Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn về xét nghiệm và các biện pháp phòng chống dịch

Là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 10-11, trong nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tập trung vào các nội dung như công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vắc-xin trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm…

Ông cũng trả lời về giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Các địa phương cùng một cấp độ dịch, biện pháp phòng chống dịch không nên khác nhau quá nhiều

Tranh luận với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, năng lực y tế, khu cách ly tập trung… từng địa phương đưa ra giải pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân, phòng chống lây lan trong cộng đồng.

Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về và F1. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Hôm qua, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp, khó lường.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và cách ly, thích ứng linh hoạt với tình hình địa phương”, bà Hà nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch của Hà Nội. Theo ông, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước nên mọi quyết định, chính sách phải được đánh giá kỹ lưỡng. Bộ đồng tình các giải pháp chống dịch được thực hiện linh hoạt với từng địa phương, địa bàn theo hướng dẫn chung.

Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả theo đặc thù từng địa phương, nguy cơ dịch bệnh và khả năng của hệ thống y tế trên địa bàn… Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, các địa phương điều chỉnh dần biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng bộ.

“Tôi lưu ý cùng một cấp độ dịch bệnh thì biện pháp không nên khác nhau quá nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, mong muốn thủ đô sẽ quản lý phòng, chống dịch tốt.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa, trong phần tranh luận của mình đã đặt câu hỏi: “Có hay không tiêu cực trong việc loạn giá xét nghiệm?”, và dẫn chứng câu chuyện rằng mặt bằng giá xét nghiệm hiện hơn 100.000 đồng, nhưng ông xét nghiệm ở bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất phải trả phí 440.000 đồng.

Trả lời câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết giá xét nghiệm Covid-19 không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của luật giá và có sự chênh lệch giữa các nơi.

“Đối với giá xét nghiệm, theo quy định của Bộ là thực thanh thực chi, mặt khác đối với các đơn vị tư nhân, chúng ta không áp dụng những hình thức quản lý giá, do đơn vị tự chịu trách nhiệm, phải niêm yết, công khai”, ông nói.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Về vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định đã cố gắng tách bạch người quản lý về mặt tài chính riêng, nhưng một số địa phương do UBND quyết định nên Bộ Y tế không chỉ đạo được. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình bổ nhiệm, xây dựng quy định và thể chế để hạn chế những sai phạm trong thời gian qua.

Về nghi vấn “liệu có lợi ích nhóm”, Bộ Y tế đã có văn bản và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

“Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022”, ông nói.

Giải thích thêm cho tình trạng “loạn giá”, người đứng đầu ngành y tế cho hay trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cũng cao hơn.

Ông nhắc hồi đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay, máy thở do khan hiếm đã đẩy giá lên cao, các quốc gia có tình trạng tranh mua trong thời điểm đầu. Song, thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia nên đã làm giảm giá các mặt hàng này.

Chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về, và đó là trách nhiệm của cơ quan y tế

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu ra vấn đề thời gian hiệu lực xét nghiệm khác nhau giữa nhiều địa phương, có nơi quy định 72 giờ, có nơi 48 giờ, thậm chí 24 giờ, và đặt câu hỏi “Vậy chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?”

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, xét nghiệm Covid-19 là vấn đề quan trọng, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị liên tục bởi 80% ca nhiễm là không có triệu chứng. Thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm cũng có giá trị khác nhau giữa các nước, nhưng cơ bản là lấy mốc thời gian 72 giờ.

Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng an toàn hiện nay, ông cho biết việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người đi từ vùng dịch ra bên ngoài, không xét nghiệm khi người dân di chuyển ở vùng tương đồng với nhau. Đơn cử như việc đi lại giữa 19 tỉnh, thành phố phía Nam thì không phải xét nghiệm, việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi đi ra khỏi khu vực.

