Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Nơi giáo dục gặp công nghệ

New York có thể xem là ví dụ điển hình của một thành phố ứng dụng công nghệ vào môi trường giáo dục, vì họ đã từng nuôi tham vọng này từ cách nay cả một thập kỷ.

Nhiệm vụ đầu tiên của thầy giáo Scott Larsen tại một lớp học ở thành phố New York có thể khiến một giáo viên kỳ cựu nhất cũng phải e ngại: hướng dẫn và quản lý lứa học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học tại buổi khiêu vũ do nhà trường tổ chức.

Không ngần ngại, thầy Larsen cho học sinh xem các đoạn video về những điệu nhảy nổi tiếng ngay trên máy tính của chúng. Sau đó, ông yêu cầu học sinh thực hiện lại những chuyển động cơ thể ấy bằng cách sử dụng một mô hình 3D tương tác trực tuyến.

Đó là bài giảng mà Larsen đã dạy cho học sinh hồi cuối mùa xuân vừa rồi và hoàn tất niên khóa tại trường Trung học Sunset Park ở Brooklyn, Mỹ.

Nataly Salvador, 11 tuổi, đang viết lời thoại cho vở kịch của lớp, diễn ở trường Sunset Park hồi năm 2012.
Nataly Salvador, 11 tuổi, đang viết lời thoại cho vở kịch của lớp, diễn ở trường Sunset Park hồi năm 2012.

Thí điểm

Nhiều năm qua, nhiều trường học trên toàn nước Mỹ đã và đang thí điểm tích hợp giảng dạy trực tuyến vào lớp học và cố bỏ hẳn hình thức dạy thêm học thêm một kèm một. Đến nay, New York đang gặt được những gì họ đã gieo.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, thành phố này được đầu tư 20 triệu đô la Mỹ để trang bị thiết bị và phần mềm nhằm tăng tính kết nối trong phòng học, và sẽ có thêm 650 triệu đô la ngân quỹ đầu tư trong vòng năm năm tới.

Hè năm nay là thời điểm cho các giáo viên tại đây bồi dưỡng nghiệp vụ về giáo dục trực tuyến, do các đối tác của thành phố thực hiện, trong đó có PBS, Google và Microsoft. Các khóa học này miễn phí cho giáo viên, có cả đào tạo trực tiếp và trực tuyến.

Đầu năm nay, Bộ Giáo dục Mỹ lập ra Viện Đào tạo hỗn hợp (Blended Learning Institute) để huấn luyện cho giáo viên các ngành khoa học, như thầy Larsen, biết cách áp dụng công nghệ trong giáo dục một cách có hiệu quả hơn. Năm nay, viện này mới chỉ tập trung vào mảng khoa học máy tính, và 60 giáo viên trung học được viện đào tạo sẽ bắt đầu áp dụng giáo trình mới vào mùa thu năm sau.

Nhưng chương trình này không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của nhiều trường học thí điểm nhiều mô hình khác nhau, từ mô hình nộp bài tập về nhà qua mạng cho đến giảng dạy hoàn toàn trực tuyến. Đôi khi, giáo viên phân phát máy tính bảng hoặc máy tính xách tay cho học sinh sử dụng trong lớp học và cấm sử dụng điện thoại di động.

Trong năm học 2011-2012, 124 trường học tại New York báo cáo là sử dụng chương trình đào tạo hỗn hợp, nghĩa là thỉnh thoảng dạy học qua mạng (ít nhất áp dụng thí điểm cho một lớp học). Năm nay, số lớp học thí điểm tăng gấp đôi và chương trình hỗn hợp tăng lên đến 260 trường, áp dụng cho hơn 27.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.

Nhóm ủng hộ giáo trình điện tử cho rằng giảng dạy một phần hoặc toàn phần trên mạng giúp cho học sinh học tập theo đúng tốc độ tiếp thu của từng người, có thể tiếp cận được nhiều tài liệu học tập và nhiều quan điểm đa chiều về một vấn đề hơn, có được tính linh động trong quá trình học tập như học khi nào, học như thế nào. Ngoài ra, cũng có những lợi ích khác về lâu về dài vì phương pháp ấy trang bị cho học sinh có được những kỹ năng cần thiết để bước vào thế kỷ 21 thiên nhiều về đời sống số.

Trong khi đó, nhóm người không ủng hộ cho rằng chỉ có vài nghiên cứu ủng hộ cho những ích lợi trên. Như bà Patricia Burch của trường Đại học Nam California, đồng tác giả của cuốn sách viết về điểm mạnh và rủi ro của giáo dục số, cho rằng có thể giảng dạy trực tuyến có những mặt tích cực nào đó nhưng chưa dễ dàng chuyển dịch để cải thiện đầu ra cho học sinh. Điều này rõ ràng là đúng nếu gia đình học sinh không có đủ điều kiện trang bị cho con cái máy tính xách tay và kết nối Internet tại nhà, vì có một sự phân chia tầng lớp trong xã hội số.

Ngoài ra, cũng có một vướng mắc khác. Thầy Larsen cho rằng hầu hết học sinh không thể hoàn thành được bài tập dựng mô hình 3D trên máy tính cá nhân của riêng chúng vì các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và điều kiện tài chính, vì thế học sinh phải thực hiện bài tập này theo nhóm. Máy tính xách tay được cấp cho lớp học không đủ tốt và mỗi năm trôi qua, trục trặc về phần cứng và phần mềm càng nhiều hơn.

Hiệu quả cho cả thầy lẫn trò

Trong khoảng thời gian 2002-2011, tiền đầu tư đổ vào cho công nghệ giáo dục trên toàn nước Mỹ tăng gấp ba lần. Cho đến năm nay, một số bang ở Mỹ yêu cầu học sinh phải học một khóa học trực tuyến nếu muốn tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các nhà quản lý giáo dục ở Mỹ cũng nhận ra rằng mô hình học trực tuyến này cũng giúp luân chuyển giáo viên dễ dàng hơn cho những trường đang thiếu nhân lực.

Với trường Trung học Brooklyn Tech, mặc dù 2/3 giáo viên sử dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến, như đăng tài liệu học tập lên trang web của lớp, theo dõi bài tập giao cho học sinh hoặc điều khiển các buổi thảo luận trong lớp qua cửa sổ chat thì học sinh vẫn không được khuyến khích mang máy tính xách tay vào lớp học. Theo một giáo viên thì điều quan trọng hơn là học sinh cần phải tập trung khi đến lớp, ghi chú và học một cách tích cực.

Còn với giáo viên trường Trung học Sunset Park, họ làm cách khác. Như trong một tiết học về khoa học hồi đầu năm nay, học sinh được phát mỗi người một máy tính xách tay để thiết kế ra một bảng infographic (thông tin bằng hình ảnh) về lốc xoáy. Giáo viên đi xung quanh lớp học để trả lời câu hỏi của học sinh, học sinh nắm được các dữ kiện về lốc xoáy và định dạng dữ kiện ấy thành từng bước rõ ràng, giúp người đọc nhìn vào để biết được cách bảo vệ bản thân. Bảng infographic hoàn tất sẽ được tải lên trang web của học sinh, là nơi chứa toàn bộ bài kiểm tra trong năm của mỗi người.

Ban đầu, khi trường Sunset Park áp dụng cách giảng dạy số thì có vài học sinh không muốn vì họ thích ghi chú bằng bút viết hơn là gõ vào máy tính. Nhưng khi áp dụng phương pháp giảng dạy này, nhà trường không còn gặp tình trạng học sinh quên bài tập về nhà vì mọi bài tập đều luôn có trên mạng. Do vậy, tính hiệu quả và trách nhiệm của học sinh được nâng lên cao hơn. Đến nay, hầu hết học sinh đều chấp nhận thay đổi cách học như vậy. Trường cũng nhận thấy có vài lợi ích rõ ràng khi áp dụng đào tạo số: nếu học sinh không theo kịp bài giảng thì có thể nhấn cho bài giảng lặp lại ở bất kỳ chỗ nào còn vướng mắc ngay trên thiết bị của mình. Các công cụ như giáo trình âm thanh giúp học sinh có thể vừa nghe lại bài giảng trên lớp, vừa làm được những việc khác như tập thể dục hoặc làm việc nhà.

Một cựu học sinh chia sẻ, nếu trên trường bạn không hiểu những gì mà thầy cô giảng, thì khi về đến nhà lật bài tập ra làm, bạn cảm thấy bất lực, bế tắc. Nhưng bây giờ, bạn chỉ việc gõ câu hỏi thì giáo viên có thể giúp đỡ ngay, và bạn không còn tự mò mẫm câu trả lời khi về nhà nữa.

Kim Ba

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng kéo dài, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị trường học...

0
(SGTT) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã đề nghị các trường điều chỉnh thời khoá biểu và các hoạt động để...

TPHCM sẽ ưu tiên vốn xây thêm 4.500 phòng học

0
(SGTT) - Từ đây đến năm 2025, TPHCM sẽ tập trung vào giải quyết những vướng mắc về quỹ đất, ưu tiên bố trí...

Mùng 3 Tết thầy

0
(SGTT) - Hơn 10 năm qua, lớp chủ nhiệm đầu tiên của thầy Lê Hữu Phúc vẫn giữ truyền thống "mùng 3 Tết thầy"...

Giấy chứng nhận nghề: cẩn trọng để không trở thành sự...

0
(SGTT) - Khi soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa quy định nhà giáo phải có giấy...

Đại học Nam Cần Thơ khánh thành khu thực hành du...

0
(SGTT) - Nhân kỷ niệm 11 năm thành lập, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) đã khánh thành Khu thực hành du lịch...

Đại học Nam Cần Thơ trao áo choàng trắng, truyền tải...

0
(SGTT) - Tối ngày 8-1, trường Đại học Nam Cần Thơ đã tổ chức Lễ trao áo choàng trắng và lời tuyên thệ của...

Kết nối