Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Những tác hại mà các “tín đồ” mì gói nên lưu ý

(SGTTO) - Mì ăn liền là món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon cũng như sự tiện lợi trong khâu chế biến. Điều mà nhiều người không nhận ra là tô mì nóng hổi hấp dẫn mà chúng ta vẫn thường ăn hằng ngày ở nhà, văn phòng hay ngoài hàng quán có chứa nhiều yếu tố tiềm ẩn gây nguy hại đến sức khoẻ.

Thông tin dinh dưỡng của mì ăn liền thường sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào từng loại sản phẩm, nhưng nhìn chung, hầu hết mì ăn liền đều có hàm lượng calo thấp và thiếu những chất dinh dưỡng quan trọng.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA MÌ ĂN LIỀN ĐẾN SỨC KHOẺ
Thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng

Không giống như mì ramen tươi của Trung Quốc hay Nhật Bản – vốn là những loại mì truyền thống được nấu cùng với nước súp và các nguyên liệu tươi nhiều dinh dưỡng như trứng, thịt, rau... mì ăn liền làm bằng bột mì được bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng dưới dạng tổng hợp như chất sắt và vitamin B để món ăn trở nên bổ dưỡng hơn. Tuy nhiên, mì ăn liền vẫn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần như protein, chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, magiê và kali.

Ảnh: productnation.co

Và khác với các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói như mì ăn liền cũng thiếu đi các chất chống oxy hoá và chất phytochemical – những chất có tác động tích cực đến sức khoẻ.

Chứa nhiều natri

Natri là khoáng chất rất cần thiết, hỗ trợ cho nhiều hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên, nạp quá nhiều natri trong khẩu phần ăn sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

Ảnh: engineering.stanford.edu

Cụ thể, một gói mì chứa khoảng 1.760mg natri, chiếm 88% lượng natri mà WHO khuyến nghị nên nạp vào cơ thể mỗi ngày (2g). Vì thế, việc ăn mì ăn liền mỗi ngày sẽ khiến cho lượng natri nạp vào cơ thể vượt quá khuyến nghị về sức khoẻ.

Chế độ ăn uống nhiều natri sẽ dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, bệnh tim, đột quỵ hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của tim và thận.

Chứa bột ngọt (MSG) và chất bảo quản thực phẩm (TBHQ)

TBHQ là một chất bảo quản được dùng phổ biến để kéo dài thời hạn sử dụng và ngăn không cho các thực phẩm đã qua chế biến bị hư hỏng. TBHQ được xem là an toàn với liều lượng rất nhỏ. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc tiếp xúc nhiều với TBHQ có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, làm tăng nguy cơ ung thư hạch bạch huyết và gây phì gan. Một số người tiếp xúc với TBHQ bị rối loạn thị lực và các nghiên cứu ống nghiệm chỉ ra rằng chất bảo quản này có thể làm hư hỏng DNA.

Ảnh: maangchi.com

Một nguyên liệu gây tranh cãi khác trong mì gói đó chính là bột ngọt (MSG) – chất phụ gia được sử dụng để tăng hương vị và làm cho món ăn ngon miệng hơn. Ăn nhiều bột ngọt có thể dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, suy nhược, đau thắt cơ bắp, nổi mẫn đỏ...

Một lượng rất nhỏ các chất phụ gia như TBHQ và MSG trong thực phẩm có thể không gây ảnh hưởng quá nhiều đối với sức khoẻ nhưng những người đặc biệt nhạy cảm với chất phụ gia như MSG nên tránh ăn mì gói hoặc các thực phẩm ăn liền khác.

CÓ NÊN TRÁNH ĂN MÌ ĂN LIỀN HAY KHÔNG?
  • Việc thỉnh thoảng ăn mì ăn liền sẽ không gây hại cho sức khoẻ của bạn. Tuy nhiên, ăn mì ăn liền thường xuyên sẽ dẫn đến chất lượng của chế độ ăn uống kém và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
  • Một nghiên cứu ở 6.440 người trưởng thành Hàn Quốc cho thấy những người thường xuyên ăn mì ăn liền có lượng protein, phốt pho, canxi, sắt, kali, niacin, vitamin A và vitamin C thấp hơn so với những người không ăn thực phẩm này. Những người thường xuyên ăn mì ăn liền cũng tiêu thụ ít rau, trái cây, các loại hạt, thịt và cá hơn đáng kể.
  • Ngoài ra, ăn mì ăn liền thường xuyên có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá – một nhóm các triệu chứng bao gồm chất béo dư thừa ở bụng, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, và nồng độ lipid máu bất thường. Do đó, bạn nên hạn chế ăn mì ăn liền và không nên dùng mì ăn liền để thay thế các bữa ăn một cách thường xuyên.

K.P.

Theo Healthline

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối