Chủ Nhật, Tháng Mười 6, 2024

Những điều cần biết về môn chơi mạo hiểm ở suối, rừng, thác, núi tại Việt Nam

(SGTT) – Là những môn chơi mạo hiểm còn khá mới mẻ tại Việt Nam, vượt thác, leo núi, thả trôi giữa sông, trekking ven suối… được nhiều bạn trẻ quan tâm và chọn để thử thách bản thân mình. Tuy nhiên, để thỏa mãn niềm vui này một cách an toàn thì người chơi cũng cần nắm một số quy tắc cơ bản.

Tiết ra hoocmon hưng phấn

Được đánh giá là những môn chơi mạo hiểm ở các địa hình, địa thế đặc trưng, bất kỳ ai tham gia môn chơi đi bộ xuyên núi (trekking), leo núi đá (rock climb), khám phá núi bằng cách đu dây từ trên cao xuống (abseiling), hay vượt thác, khe suối bằng kỹ năng chèo thuyền, đu dây, nhảy thác (cayoning) đều phải có sự theo sát cũng như chỉ dẫn từ người hướng dẫn, giám sát giữ an toàn trong khi chơi.

Anh Nguyễn Quốc Đại Nguyên, 30 tuổi, hiện đang sinh sống ở Đà Lạt và là một hướng dẫn viên các môn chơi mạo hiểm, cho biết chính niềm đam mê với những môn chơi có tính chất hoang dã đã giúp anh chinh phục nhiều cảnh đẹp và thỏa mãn những cảm xúc trước giờ chưa bao giờ có.

Cắm trại ở Đà Lạt. Ảnh: NVCC

Anh cho biết cơ duyên đến với công việc của một người hướng dẫn tự do xuất phát từ sở thích hồi còn sinh viên. “Lúc đó tôi hay đi leo núi Bà Đen với bạn vào cuối tuần, dần dần đi nhiều quá nên khỏe ra và anh em thường xuyên leo cũng quen mặt nên tôi có “tiếng” trên đó. Sau một thời gian, tôi có duyên gặp anh Phan Thanh Nhiên, là người trẻ tuổi đầu tiên leo đỉnh Everest, cũng là người Việt Nam duy nhất hai lần chinh phục đỉnh này đã đào tạo tôi làm người hướng dẫn, giữ an toàn cho người leo núi”, anh tâm sự.

Trải nghiệm cayoning ở Đà Lạt. Ảnh: NVCC

Bằng niềm say mê và nhiệt huyết từ người thầy của mình và cả câu chuyện thú vị từ hành trình anh Thanh Nhiên đi qua, anh Đại Nguyên dường như được đánh thức “máu trải nghiệm” bên trong để khám phá những điều mới lạ. Anh đã tìm hiểu thêm nhiều môn thể thao mạo hiểm khác và bén duyên với công việc hướng dẫn từ đó đến nay.

Sau lần gặp gỡ với đội hướng dẫn môn chơi mạo hiểm (Guide Adventure) ở Đà Lạt khi đi cứu hộ cho Tà Năng – Phan Dũng, anh Đại Nguyên quyết định chuyển lên Đà Lạt phụ làm tour và trở thành guide ở địa phương này.

Những buổi tối thư giãn tại thành phố sương mù. Ảnh: NVCC

Anh tâm sự “Sở dĩ tôi yêu thích thể thao mạo hiểm là vì khi mình đối đầu với những hiểm nguy thì cơ thể tiết ra chất Adrenaline giúp cơ thể hưng phấn, tất cả giác quan phát huy tốt hơn và giúp tôi tỉnh táo, nhanh nhạy hơn để đối đầu với nó”.

Chèo SUP ở Tà Đùng. Ảnh: NVCC

Hiện tại ở Đà Lạt, anh đang làm huấn luyện viên trực tiếp các môn như abseiling, trekking, chèo SUP, chèo Kayak và môn cayoning, đạp xe kết hợp cắm trại… tùy thuộc vào lựa chọn của người trải nghiệm môn chơi khi đến đây.

Lưu ý tuyệt đối quy tắc an toàn

Ở Việt Nam, anh Đại Nguyên đánh giá các môn chơi mạo hiểm đang dần trở nên phổ biến và quen thuộc hơn vì tính khám phá của nó. Trekking thì phát triển mạnh ở ba miền vì khu vực nào cũng có địa hình núi, cung đường đẹp. Cayoning thì không phát triển lắm vì yêu cầu kỹ thuật và trang bị khá nhiều, đi kèm độ dày dặn kinh nghiệm của người huấn luyện, nên hiện chỉ có ở Sapa, Lâm Đồng và Quảng Bình có tổ chức môn chơi này.

Môn cayoning kết hợp với đu dây vượt thác. Ảnh: NVCC

Về môn leo núi (rock climb) thì leo trong nhà và ngoài trời đều được phân bổ khắp nơi, phát triển trong cộng đồng người yêu thích leo núi là chính, còn môn chơi abseiling thường có mặt ở các nơi tổ chức leo núi và cayoning.

