Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Phủ thêm cây xanh, chung tay chống sa mạc hóa ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú

(SGTT) - Hơn 100 cây xanh đã được trồng thêm vào cánh rừng ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú, Bình Thuận do Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia tổ chức. Hoạt động nhằm mục đích cải thiện đất, chống hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, bảo vệ an ninh nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vừa qua, ngày 6-9, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia) đã tổ chức chương trình “Việt Nam xanh hơn” lần thứ 6 tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú, với sự tham gia của gần 100 đại diện đến từ hơn 37 doanh nghiệp, Cục Lâm nghiệp, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước.

Hơn 100 người tham gia chương trinh "Việt Nam xanh hơn" lần thứ 6 được tổ chức tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú, Bình Thuận.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú, cho biết Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú được đánh giá là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn hơn 100 hécta đất trống trọc cần được phục hồi thành rừng.

"Việc trồng rừng ở Tà Cú giúp khôi phục những khu rừng nghèo, cải thiện các giá trị sinh thái rừng như hấp thụ CO2, giảm nhẹ tác động của thiên tai như cát bay, hạn hán...; đồng thời góp phần tạo ra ngôi nhà an toàn, khỏe mạnh cho các loài động vật. Chúng tôi đang làm việc với nhiều đối tác để phối hợp phủ thêm cây xanh ở nơi đây, trước đó chúng tôi đã tổ chức một số đợt trồng rừng ở nơi đây, hiện có hơn 6.400 cây đã được trồng trên diện tích 5,17 ha", bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập Gaia cho biết.

Loại cây được trồng tại Tà Cú lần này là cây giáng hương. Đây là loại cây được đánh giá là có khả năng chịu hạn tốt.

Cây sau khi trồng xuống đất sẽ được tuốt bỏ lá, nhằm để giảm bớt sự thoát hơi nước thông qua quá trình quang hợp của lá, giúp cho cây có thời gian phục hồi và phát triển phần rễ cây.
Chị Trần Thị Ngọc Trâm (ngụ quận 5, TPHCM) đang cùng bạn chụp ảnh lưu niệm với cây do tự tay chị trồng. Chị chia sẻ "Tôi có cơ hội vài lần được trồng cây ở một số nơi, mỗi chuyến đi đều mang đến cho bản thân một cảm xúc đặc biệt. Tôi cảm thấy rất ấn tượng với chuyến đi này, khi vùng đất khô cằn của Bình Thuận chỉ thấy toàn cát nhưng cây vẫn có thể sinh sôi được, tôi hy vọng cây của mình trồng sẽ sống tốt và có thể góp thêm một phần nhỏ giúp Việt Nam xanh hơn".
Theo đại diện của Gaia, Bình Thuận là một trong những vùng có lượng mưa thấp nhất trên cả nước, việc trồng cây ở đây cũng được Gaia và Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng để chọn các gống cây và phương pháp phù hợp. Theo đó, để giúp cây sinh trưởng tốt, đội trồng cây này đã sử dụng thêm hạt tích nước, hạt này có khả năng nở đến hơn 300 lần kích thược ban đầu và giữ được nước, nhờ đó mà cây sẽ được cung cấp nước ngay cả trong giai đoạn nắng nhất của Bình Thuận.
Trong 5 năm đầu, cây sẽ được Gaia giám sát và ghi nhận sự sinh trưởng. Cây sẽ được tưới nước và bón phân định kỳ để tăng khả năng phát triển.
Hơn 2.000 cây xanh đã được Gaia trồng tại Tà Cú.

Sau hơn 8 năm hoạt động, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia đã thực hiện hoạt động xã hội hóa trồng rừng với hơn 1 triệu cây xanh đã được trồng tại các Vườn Quốc gia Cúc Phương, Bến En, Mũi Cà Mau, Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Phong Điền, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối