Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Những chiếc cọ giữ màu thời gian

(SGTT) – Trước những công nghệ in ấn, kỹ thuật đèn led, nghề vẽ bảng quảng cáo bằng cọ gần như mai một. Thế nhưng, ở TPHCM vẫn còn những người miệt mài làm việc cố gắng giữ lửa nghề.

40 năm gắn bó với nghề vẽ bảng quảng cáo

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại bảng hiệu quảng cáo với nhiều chất liệu như bảng hiệu mica, bảng hiệu hộp đèn, bảng hiệu đèn led.

Tuy nhiên, trước khi có những bảng hiệu hiện đại như ngày nay thì ở những thập niên trước, chủ cửa hàng thường thuê người vẽ bảng quảng cáo tên thương hiệu của mình để thu hút sự chú ý của mọi người khi cửa hàng mới khai trương hay làm nổi bật thương hiệu của quán.

Một trong những người vẽ quảng cáo với cọ và sơn dầu bằng tay còn làm nghề ở TPHCM hiện nay, là ông Nguyễn Thế Minh hay còn được gọi với cái tên Hoài Minh Phương (bút danh thời làm thơ), năm nay đã ngoài 70 tuổi.

Ông Minh đang trau chuốt cho một bảng hiệu quảng cáo.

Tiệm của ông Minh nằm trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TPHCM). Tiệm của ông khá nhỏ, diện tích khoảng hơn 20m². Tuy nhiên, cửa tiệm luôn được người đi đường chú ý mỗi khi đi ngang, vì có một biển hiệu được vẽ bằng tay một cách trau chuốt . Đây vừa là tiệm vừa là nhà, cũng là nơi ông lưu giữ và duy trì niềm đam mê hội họa của mình.

Diện tích tiệm tuy nhỏ, nhưng khi khách hàng bước vào trong sẽ đôi phần choáng ngợp trước những cọ vẽ, màu sơn đủ loại và không thể thiếu những bảng hiệu đang chờ hoàn thiện giao cho khách đặt.

Bồi hồi kể về những ngày khi mới bắt đầu tìm hiểu và học về hội họa của mình, ông Minh cho biết vào những năm chỉ mới 14 tuổi khi còn đang là học sinh, ông may mắn khi được tiếp xúc và học nghề từ hai họa sĩ mà theo ông là những người đã gieo và tiếp lửa để ông nuôi lớn thêm đam mê hội họa của bản thân là họa sĩ Hoa Huệ và họa sĩ Vũ Trọng Hợp.

Qua những hướng dẫn và chỉ dạy của hai người thầy, ông dần hiểu rõ hơn về hội họa và vững tay cọ hơn với những kỹ năng mỹ thuật để trở thành họa sĩ, cái nghề mà ông cũng coi đó là cái “nghiệp” ông mang.

“Anh phân nửa, phần em phân nửa. Hai nửa trời thương nhớ ngập hồn”, vừa ngâm hai câu thơ do chính bản thân sáng tác, người họa sĩ tiếp tục trải lòng với chuyện nghề của bản thân. Ông cho rằng khi học hội họa, hai yếu tố cần phải có để trở thành một họa sĩ chính là sự sáng tạo và tính cần mẫn. Người vẽ phải có ý tưởng mới hoàn toàn và không được trùng lặp khi nhận đơn vẽ một bảng hiệu cho khách.

Bao gồm trong đó là những kỹ năng về phân chia bố cục, cách đi cọ, nét cọ đôi khi phải mềm mại, có lúc phải cần độ cứng, những hình vẽ, chữ vẽ phải có hồn và phảng phất nét thơ, nét xưa lẫn sự hiện đại của cuộc sống.

Bảng quảng cáo vẽ bằng tay của họa sĩ Nguyễn Thế Minh vẫn sắc nét qua nhiều năm tháng.

Do bảng quảng cáo vẽ tay có độ bền cao, có thể chịu được mưa nắng và trụ vững với thời gian, nên trước kia được nhiều người tìm đến đặt vẽ. “Có lần đi trên đường, tôi cảm thấy vui và xúc động lắm khi nhận ra một bảng quảng cáo mình vẽ cách đây 10 năm về trước, nhận ra bởi vì vẽ bằng cọ luôn mang đậm một chất riêng, độc đáo, bền bỉ hơn so với dán bằng decal và nét vẽ của mình thì không thể nhầm lẫn được”, ông Minh cười nói.

Một sản phẩm khi hoàn thiện sẽ được ông Minh tính giá khoảng 700.000 đồng/m² và với những yêu cầu kỳ công hơn giá sẽ khác. Tuy nhiên, để hoàn thành nó người vẽ phải bỏ ra không ít công sức và tâm huyết được ghi dấu trên từng con chữ, hình vẽ.

Mỗi bức vẽ đều phải tỉ mỉ và cẩn thận từng chút một để không làm khách hàng thất vọng. Bởi lẽ, khi khách hàng đã tìm đến để đặt biển bảng hiệu thủ công thì họ đều có cái nhìn tinh xảo về nghệ thuật.