Cụ thể, trekking có thể gọi là đi bộ xuyên rừng núi, hình thức du lịch dã ngoại mạo hiểm ngắn ngày hoặc dài ngày ở những nơi hoang dã. Những chuyến trekking thường không có sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải chủ động đem theo. Còn môn rock climb hay còn được gọi là leo núi đá, trong đó người tham gia leo lên và leo xuống hoặc băng qua các bức tường đá tự nhiên, nhân tạo để chinh phục mục tiêu đến đỉnh của một địa hình hoặc điểm cuối của tuyến đường đã được xác định trước mà không bị ngã.

Một đợt huấn luyện kỹ năng môn chơi cayoning. Ảnh: NVCC

Abseiling hay còn gọi là rappelling là một bộ môn tương tự leo núi nhưng thay vì leo xuống thì môn này người chơi sẽ tụt xuống từ trên cao bằng một sợi dây. Cuối cùng cayoning là môn chơi vượt thác, khe suối nằm ở các khe núi hiểm trở bằng nhiều cách kết hợp như bơi, chèo thuyền, đu dây, nhảy thác, đi bộ, leo trèo...

Gắn liền với trải nghiệm thể thao mạo hiểm luôn là những quy tắc an toàn, trong mọi cuộc chơi, anh Đại Nguyên và bất kỳ người tham gia nào cũng phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Đầu tiên, người chơi phải tuyệt đối nghe theo chỉ định của huấn luyện viên, phải lắng nghe và lưu ý những kỹ năng cần thiết của từng bộ môn trước khi đăng ký tham gia. Tiếp theo, mỗi môn chơi khác nhau sẽ có trang thiết bị an toàn khác nhau như áo phao với môn dưới nước, đồ bảo hộ với môn trên cạn.

Những môn chơi thể thao mạo hiểm dành cho người trên 18 tuổi. Ảnh: NVCC

Lưu ý riêng với những người tham gia các bộ môn trên phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh tim mạch, hô hấp, xương khớp. “Những bệnh này sẽ gây nguy hiểm khi chơi quá sức hoặc không đem theo thuốc đặc trị. Người chơi có thể lựa chọn mức độ khó, dễ của bộ môn thể thao mình tham gia sao cho vừa sức, điển hình như trekking sẽ có cung đường đi bộ từ dễ đến khó”, anh Đại Nguyên nhấn mạnh.

Anh Nguyên leo núi ở Cát Bà. Ảnh: NVCC

Anh Nguyên nói thêm để trở thành một huấn luyện viên các môn thể thao mạo hiểm, anh đã tham gia nhiều khóa học bơi lội, cứu hộ đuối nước, tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn leo núi thể thao và hoàn thành các chứng chỉ sơ cấp cứu, nắm vững kiến thức về sơ cứu khi có chấn thương, thuốc men, trang thiết bị y tế phù hợp để giúp đỡ người tham gia khi xảy ra sự cố.

Chuyến đi trekking kết hợp với cắm trại. Ảnh: NVCC

Theo anh Nguyên, một người hướng dẫn luôn là người đồng hành cùng người chơi vượt qua những khó khăn để chinh phục đích đến. “Những thử thách thường thấy ở người chơi chủ yếu là tâm lý. Họ đã làm nửa chừng nhưng sợ không đi tiếp được nữa thì tôi sẽ trấn an, giúp họ bình tĩnh và cổ vũ tinh thần. Trường hợp cuối cùng sẽ là giải cứu người chơi nếu bị mắc kẹt”, anh chia sẻ.

Cayoning ở Quảng Bình. Ảnh: NVCC

Anh Nguyên mong muốn những cảnh đẹp ở Việt Nam sẽ đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn về kỹ thuật và trang thiết bị để phát triển hơn các môn chơi này.

“Hiện tại, tôi và một số thành viên bên hội hang động có chuyên môn đang hỗ trợ đào tạo kỹ thuật về cayoning và abseiling (caving). Tôi hy vọng là sau này sẽ có thêm một lựa chọn cho những bạn thích trải nghiệm thể thao mạo hiểm khi đến đây”, anh nhấn mạnh.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giải chạy phong trào ngày càng chú trọng vào chất lượng

0
(SGTT) – Hiện nay không khó để tìm các giải chạy phong trào tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau. Tuy vậy, trong...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Gợi ý 5 cung đường hiking khám phá Nhật Bản cho...

0
(SGTT) - Nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Nhật Bản, thì hoạt động đi bộ đường...

Lên Đắk Lắk trekking đồi cỏ Pal Sol

0
(SGTT) – Đồi cỏ Pal Sol là điểm trekking “mới nổi” ở Tây Nguyên, nằm giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai,...

Đến Đồng Nai, trải nghiệm cắm trại bên hồ Gia Ui

0
(SGTT) – Nằm tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hồ Gia Ui là điểm cắm trại, ngắm cảnh được nhiều...

Cắm trại ở Sâu Chua, bản nhỏ chưa nhiều du khách...

0
(SGTT) – Cách trung tâm thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai khoảng 10km, Sâu Chua là một bản nhỏ, chưa được nhiều du...

Kết nối