Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Phú Yên mong muốn trở thành ‘đại phim trường’ của điện ảnh và truyền hình

(SGTT) - Phú Yên mong muốn trở thành một “đại phim trường” cho các phim truyện điện ảnh và truyền hình qua hội thảo “Xây dựng bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên” trong khuôn khổ sự kiện “Điện ảnh với Phú Yên” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Yên tổ chức từ ngày 15 đến 17-11-2023.

Một vùng đất sở hữu nhiều di sản

Vùng biển Nhơn Hội, gần khu vực Hòn Yến. Ảnh: Hoàng Lê

Ít có địa phương nào lại hội đủ địa hình, cảnh sắc từ núi, sông, đồng bằng đến hệ thống đầm, vịnh, vũng, bãi, bờ ven biển... dày đặc như ở Phú Yên. Sông Ba, con sông lớn nhất miền Trung, bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô tỉnh Kon Tum, đoạn qua Phú Yên có tên là Đà Rằng (nghĩa là con sông lau sậy, theo cách gọi của người Chăm), trước khi đổ ra biển ở cửa Đà Diễn.

Cùng với sông Ba, hệ thống thủy nông Đồng Cam do người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm nước là hai nguồn mạch dưỡng nuôi đồng lúa Tuy Hòa thẳng cánh cò bay, là đồng bằng lớn nhất miền Trung. Núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) cao hơn 700 mét sừng sững ở phía Nam một thời là ranh giới giữa Đại Việt và Chăm-pa, là một đại Linga trong quan niệm của người Chăm hợp cùng Yoni là vịnh Vũng Rô xanh biếc ngay dưới chân núi.

Cùng với những kiến tạo của mẹ thiên nhiên, phải kể đến gành Đá Dĩa, danh thắng cấp Quốc gia đặc biệt nằm ở huyện Tuy An, một kiến tạo địa chất độc đáo và là cơ sở để Phú Yên xúc tiến hồ sơ xây dựng Công viên địa chất quốc gia hướng đến Công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận.

Ngay trong nội thành đô thị Tuy Hòa, còn có núi Nhạn với tháp Nhạn ngàn năm cổ kính và núi Chóp Chài như một phong vũ biểu đối với người dân Phú Yên (Chóp Chài đội mũ, Mây phủ Đá Bia, Ếch nhái kêu lia, Trời mưa như trút… ca dao Phú Yên).

Đầm Ô Loan nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Lê

Ngoài vịnh Vũng Rô ở phía Nam với những chuyến tàu không số huyền thoại, ra phía Bắc là đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài… đều là các danh thắng quốc gia với cảnh quan còn hoang sơ và độc đáo. Đặc biệt, các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu còn sở hữu một hệ sinh thái ven bờ là những đầm, vịnh, vũng, bãi, bờ rất phù hợp cho nhiều ngoại cảnh của phim truyện điện ảnh và truyền hình.

Về lịch sử, Phú Yên sở hữu một hệ thống di tích lịch sử khá độc đáo và ấn tượng như mộ và đền thờ thần hoàng Lương Văn Chánh, chí sỹ Lê Thành Phương, nơi thành lập Chi bộ Đảng CSVN đầu tiên của Phú Yên tại thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, căn cứ kháng chiến tại cao nguyên Vân Hòa - nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của vùng duyên hải (Hội trường Mùa Xuân, Nhà thờ Bác Hồ, địa đạo gò Thì Thùng…) đến các di tích từ Vũng Rô đến chiến thắng đường 5, đường 7, di tích liên quan đến cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ của quân và dân Phú Yên…

Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên - một điểm du lịch mới thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Phú Yên cũng là nơi có nhiều câu chuyện lịch sử, di tích kiến trúc liên quan đến hai tôn giáo lớn. Đó là quê hương của ngài Tổ sư Liễu Quán, người khai sáng dòng thiền Lâm Tế ảnh hưởng cả xứ Đàng Trong, là nơi linh mục thừa sai Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) truyền bá chữ quốc ngữ và cùng cộng sự biên soạn quyển sách Phép giảng tám ngày bằng chữ Quốc ngữ, in tại Rôma, Ý năm 1651, cùng với cuốn từ điển Việt-Bồ-La.

Đây được xem là quyển sách văn xuôi in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam. Hiện sách được trưng bày tại Đền tưởng niệm Andre Phú Yên - một vị tử vì đạo được Tòa thánh Vatican phong là Á Thánh vào năm 2000 – đền nằm trong khuôn viên nhà thờ Mằng Lăng.

Nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: Vương Lộc

Hệ thống lại và có thể nói Phú Yên có nhiều thứ mà nơi khác không có hoặc chưa có, là nơi có con sông lớn nhất miền Trung chảy qua, có núi Đá Bia từng được xem là “Nam phương đệ nhất trụ” (có lẽ tầm nhìn trong dân gian bấy giờ chưa tới núi Bà Đen, Tây Ninh?), có đồng lúa Tuy Hòa lớn nhất miền Trung, có gành Đá Dĩa với cấu trúc địa chất độc đáo, có cặp tù và đá (kèn đá) duy nhất cả nước, có bộ nhạc cụ độc đáo Trống đôi - Cồng ba - Chiêng năm, được xem là “sự hợp hôn” trong âm nhạc của hai tộc người Chăm và Bana, có nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền ở Mũi Điện, có điểm nối ray tuyến xe lửa Đông Dương ở ga Hảo Sơn và nơi đang lưu giữ cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên…

Cùng với Bình Định, Phú Yên còn sở hữu "lời ăn tiếng nói" và ẩm thực "xứ Nẫu" cũng là một nét văn hóa đặc sắc, “hệ sinh thái” ẩm thực thì vô cùng phong phú, đặc sắc. Gần đây là các món ăn chế biến từ cá ngừ đại dương đã được xác lập kỷ lục 101 món ăn được du khách ưa thích.

Còn nhiều việc phải làm

Sau một số phim truyện truyền hình đã chọn bối cảnh quay ở Phú Yên, nhất là phim truyện điện ảnh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đã phát hành năm 2016), "Ngày xưa có một chuyện tình" (đang quay), tỉnh Phú Yên mong muốn nơi này trở thành điểm đến cho các nhà làm phim với cảnh quan còn hoang sơ, độc đáo, con người chân tình, thân thiện, văn hóa, ẩm thực đa dạng, đặc sắc… Tuy nhiên, để trở thành một “đại phim trường” thì Phú Yên còn nhiều việc phải làm.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (người đứng bên trái) trong một lần thăm lại căn nhà dưới chân núi Chóp Chài, nơi từng là phim trường của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Trong một lần về thăm lại ngôi nhà dưới chân núi Chóp Chài, một phim trường, nơi có thời lượng quay nhiều nhất trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc sản xuất của phim này, lấy làm tiếc khi các doanh nghiệp du lịch ở Phú Yên chưa sử dụng hết các bối cảnh của phim để thu hút du khách.

Anh cho biết, khi đi chọn cảnh cho phim "Chuyện của Pao", thì ngôi nhà đẹp như tranh vẽ ở Hà Giang ấy chưa một ai biết. Nhưng khi bộ phim chiếu xong, ngôi nhà ở Sủng Là, huyện Đồng Văn xa xôi ấy đã nhanh chóng trở thành một điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến cao nguyên đá Đồng Văn.

Rồi anh liên hệ đến một số nơi khác ở Ninh Bình, ở vùng sông nước miền Tây Nam... nơi anh đã chọn cảnh để quay nhiều phim nổi tiếng. Sau khi các phim được chiếu thì một hiệu ứng kèm theo là người hâm mộ phim lập tức tìm đến các phim trường để được “tai nghe, mắt thấy” các bối cảnh ấy, được đứng vào đó để check in, để “diễn” như phim và khoe lên mạng xã hội. Và, điều đó kéo theo sự phát triển rất bất ngờ của ngành du lịch.

Bãi Môn nhìn từ hải đăng Mũi Điện. Ảnh: Nguyễn Văn Thanh

Khi cùng anh Nguyễn Tiến Dũng chọn bối cảnh cho phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của Đạo diễn Victor Vũ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Dương Thanh Xuân, một người con của Phú Yên, chia sẻ "Sau khi phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được công chiếu và được đánh giá cao, thu hút người hâm mộ khắp nơi, nhiều đoàn du khách đến Phú Yên mong muốn được đến những nơi là bối cảnh của phim, tôi bỗng trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ"

"Và tôi hết sức buồn khi thấy nhiều du khách tỏ ra thất vọng vì…cảnh không giống trong phim! Nghĩa là, những nơi từng là phim trường đẹp đẽ ấy không được quan tâm đầu tư để phục vụ du khách và có thể thu phí. Tôi đành đưa họ đến những nơi không liên quan gì đến bộ phim như Gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Mũi Điện… Vậy mà họ lại thích!", nhà báo Dương Thanh Xuân nói thêm.

Nhiều du khách đến Phú Yên còn nghĩ rằng, chắc Phú Yên nhiều tiềm năng quá nên không quan tâm, ví như bảng hiệu thông tin Bãi Xép là bối cảnh một trường đoạn trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" rỉ sét, sắp rơi xuống đất sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, vẫn chưa thấy đơn vị quản lý làm lại.

Khung cảnh biển Phú Thường. Ảnh: Lê Quốc Hùng

Gần mười năm qua đi, bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" luôn giành được các giải thưởng lớn tại các cuộc thi, các kỳ liên hoan phim điện ảnh và truyền hình, hiệu ứng truyền thông của tác phẩm này vẫn còn. Dễ dàng nhận thấy nhất là từ năm 2017-2019, Phú Yên nổi lên như một điểm đến mới trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, khách du lịch, nhà đầu tư tiềm đến, giá bất động sản tăng nhanh…

Tiếc một điều là các doanh nghiệp làm du lịch ở Phú Yên chưa khai thác đúng mức hiệu ứng truyền thông này, như “làn sóng Hàn” từ phim ảnh Hàn Quốc kéo theo rất nhiều lĩnh vực phát triển như ô tô, thời trang, mỹ phẩm… Thời gian không chờ đợi, cơ hội cũng ít khi lặp lại. Mong rằng, các doanh nghiệp du lịch sớm quan tâm, tạo dựng một số bối cảnh “giống như phim” để người hâm mộ các bộ phim này truyện chọn bối cảnh quay ở Phú Yên có cơ hội được “sống” với phim.

Núi Chóp Chài nhìn từ xa.

Chương trình "Điện ảnh với Phú Yên" còn có triển lãm với chủ đề “Bối cảnh quay phim độc đáo ở Phú Yên” không ngoài mục đích quảng bá, thu hút các nhà làm phim, thu hút các nhà đầu tư qua điện ảnh, góp phần đánh thức nhiều tiềm năng, giúp Phú Yên phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Dương Thanh Xuân - Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối