Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Nữ sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt và hành trình ‘đi lên từ hai đầu gối’

(SGTT) – Dáng người nhỏ nhắn, di chuyển bằng hai đầu gối cùng đôi tay linh hoạt, thực hiện những ký hiệu đặc biệt dành cho người khiếm thính – Phạm Thị Thu Thủy (1997), sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, vẫn luôn từng ngày theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt.
Thu Thủy luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực và lạc quan. Ảnh: NVCC

Bị bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ khi vừa chào đời, Thu Thủy được nhận về nuôi nấng và chăm sóc tại trung tâm Tam Bình, Thủ Đức. Đến năm 12 tuổi, cô chính thức trở thành một phần của làng Hòa Bình – mái ấm dành cho người khuyết tật. Trong khoảng thời gian đó, Thu Thủy được đi học ở trung tâm dạy nghề tại Quận 3, chính nơi đây đã ươm mầm cho ước mơ trở thành giáo viên ngôn ngữ ký hiệu của Thủy.

Vẻ đẹp từ việc “đón nhận cuộc sống”

“Khuyết tật không phải là điều làm mình cảm thấy thiếu sót, tủi thân mà mình coi đó là động lực, là một trong những yếu tố khiến mình trở nên khác biệt hơn” – Thủy cười.

“Mình phải biết hài lòng với những gì mà mình đang có”

Trước khi có những suy nghĩ và góc nhìn tích cực, Thủy cũng từng đối diện với những mặc cảm, tự ti vì bị bạn bè trêu chọc. Giai đoạn cô nữ sinh chập chững bước vào cánh cửa đại học cũng là lúc Thủy bước ra khỏi “nhà”, môi trường của cộng đồng người có những khiếm khuyết giống mình.

Thủy kể “Lúc ấy mình thấy ai ai cũng bình thường mỗi mình là người khiếm khuyết, một thân lọt tọt đi giữa giảng đường rồi nhập học cũng đi một mình, không quen biết ai, chưa tiếp xúc với ai nên chưa có bạn bè, thầy cô giúp đỡ”.

Thời điểm đó, đôi đầu gối của Thủy vì đi lại quá nhiều mà bị viêm, phải di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn, may mắn chữa trị kịp thời nếu không sẽ dẫn đến hoại tử. Cô tâm sự: “Mình không còn ước mơ gì nữa, chân đau kinh khủng, mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào xe lăn. Mình đã vượt qua nó một cách không trọn vẹn, vì vết thương không thể lành được, lâu lâu vẫn nhức lên”. Dù vậy, cô luôn lạc quan suy nghĩ bản thân đã may mắn khi đã vượt qua nỗi đau đó, bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

Thủy nói “Mình phải biết hài lòng với những gì mà mình đang có”. Với cô sinh viên trẻ, vẻ đẹp thật sự là vẻ đẹp “đón nhận cuộc sống”, cô cho rằng nếu không thể thay đổi số phận thì hãy sống chung với nó, chấp nhận nó và coi nó như một phần rất bình thường của đời người.

Khuyết tật không phải là nỗi đau lớn nhất

Lúc còn ở trung tâm Tam Bình, chứng kiến những đứa trẻ khác có người đến thăm, Thu Thủy đã có khoảng thời gian tự hỏi về sự tồn tại của bản thân mình. Cô bộc bạch, khi cô còn là một đứa trẻ chưa đủ nhận thức và sự chín chắn trong tư duy, cô luôn dằn vặt mình với suy nghĩ “Tại sao ba mẹ lại sinh con ra trên đời?”.

“Từ nhỏ không có ba mẹ, đó là nỗi đau lớn nhất với mình chứ không phải là nỗi đau khiếm khuyết”

Trải qua những va vấp và có được nguồn năng lượng tích cực như hôm nay, Thủy vẫn luôn khát khao tình yêu của ba mẹ. “Từ nhỏ không có ba mẹ, đó là nỗi đau lớn nhất với mình chứ không phải là nỗi đau khiếm khuyết. Có thể mẹ đã có một nỗi khổ nào đó, hoặc cho dù mẹ không có nỗi khổ đi nữa thì cũng không sao, mẹ có thể làm tổn thương mình nhưng mình mang danh là con nên không thể làm tổn thương mẹ được”, cô nói.

Dù trưởng thành trong hoàn cảnh thiếu tình yêu thương, Thủy vẫn trở thành một người đầy cứng cỏi và nghị lực. Cô đăng ký duy nhất một nguyện vọng là Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Đi thi với ánh mắt kiên định cùng tâm thế “không thể không đậu”, Thủy đã trở thành sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt, từng bước chạm tới ước mơ.