“Chúng ta chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về, và đó là trách nhiệm của cơ quan y tế không phải người dân phải tự đi xét nghiệm. Chúng ta phải nhận cái khó về chúng ta, không gây khó với người dân”, Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu câu hỏi về thực trạng nhiều ổ dịch mới phát sinh gần đây do làn sóng trở về của người lao động, “vùng xanh biến thành vùng vàng, vùng cam”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo con số sơ bộ, có khoảng 1,6 triệu người lao động từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đi về các địa phương và hiện cũng bắt đầu có hiện tượng di chuyển ngược lại.

Đối với tất cả những người đi về địa phương, Bộ Y tế xác định là nhóm có yếu tố nguy cơ, nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng người dân đi lại rất lớn. Bộ trưởng cho biết đã đề nghị các địa phương thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo công tác chống dịch, tốt nhất là tổ chức đưa đón người dân trở về.

“Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong”, Bộ trưởng nói.

Dự kiến tiêm mũi 3 vào cuối tháng 12

Bộ trưởng Y tế “quan ngại về tình hình dịch cuối năm”, trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 ở một số địa phương đang tăng trở lại, có những người dân không tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế, thời tiết trở lạnh ở một số khu vực và nhiều sự kiện lễ hội cuối năm sắp diễn ra.

Liên quan đến việc tiêm mũi 3 vắc-xin ngừa Covid-19, Bộ trưởng cho biết cơ quan này đang lên kế hoạch. Dự kiến, sẽ tiêm mũi 3 vào cuối tháng 12 tới và trước mắt sẽ dành cho những người thuộc nhóm ưu tiên.

Trước mắt phải phủ nhanh mũi 1 cho tất cả các địa phương trong 2 tuần đầu của tháng 11, sau đó là trả mũi 2. Mũi 3 cũng dành cho những người thuộc nhóm ưu tiên như người lớn tuổi, người có bệnh nền…

Trước việc một vài địa phương đưa ra tuyên bố tiêm mũi 3, người đứng đầu ngành y tế cho rằng, cần phải tuân thủ quy định chung và căn cứ vào tình hình dịch vì Bộ phải dồn vắc-xin để tiêm phủ cho một số địa bàn nóng.

Cũng trong phiên chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã khuyến cáo các địa phương nên cho học sinh trở lại trường, đặc biệt là các địa phương có dịch ở cấp độ 1 và 2. “Hiện chỉ mới có 22 địa phương ở cấp độ 1 cho trẻ đi học lại dù đã có khuyến cáo là học sinh ở địa bàn này đi học bình thường”, ông nói.

Sáng 10-11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa mới.Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Theo sự quyết định của Quốc hội, có 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: y tế; lao động-thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư, được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 2.

Minh Duy

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Việt Nam bắt đầu tiêm vắc-xin sốt xuất huyết

0
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa chính thức triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4...

Các loại vaccine phòng Covid-19 nội địa giờ ra sao?

0
Trong đại dịch Covid-19, ba loại vaccine phòng Covid-19 nội địa là ARCT-154, Covivac và Nanocovax đã từng được kỳ vọng có mặt sớm,...

Người dân tranh thủ đi tiêm vaccine Covid-19 trong những ngày...

0
Dù đang trong kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày nhưng nhiều người dân tại TPHCM vẫn không quên phòng dịch bằng cách rủ nhau...

Lo ngại biến thể mới, người dân TPHCM đi tiêm vaccine...

0
Trước thông tin TPHCM ghi nhận biến thể phụ XBB.1.5 và miễn dịch cộng đồng với Covid-19 có xu hướng giảm, những ngày qua,...

Mua bán dược phẩm online: Mảnh đất “màu mỡ” cho thuốc...

0
(SGTT) - Hiện nay, rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội có nội dung gây hiểu nhầm như thuốc...

TPHCM: Thuốc, vật tư y tế chống dịch Covid-19 tồn kho...

0
Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM đã được kiểm soát và rất ít...

Kết nối