Ngày nay, công nghệ in ấn, các công nghệ về quảng cáo bằng màn hình led phát triển một cách nhanh chóng, nên nghề vẽ quảng cáo của ông dần bị lãng quên vì không theo kịp.

“Trước đây khi vẽ bằng cọ, sơn dầu trên bảng kẽm người thợ dùng cả tất cả các tâm huyết để có thể hoàn thành trong vài ngày, thì nay bảng quảng cáo được in ra nhanh chóng và chỉ mất vài giờ qua các công nghệ in ấn tiến tiến. Tuy nhiên, vì yêu nghề, yêu cái màu thời gian, tôi vẫn muốn gắn bó với nghề dù gặp vô vàn khó khăn”, ông Minh chia sẻ.

Chợt suy tư về tương lai của nghề vẽ quảng cáo bằng tay sẽ không được nhiều người tiếp nối nhưng ông lại vui khi một trong số con trai của ông đã nối nghề mình.

Người trẻ nối nghề theo cách hiện đại hơn

Hiện nay, có rất nhiều các bạn trẻ được học và đào tạo bài bản về hội họa, mỹ thuật từ các trường lớp chuyên nghiệp. Chị Đỗ Thị Thanh Hằng, tốt nghiệp ngành thiết kế trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, hiện đang là một họa sĩ tự do cũng có niềm đam mê với việc vẽ quảng cáo.

Bằng việc kết hợp giữa nét xưa cổ điển và yếu tố hiện đại của công nghệ trong công việc, chị Hằng nhận được nhiều dự án từ nhiều nơi. Khách hàng của chị thường là các chuỗi nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, muốn đề cao giá trị của thương hiệu thông qua một biển quảng cáo vẽ bằng tay hay trang trí, cải tạo lại không gian quán theo một phong cách xưa cũ.

Một yếu tố khác để khách hàng tìm đến vẽ bảng quảng cáo, vẽ trang trí quán được vẽ bằng tay là do tác phẩm sẽ có độ bền chắc cao hơn và người vẽ thì tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất.

Khách hàng dễ hàng lựa chọn bảng hiệu phong cách xưa phù hợp trên bản vẽ.

Trước khi nhận vẽ một bảng quảng cáo hay trang trí lại quán theo yêu cầu, chị Hằng luôn tư vấn một cách tỉ mỉ nhất cho đối tác với nội dung về ý tưởng, tính thẩm mỹ, màu sắc và sắp xếp mọi thứ theo một cách khoa học nhất, để đáp ứng được mọi nhu cầu từ khách.

Bên cạnh đó, người họa sĩ vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc về sự hài hòa để tạo sự cân bằng trong không gian, đảm bảo quy luật nhịp điệu, nhấn nhá với quy luật tương phản, phân chia tỷ lệ hợp lý, chú trọng đến quy luật tương xứng. Qua đó, vừa đảm bảo đúng theo yêu cầu của khách vừa giữ được “chất” riêng trong nét họa của mình.

Tuy nhiên, bằng sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, chị Hằng cũng như các họa sĩ, nhà thiết kế hiện nay có thể vẽ trên máy và in ra trước, nhằm đảm bảo tối ưu độ chính xác về kích thước, màu chữ, kiểu chữ và nội dung ý tưởng. Mỗi thiết kế cho khách sẽ được phác thảo và chỉnh sửa nhiều lần sao cho thành phẩm hoàn thiện và phù hợp nhất.

“Bạn bè mình ai cũng nói mình học đúng ngành và được làm đúng nghề mình yêu thích, nhưng thực sự mình không coi đây nghề, mà là đó là một thứ gì đó phát ra một cách tự nhiên có sẵn trong con người mình”, chị Hằng chia sẻ.

Một quán cà phê được chị Hằng trang trí theo phong cách xưa.

Những ngày đầu khi làm nghề vẽ quảng cáo, lần đầu vẽ chữ rồi canh dòng không chính xác, màu sắc ko đúng, kiểu chữ không theo yêu cầu, đôi khi vẽ gần xong rồi lại phải xoá đi vẽ lại giữa trưa nắng. Tuy nhiên, đó cũng là những kinh nghiệm xương máu giúp chị tay cầm cọ, tay cầm sơn vững vàng và cận trọng hơn trong công việc.

Mới đây, chị Hằng cũng các bạn trong nhóm của mình vừa hoàn thành xong dự án vẽ quảng cáo, trang trí cho một chuỗi cà phê nổi tiếng với hàng trăm chi nhánh từ Hà Nội đến TPHCM. Chị Hằng cho biết hiện tại mức lương của nghề có thể nói là khá hấp dẫn, khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, thậm chí còn cao hơn tùy tay nghề.

Không chỉ dừng lại ở công việc nhận vẽ quảng cáo, thiết kế trang trí không gian, chị Hằng còn đang ấp ủ nhiều dự tính mới trong tương lai như sáng tác tranh, vẽ phong cổ nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa Việt.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề