(SGTT) – Do chưa có đánh giá cụ thể về tác động và dự báo tình hình kinh tế xã hội thời gian tới; chưa đủ căn cứ khoa học để đề xuất thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất lùi thời điểm trình phương án về lương tối thiểu vào khoảng cuối quí 4-2023.
- Lương tối thiểu và năng suất ‘tối thiểu’
- Bộ LĐ-TB-XH đề nghị giữ nguyên quy định hưởng lương hưu như dự thảo luật
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về thời gian trình nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trước đó, bộ được giao xây dựng nghị định quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng và trình Chính phủ vào tháng 10-2023.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động thì Chính phủ quy định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Hồi cuối tháng 8-2023, hội đồng cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc xem xét phương án tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024, trong đó, có đề cập đến việc là chưa có đánh giá cụ thể các tác động và dự báo tình hình kinh tế xã hội thời gian tới; chưa đủ căn cứ khoa học để đề xuất thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Vì vậy, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời gian họp thương lượng, đưa ra khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu vùng sẽ lùi đến cuối quí 4-2023.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, mức lương tối thiểu tháng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Trúc Đào