Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Phuc hồi du lịch: chặng đường còn rất dài

(SGTT) – Tuy ngành du lịch gần như “đóng băng” sau nhiều đợt dịch và nặng nề nhất là đợt dịch lần 4, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm “rã đông” ngành này với việc mở cửa một số địa phương để đón du khách ghé thăm từ tháng 11, theo báo cáo của ngân hàng HSBC. Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá rằng chặng đường phục hồi du lịch trước mắt còn dài.
Trung tâm TPHCM nhộn nhịp du khách nước ngoài hồi trước dịch Covid-19. Ảnh: Đào Loan

Theo báo cáo Vietnam At A Glance tháng 11-2021 của HSBC, phục hồi ngành du lịch thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, tỷ lệ tiêm phòng toàn quốc còn thấp và tình hình Covid-19 vẫn còn tiếp diễn có thể tạo ra tâm lý e ngại. Sự thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc, từng chiếm 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, cũng cho thấy khả năng tăng trưởng trong tương lai gần có thể không xảy ra. Cuối cùng, về triển khai thực tiễn, cần thêm nhiều nỗ lực để nối lại các chuyến bay quốc tế. Điều đáng khích lệ là Việt Nam đang đạt được nhiều tiến triển để chuẩn bị đón khách du lịch trở lại.

Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề

Ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm gần đây nhờ nỗ lực cởi mở trong chính sách cấp thị thực của chính phủ. Lượng khách du lịch tới Việt Nam đã tăng kỷ lục lên đến trên 18 triệu lượt vào năm 2019, mang đến nguồn thu 33 tỉ đô la Mỹ, tương đương 12,5% GDP. Gần 80% khách du lịch đến từ châu Á, trong đó hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 56%. Chỉ riêng khách Trung Quốc đã chiếm tỷ lệ lớn nhất tương đương với 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, tương đương với Thái Lan và vượt xa các quốc gia láng giềng trong khu vực vốn chỉ ở mức 15-20%.

Là ngành “đứng mũi chịu sào” trong đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019. Do thiếu vắng sự hiện diện của khách quốc tế nên các dịch vụ liên quan, đặc biệt là lưu trú, vận tải và ăn uống, đã không thể phục hồi đúng nghĩa. Du lịch nội địa đã gồng gánh ít nhiều trong những giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh nhưng rồi cũng chịu cảnh gián đoạn đột ngột khi đợt bùng dịch chủng Delta xuất hiện cuối quý 2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý 3 sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt giãn cách kéo dài.

Không quá ngạc nhiên khi thị trường lao động trở nên lao đao. Khoảng 10% lực lượng lao động của Việt Nam tập trung trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vận tải và giải trí, đây là đều là những ngành liên quan mật thiết đến du lịch. Số liệu này thực tế chưa phản ánh hết bức tranh hiện thực vì có những hoạt động không được thống kê chính thống lại chiếm phần lớn tỷ trọng trên thị trường lao động của Việt Nam, trong đó phần nhiều là dịch vụ liên quan tới du lịch. Khi ngành du lịch rơi vào tình trạng ngưng trệ, khoảng 60% người lao động bị mất việc làm trong năm 2020, 90% đã nghỉ việc tính đến tháng 5-2021 (theo báo Tuổi Trẻ, 21-3-2021 và VietnamNet, 25-5-2021). Mặc dù chưa có số liệu thống kê chi tiết tác động lên ngành du lịch, dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý 3, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

Theo báo cáo Vietnam At A Glance tháng 11-2021 của HSBC, kể từ tháng 3-2020, Việt Nam đã đóng cửa phần lớn biên giới, chỉ xem xét nhập cảnh cho một số trường hợp đặc biệt như công dân Việt Nam hồi hương, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài… kèm theo các yêu cầu cách ly cụ thể khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Mở cửa: vẫn chưa hết lo

Cho đến quí 3 năm nay, Việt Nam mới dần nới lỏng các hạn chế biên giới khi phần nào kiểm soát được dịch bệnh. Cụ thể, từ tháng 8, giảm thời hạn cách ly tập trung xuống còn 7 ngày thay vì 14 ngày như trước.

