Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Rau đắng: món ngon, nên thuốc

DS. LÊ KIM PHỤNG (*) –

Thuở sinh thời ông nội tôi rất thích ăn món cháo cá rau đắng, vì vậy mỗi năm đến ngày giỗ ông nội, ba tôi thường nấu món cháo cá lóc và ra sau hè để hái rau đắng đất. Cho dù bây giờ ở thành phố nhưng bằng mọi giá ba tôi cũng đi tìm mua cho được loại rau đắng này để cúng giỗ ông. Khi còn nhỏ tôi chỉ biết là loại rau này rất đắng, lá nhỏ mọc nhiều dưới đất, dân Gò Công chúng tôi thường gọi là rau đắng đất. Nhưng về mặt thực vật dược, ngoài loại rau đắng đất mọc “sau hè” còn có một loại nữa lá to và mọng nước hơn, gọi là rau đắng biển. Cả hai loại rau đắng đều được ăn cùng món cháo cá lóc hoặc cá kèo, cũng là đặc sản của người dân Nam bộ.

* Rau đắng biển (Bacopa monnieri, thuộc họ Scrophulariaceae) thường sinh sản mạnh trong khu vực đầm lầy trên khắp các nước ở châu Á, riêng ở nước ta, cây mọc ở khắp các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc và miền Nam, nhiều nhất ở vùng ĐBSCL.

Rau đắng biển phát triển chủ yếu từ hạt, cây còn có khả năng mọc chồi khỏe từ kẽ lá, kể cả phần còn sót lại sau khi cắt. Rau đắng biển là loài cây thân thảo sống dai mọc bò. Các cành mọc đứng, nhưng mảnh mai, thân nhẵn không lông, khi ăn người ta thường cắt ngang thân, thân mang những lá dày, mọng nước, màu xanh đậm, tươi tốt quanh năm.

Cháo cá rau đắng.
Cháo cá rau đắng.

Nhiều công trình nghiên cứu từ các nước đã chứng minh trong cây rau đắng biển có chứa một alkaloid tên gọi là brahmin, có tác dụng gần giống strychnin nhưng ít độc tính hơn. Ngoài ra còn alkaloid khác như herpestin, bacosid A và B, monnierin, hersaponin, axit betulic, đường d–mannitol, stigmastarol, β-sitosterol. Rau đắng biển có chứa hoạt chất saponin gồm bacoside A và bacoside B, có tác dụng gia tăng tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động ở hệ thần kinh, chống ô xy hóa tế bào não, giúp tăng cường sự tỉnh táo (alertness) và nhận thức (awareness) của não bộ.

Theo các tài liệu y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển có tính mát, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu tiêu thũng, thường dùng trong các bệnh như kiết lỵ, đau mắt đỏ, viêm gan, hen suyễn, suy nhược thần kinh, động kinh, còn dùng khai vị kích thích, chống táo bón, dùng ngoài chữa ghẻ lở, mụn nhọt.

* Rau đắng biển dùng trong dân gian

– Ăn sống, dùng riêng hoặc trộn chung các loại rau sống khác, giá sống… để làm rau ghém.

– Rau đắng biển luộc, ăn rau luộc ít đắng hơn vì chất đắng bị loại bớt do tan trong nước. Rau đắng biển luộc chấm với thịt kho, cá kho, tương, chao, mắm kho, mắm ruốc, mắm kho quẹt…

– Rau đắng biển xào với nước cốt dừa tôm, thịt rất ngon hoặc nấu canh với thịt, cá, tôm, cua, ếch, ăn để chống suy dinh dưỡng.

* Rau đắng đất (tên khoa học là Polygonum aviculare, họ rau răm Polygonaceae), dân gian còn gọi là cây xương cá, càng tôm, biển súc. Ở quê, hễ bước chân ra khỏi nhà là gặp ngay rau đắng đất.

Rau đắng đất làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng, dùng trong trường hợp nóng trong người gây lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng, dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và viêm phổi, nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật…

Rau đắng đất ăn ngon hơn rau đắng biển. Khác với rau đắng biển có thể mọc quanh năm, rau đắng đất thường chỉ mọc vào mùa khô nên cũng có những lúc tìm không thấy loại này nên có khi ăn phải thay thế bằng loại rau đắng biển.

Rau đắng đất dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Rau đắng “sau hè” có vị rất đặc trưng, thơm quyến rũ và có vị ngọt hậu, mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Chỉ cần đem về nhặt lấy phần ngọn non mướt, rửa sạch để vào rổ cho ráo nước. Dân Nam bộ còn ăn rau đắng đất với mắm kho cũng là món tuyệt chiêu.

Theo y học cổ truyền, rau đắng đất có vị đắng, tính bình, không độc, tác dụng lợi tiểu, sát trùng, giải độc, được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa tiểu buốt, sỏi thận, giải độc, chữa rắn cắn, mụn nhọt, vàng da. Ngày dùng 6-12 g (khô) dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi, sao khô rồi sắc uống. Dùng ngoài giã nát đắp không kể liều lượng. Rau đắng đất lành tính, không có độc tính.

* Đơn thuốc có rau đắng đất

– Ngày uống 12 g rau đắng phơi hay sấy khô dưới dạng thuốc sắc, chữa tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt, tiểu ra sỏi.

– Rau đắng khô 12 g, hoạt thạch 10 g, mộc thông 5 g, xa tiền thảo (cây mã đề) 8 g, sắc với 500 ml nước, chia ba lần uống trong ngày, chữa viêm bàng quang, viêm đường tiểu tiện, tiểu buốt.

———————

(*) Nguyên Giảng viên trường Đại học Y dược TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bản tin 360 độ sống khoẻ: Cảnh báo các hệ luỵ...

0
(SGTT) - Với suy nghĩ thuốc nam là lành tính nên không ít người bệnh chỉ vừa nghe lời mách bảo, truyền miệng đã...

Thực hư tác dụng bài thuốc “giảm khó thở hậu Covid-19”...

0
(SGTT) - Đa số mọi người đều tin rằng các bài thuốc đang lan truyền trên mạng xã hội gần đây có tác dụng...

Thực hư từ những hũ rượu ngâm cây đinh lăng

0
(SGTT) - Hơn chục năm về trước, cây đinh lăng ở nông thôn hay phố thị chủ yếu trồng làm cảnh, trồng làm hàng...

Ăn gì để bảo vệ tuyến tiền liệt?

0
DS. LÊ KIM PHUNG (*) Tình trạng phì đại và ung thư tuyến tiền liệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trăn...

Dùng nhiều hoa bụp giấm có tốt cho sức khỏe?

0
DS. LÊ KIM PHỤNG (*) -  Cây bụp giấm (còn gọi là bụt giấm) hiện đang vào mùa thu hoạch nên được bán nhiều ở...

Phật thủ đâu chỉ để chưng trên bàn thờ

0
DS. MỸ NỮ - Quả phật thủ có hình dáng nắm tay của Phật, còn gọi phật thủ phiến, phật thủ cam, có tên khoa...

Kết nối