc khủng hoảng, nhiều sân khấu không thể sáng đèn bởi nguồn doanh thu không đủ bù chi phí. Trước tình hình khó khăn đó, nghệ sĩ sân khấu kịch cả hai miền đang nỗ lực hết mình để duy trì sự tồn tại của một loại hình nghệ thuật vốn được công chúng ưa chuộng trước đây.

Kịch Bắc học phương Nam

Sông dài, một trong những vở diễn gây tiếng vang của sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Sông dài, một trong những vở diễn gây tiếng vang của sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Vào đầu năm nay, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Khanh trong vai trò Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã dẫn đoàn vào lưu diễn tại Sài Gòn. Khán giả thành phố khá bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh toàn bộ diễn viên chính và phụ đứng ngay cửa để chào hỏi khách thân mật. Điều này chưa từng xảy ra ở một đơn vị nghệ thuật phía Bắc trước đó, bởi quan niệm nghệ thuật là thánh đường và người nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ trình diễn trước công chúng. Khi nói về sự thay đổi này, những nghệ sĩ cho biết, họ muốn thu hẹp khoảng cách giữa những người làm ra sản phẩm giải trí và người thưởng thức.

Đạo diễn Bùi Như Lai, Phó trưởng đoàn Đoàn kịch 1- Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ, từ năm nay, nhà hát bắt đầu áp dụng hình thức xã hội hóa trong hoạt động. Khi lên kế hoạch mỗi vở diễn, từ đạo diễn, tác giả và tất cả anh em nghệ sĩ sẽ cùng nhau góp vốn đầu tư. Vì không lệ thuộc vào nguồn kinh phí bao cấp nên đoàn kịch có quyền lựa chọn kịch bản và quyết định thành phần diễn viên. “Chúng tôi ưu tiên dàn dựng những vở kịch phù hợp với tâm lý và sở thích của công chúng nhiều thế hệ, nhằm đưa kịch nói đến gần với cuộc sống hơn. Nói một cách thẳng thắn là chúng tôi đang học cách làm kịch xã hội hóa của sân khấu phía Nam”.

Sự thay đổi đó được thấy rõ trong chủ đề của vở diễn. Nếu trước đây, nhà hát này chỉ dựng những vở có nội dung mang tính triết lý khô khan thì với Cầu vồng lục sắc (tác giả và đạo diễn là nghệ sĩ ưu tú Anh Tú), các nghệ sĩ đã dùng ngôn ngữ nghệ thuật để đưa ra thông điệp về đề tài đồng tính – một vấn đề xã hội đang thu hút nhiều sự quan tâm và chú ý từ công chúng. Vở diễn này đã thu hút được lượng khán giả đông đảo tại TPHCM, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Dù đã có những tín hiệu lạc quan nhưng các nghệ sĩ phía Bắc còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để sân khấu có thể sáng đèn định kỳ.

Thay đổi quan điểm làm nghệ thuật

Chuyện tình Băng-Kot (tác giả và đạo diễn Ngọc Hùng) là một trong những vở diễn ăn khách của sân khấu Thế Giới Trẻ.
Chuyện tình Băng-Kot (tác giả và đạo diễn Ngọc Hùng) là một trong những vở diễn ăn khách của sân khấu Thế Giới Trẻ.

Có thể nói, những chuyển động của xã hội đang tác động và định hình tâm lý thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Cách đây 20 năm, trong thời điểm thử nghiệm xã hội hóa kịch nói tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, khán giả say mê thể loại kịch chính luận mà Dạ cổ hoài lang (tác giả Thanh Hoàng, đạo diễn Công Ninh) là một ví dụ điển hình. Theo thời gian, ngày càng có nhiều sân khấu kịch nói xuất hiện, ví dụ sân khấu kịch Idecaf (nghệ sĩ Thành Lộc hợp tác cùng nhà đầu tư Huỳnh Anh Tuấn), sân khấu kịch Hồng Vân (nghệ sĩ Hồng Vân), sân khấu kịch Sài Gòn (nghệ sĩ Phước Sang), sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội), các sân khấu Thế Giới Trẻ, Nụ Cười Mới, Vườn Lài, Sao Minh Béo… thì xu hướng thưởng thức của khán giả đã có sự phân hóa rõ rệt.

NSND Hồng Vân chia sẻ, hiện tại nhiều khán giả không còn yêu thích dòng chính kịch, mang tính chất bi kịch và lắng động nhiều điều suy ngẫm. Vì vậy, ở vai trò một nhà đầu tư, chị phải tìm tòi phương cách giúp sân khấu tồn tại. Khi nhận thấy các vở kịch ma và hài kịch bán được vé hơn, chị đã lựa chọn các thể loại này là chủ lực của sân khấu kịch Hồng Vân. “Các diễn viên vẫn thích tham gia các vở kịch dàn dựng từ tác phẩm văn học – đó mới là làm nghệ thuật đúng nghĩa, nhưng khán giả lại thờ ơ với dòng kịch này, và chúng tôi phải chiều lòng “thượng đế” của mình”.

Tuy nhiên, trong cơn khủng hoảng của làng kịch nói trên cả nước, dù lựa chọn hướng đi nghiêm túc như sân khấu Hoàng Thái Thanh, hướng đi chiều lòng tâm lý số đông như sân khấu Vườn Lài, Thế Giới Trẻ, Hồng Vân hay hướng đi trung dung như sân khấu Idecaf vẫn rơi vào cảnh ế ẩm. Tình thế này đòi hỏi các nhà đầu tư phải có sự chuyển hướng tích cực nhằm duy trì sự tồn tại của sân khấu mình.

Sân khấu Vườn Lài sau một khoảng thời gian vắng vẻ đã hạ giá vé xuống mức rất thấp là 10.000 đồng. Khán giả nào nếu cảm thấy hài lòng với vở diễn thì có thể làm Mạnh Thường Quân ủng hộ thêm tập thể nghệ sĩ. Nhờ vậy mà một sân khấu tưởng chết đã có thể hồi sinh. Thế Giới Trẻ đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các mạng xã hội như Facebook và YouTube và kênh truyền hình. Ông bầu Trần Đại còn tìm kiếm thêm các nhà đầu tư để cùng nghĩ cách nâng chất lượng các vở diễn. Một số sân khấu như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân và Idecaf tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng vở diễn và mở các khóa đào tạo diễn xuất. Nhờ các lớp đào tạo này mà lực lượng diễn viên dồi dào nên các sân khấu này có thể dàn dựng nhiều kịch mục hơn. Bên cạnh đó, doanh thu từ các khóa đào tạo cũng đóng góp đáng kể cho nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của nhà hát.

Điều quan trọng hơn cả là dù đứng trước vô vàn khó khăn nhưng các nhà làm nghệ thuật vẫn không bỏ cuộc. Họ hiểu rằng kịch nói đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng nhưng khán giả vẫn yêu mến loại hình nghệ thuật này. Và các nhà đầu tư cũng là các nghệ sĩ như họ, cần tìm đúng phương pháp và cách thức để giúp ánh đèn sân khấu tiếp tục tỏa sáng, để có thể phục vụ tốt hơn những sở thích và xu hướng thưởng thức của nhiều nhóm khán giả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Thành Lộc và nhạc, Đức Trí và kịch

0
Nói chuyện Thành Lộc và nhạc hay Đức Trí và kịch cứ tưởng như nhầm chuyện. Vì Thành Lộc được mệnh danh là phù...

Sân khấu nghệ thuật cho thiếu nhi ‘mở màn’ mùa hè...

0
Ba tháng hè là thời điểm nhiều sân khấu nghệ thuật tại TPHCM tận dụng cơ hội sáng đèn phục vụ cho trẻ em....

Sân khấu biểu diễn nghệ thuật thu hút khán giả nhí...

0
Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày của năm nay, nhiều gia đình chọn cách ở lại thành phố và tham gia một...

Hấp dẫn thế hệ khán giả trẻ để giữ lửa cho...

0
Các sân khấu kịch ở TPHCM, dù sinh sau đẻ muộn hay có thâm niên hoạt động từ lâu, đang nỗ lực sáng đèn...

TPHCM: nhiều sân khấu kịch hoạt động trở lại với đa...

0
(SGTT) - Sau gần một tháng tạm ngưng biểu diễn để bảo đảm công tác phòng chống dịch, mới đây, một số sân khấu...

Kết nối