Tuy nhiên, không như Thái Lan mở cửa toàn bộ đất nước với 63 quốc gia có nguy cơ thấp từ 1-11, Việt Nam sẽ chỉ mở cửa 5 địa điểm thu hút nhiều khách du lịch mà không cần phải cách ly (chỉ cần tiêm phòng đầy đủ theo quy định) từ tháng 11. Cụ thể, đó là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam (nơi có phố cổ Hội An), Khánh Hòa (có thành phố biển Nha Trang) và Quảng Ninh (có Vịnh Hạ Long).

Phú Quốc năm 2019 đã từng thu hút 670.000 khách du lịch mang lại nguồn thu 18 tỉ đô la Mỹ. Giai đoạn tháng 12-2021 đến tháng 3-2022, Phú Quốc dự kiến sẽ đón 5.000 lượt khách, theo Straits Times đưa tin ngày 23-10.

Trong đó, đảo Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20-11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight). Ở giai đoạn tiếp theo, du khách sẽ được tự do đi lại tại 5 địa phương này từ tháng 1-2022. Tuy nhiên, với thông tin giai đoạn cuối là mở cửa hoàn toàn từ tháng 6-2022 thì đã được cơ quan chức năng bác bỏ (thông tin từ báo Nhân Dân ngày 10-10).

Thêm một tín hiệu mừng cho ngành du lịch nằm ở mảng hàng không, khi mà Việt Nam đã nhanh chóng chấp nhận “giấy chứng nhận vắc-xin” của 72 nước và phát triển đường bay mới để thu hút nguồn khách du lịch mới.

Theo đó, từ tháng 11, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ, trong khi Bamboo Airways sẽ đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng tới Anh từ tháng 1-2022. Hay như Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế.

Mặc dù Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu mở cửa trở lại cho thấy dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, nhiều tình huống khó lường thường xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh và để hồi sinh thành công ngành du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Yếu tố đầu tiên cần cân nhắc là những yêu cầu về nhập cảnh. Điều này đồng nghĩa không chỉ cần xem xét nới lỏng hạn chế biên giới ở phía Việt Nam mà những kiểm soát biên giới của các quốc gia khác cũng quan trọng không kém. Ví dụ, việc thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam cho thấy kỳ vọng tăng trưởng ngắn hạn sẽ còn hạn chế vì Trung Quốc đại lục vẫn siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới với yêu cầu cách ly 14 ngày tại khách sạn, cộng thêm một số ngày tự cách ly/theo dõi sức khỏe tại nhà tùy từng địa phương.

Trong khi đó, tình hình diễn biến dịch bệnh cũng vô cùng quan trọng. Mặc dù số ca nhiễm mới trong ngày của Việt Nam đã giảm đáng kể 70% so với đỉnh dịch 170.000 ca/ngày thời điểm giữa tháng 8, số ca nhiễm mới lại đang có dấu hiệu tăng trở lại. Tính trung bình 7 ngày, số ca nhiễm mới trong ngày gần đây đã tăng lên khoảng 5.000 ca, tốc độ tăng khá nhanh 50% so với 2 tuần trước. Mặc dù các ca mắc mới vẫn tập trung ở Đông Nam Bộ (như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM), khu vực không nằm trong chương trình thí điểm du lịch, những rủi ro dai dẳng do Covid-19 có thể tạo tâm lý e ngại cho cả khách du lịch lẫn chính quyền địa phương.

Bên cạnh lây nhiễm gia tăng, tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp cũng là một vấn đề. Theo HSBC, VIệt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ phủ vắc-xin toàn quốc là 22%, còn khá chậm so với các nước láng giềng trong khu vực. Thêm nữa, Việt Nam cũng cần nỗ lực nối lại các chuyến bay quốc tế để thúc đẩy du lịch.

Do vậy, HSBC cho rằng để vực dậy ngành du lịch ở Việt Nam cũng như các nước khác là chặng đường còn dài.

P.V

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Ngành du lịch thủ đô thu về 69.300 tỉ đồng trong...

0
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 18,9 triệu lượt...

Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế trong 9...

0
Tính chung 9 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ...

Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho du khách Trung...

0
Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho khách du lịch Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách...

Thái Lan cân nhắc nới lỏng thị thực để thu hút...

0
Thái Lan có thể sẽ nới lỏng các quy định về thị thực cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời cho...

Việt Nam đón 7,8 triệu lượt khách quốc tế trong 8...

0
Tháng 8-2023, Việt Nam đón trên 1,2 triệu lượng khách quốc tế, tăng 17,2% so với tháng trước. Đây là tháng đón khách quốc...

Kết nối