Khi trở thành sinh viên, Thủy từng là chủ nhiệm của Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu, bên cạnh đó cô còn tích cực tham gia nhiều hoạt động khác như nghiên cứu khoa học (đạt giải Ba), dự án “Lan tỏa cảm xúc”, dự án “Khuyết” – vẻ đẹp không hoàn hảo…

Nguyễn Thị Thúy Nhi (1999), bạn cùng lớp thực tập với Thu Thủy, hóm hỉnh kể: “Nhìn vậy chứ Thủy là một “tay lái lụa”, thật sự việc bị khuyết tật không thể gây khó khăn trong việc Thủy hòa nhập, vui chơi trong cuộc sống hằng ngày, ngược lại Thủy còn thích giúp đỡ người khác và luôn nhận được sự yêu mến từ mọi người”.

Mơ… cho người khác

“Hoàn hảo hay không là do cách nhìn của mỗi người nhìn vào số phận đó như thế nào”

Ngoài ước mơ được gặp mẹ, những mong muốn khác của Thủy đều hướng tới cộng đồng, đặc biệt là người khiếm khuyết. Thủy tiết lộ rằng “Khi mình mới 14-15 tuổi đã cực kỳ thích ngôn ngữ ký hiệu. Bấy giờ mình đã ấp ủ suy nghĩ trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ này”.
Dù không học qua trường lớp bài bản nhưng Thủy rất “nhạy” với ngôn ngữ ký hiệu.

Các em học sinh vô cùng quý mến Thu Thủy. Ảnh: NVCC

Thời cô còn là học sinh trung học phổ thông được học cùng lớp với những bạn khiếm thính, có một số tiết không có thầy cô phiên dịch Thủy đã nhanh nhảu xung phong làm phiên dịch viên cho lớp. Thủy tiếp thu rất nhanh như thể rằng đây là “tín hiệu” của việc tương lai Thủy sẽ trở thành một nhà giáo ngôn ngữ ký hiệu.

“Mình mong sao ngoài truyền kiến thức mình còn có thể truyền cả năng lượng cho các em. Mình muốn các em biết việc người bình thường làm được thì người khuyết tật cũng có thể làm được” – Thủy chia sẻ.

Đi dạy ở trung tâm, Thu Thủy luôn được các em học sinh yêu mến, có em còn ra dìu cô vì nghĩ cô gặp khó khăn trong việc di chuyển. Thúy Nhi chia sẻ rằng Thu Thủy luôn cố gắng hoàn thành tốt những phần mình có thể làm. Hạn chế tối đa sự giúp đỡ đến từ người khác. Bên cạnh đó cô còn có tinh thần tự giác cao không để ai phải nhắc nhở hay phàn nàn về việc chuẩn bị các đồ dùng dạy học.

Kể về ước mơ năm 8 tuổi, Thủy cười “Hồi trước trung tâm Tam Bình có hai cơ sở, trong đó có một cơ sở của người bị nhiễm HIV, mình có khoảng thời gian ở cơ sở đó, dù rất ít, chưa tới một năm. Mình từng ước có thể bào chế được loại thuốc khiến cho người bệnh HIV khỏi bệnh, không phải chịu đau đớn và uống nhiều lần thuốc như vậy nữa”.

Đối với Thủy, những nỗi đau đã trở thành động lực, là bài học, là cơ sở để sống trọn vẹn hơn. “Hoàn hảo hay không là do cách nhìn của mỗi người nhìn vào số phận đó như thế nào, có niềm tin và lòng biết ơn đối với cuộc sống này. Một ngày mình được sống, mình được thở đã là một ngày tuyệt hảo”, Thủy nói.

Trúc Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng kéo dài, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị trường học...

0
(SGTT) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã đề nghị các trường điều chỉnh thời khoá biểu và các hoạt động để...

Ngành chip Đài Loan tìm kiếm nhân tài từ Việt Nam...

0
(SGTT) - Ngành chip Đài Loan đang chuyển trọng tâm sang thu hút sinh viên Đông Nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam,...

TPHCM sẽ ưu tiên vốn xây thêm 4.500 phòng học

0
(SGTT) - Từ đây đến năm 2025, TPHCM sẽ tập trung vào giải quyết những vướng mắc về quỹ đất, ưu tiên bố trí...

Mùng 3 Tết thầy

0
(SGTT) - Hơn 10 năm qua, lớp chủ nhiệm đầu tiên của thầy Lê Hữu Phúc vẫn giữ truyền thống "mùng 3 Tết thầy"...

Giấy chứng nhận nghề: cẩn trọng để không trở thành sự...

0
(SGTT) - Khi soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa quy định nhà giáo phải có giấy...

Đại học Nam Cần Thơ khánh thành khu thực hành du...

0
(SGTT) - Nhân kỷ niệm 11 năm thành lập, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) đã khánh thành Khu thực hành du lịch...

Kết nối