(SGTTO) – Những bóng áo vàng ngày ngày dõi mắt theo từng người tắm biển, họ mong biển và mọi người yên bình như chính người thân của họ vậy.

Bắt đầu công việc mỗi ngày từ 5:00, khi những người dân và du khách đầu tiên xuống tắm biển tại các bãi biển ở Đà Nẵng, gần 100 nhân viên thuộc đội cứu hộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thay phiên nhau theo từng ca trực. Vài trăm mét trên bãi biển lại thấy bóng những nhân viên cứu hộ, những người đi tắm biển thấy yên tâm hơn.

Đội cứu hộ nơi cửa biển

Ngày nào cũng vậy, bất kể mùa nắng hay mùa mưa, các thành viên trong đội cứu hộ (thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) dầm mình giữa nắng gió hay mưa lạnh để đem lại sự an toàn cho người dân và du khách xuống tắm biển. Mùa hè là mùa cao điểm, các bãi biển ở Đà Nẵng có hàng ngàn du khách đến tắm và vui chơi nên công việc của đội càng thêm vất vả. Thời điểm này sau dịch bệnh nên bãi tắm vắng vẻ hơn, lượng người xuống tắm biển giảm nhiều nhưng không vì thế các thành viên đội cứu hộ lơ là.

Nhắc nhở những người tắm biển vị trí an toàn. Ảnh: Minh Ngọc

Anh Đặng Văn Thành, thành viên đội cứu hộ, cho biết: “Mỗi sáng sớm, các anh em trong đội lại chia nhau kiểm tra các khu vực nguy hiểm để thả dây phao, cắm bảng để hướng dẫn khách tắm nơi an toàn. Sau đó, công việc là đi tuần tra, bảo vệ và nhắc nhở người dân lẫn du khách tắm biển để khỏi xảy ra sự cố đáng tiếc”.

Mỗi ngày như vậy, công việc của họ tưởng chừng đơn giản. Nhưng không, công việc của các thành viên đội cứu hộ là quan sát, nhận diện dòng chảy, ước chừng độ sâu và các xoáy nước để căng dây phao và cắm cọc phân vùng biển tắm an toàn cho du khách.

Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với du khách tắm biển, đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng luôn tạo ra những vùng tắm an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách. Những dòng chảy, những xoáy nước không cố định mà thay đổi theo ngày, theo giờ nên việc kiểm tra các khu vực nước xoáy, nước sâu, cắm cờ cảnh báo để chia các khu vực tắm an toàn trước khi bắt đầu một ngày trực, và trong cả ca trực là không hề đơn giản nếu không có kinh nghiệm.

Và tất cả những công việc ấy, các thành viên của đội cứu hộ phải làm việc bằng trách nhiệm và lương tâm của mình. Các anh vào nhận ca khi trời còn tối thẫm, mờ sương và chỉ trở về khi không còn người dân tắm biển.

Ngoài tăng cường công tác ứng trực, giám sát, lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng cũng đưa ra một số khuyến cáo để du khách không gặp rủi ro khi vui chơi tắm biển như: không sử dụng quá nhiều rượu bia trước khi tắm biển, khởi động kỹ trước khi xuống biển và đặc biệt trẻ em khi xuống biển cần có người lớn đi kèm hoặc phải mang áo phao.

Trên bờ, những người cứu hộ dõi mắt theo từng du khách để có thể phản ứng kịp thời nếu có dấu hiệu lạ. Ảnh: Minh Ngọc

Gần một nửa nhân viên trong đội cứu hộ là những người trên 40, 50 tuổi, đã gắn bó với công việc nhọc nhằn, hiểm nguy này từ ngày đội mới thành lập. Công việc kéo dài đến 10 tiếng mỗi ngày nên tất cả các thành viên thuộc đội cứu hộ đều có làn da cháy nắng.

Anh Phạm Vũ Lâm, một thành viên trong đội cứu hộ, cho biết ngoài kỹ năng bơi lội thành thạo, tất cả các thành viên trong đều được tập huấn và thi sát hạch nghiệp vụ mỗi 3 tháng/lần. Ngoài ra, các thành viên cũng được học tập nâng cao tại nước ngoài với các chuyên gia đến từ Anh, Úc… để cả đội đều tự tin mỗi người đều có nghiệp vụ tốt và tinh thần trách nhiệm cao với công việc.

Những “rái cá” cho bãi biển bình yên

Đội cứu hộ biển Đà Nẵng hình thành năm 1999, bắt đầu hoạt động bài bản, chuyên nghiệp từ năm 2010. Hiện nay đội có gần 100 người, chia 18 tổ và cơ động khắp trên các bãi tắm Xuân Thiều, Nam Ô, Thanh Bình, Tiên Sa, Mỹ Khê, Non Nước… với chiều dài gần 30km bờ biển với các bãi tắm rộng.

Những bóng áo vàng trên biển xanh khiến người đi tắm biển yên tâm hơn. Ảnh: Minh Ngọc

Họ bắt đầu công việc từ 4:30 đến khoảng 9:00 và từ 15:00 đến 19:00. Khi thấy những bóng áo vàng bên bờ biển, nhiều du khách và người dân đã cảm thấy an tâm hơn khi luôn được đảm bảo an toàn bởi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp tại đây.

Trước khi đội cứu hộ chuyên nghiệp này được thành lập, theo thống kê mỗi năm các bãi tắm biển ở Đà Nẵng có từ 4-7 trường hợp đuối nước. Những năm gần đây, biển Đà Nẵng hầu như không có người bị đuối nước dù không hiếm trường hợp bị sự cố, hay những du khách bị sóng cuốn ra xa, những du khách gặp nguy hiểm khi tắm đêm…

Khổ nhất là gặp những người đã nhậu say nhưng vẫn xuống tắm biển. Các thành viên đội cứu hộ nhắc nhở nhưng họ vẫn không chấp hành. Dù vậy, đội cứu hộ vừa chèo thúng đi theo, vừa quan sát, vừa nhắc nhờ đến khi nào họ lên bờ mới thôi.

Hầu hết những nhân viên cứu hộ là con em của ngư dân địa phương nhiều năm gắn bó với biển cả. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa đây là công việc dễ dàng với những con người dạn dày kinh nghiệm, thậm chí có những trường hợp cứu nạn có thể khiến họ nguy hiểm đến tính mạng.

Đối mặt với biển cả, với những con sóng, có những lúc phải trân mình giữa trời nắng 5- 6 tiếng đồng hồ để theo dõi, quan sát hoạt động tắm biển của khách, nếu có sự cố, những thành viên đội cứu hộ sẵn sàng lao xuống biển nếu nạn nhân gặp nạn, bấp chấp sống biển hung dữ đến đâu.

Với những thành viên đội cứu hộ này, đó không hẳn chỉ là nghề nghiệp, mà còn là trách nhiệm với biển cả, với cộng đồng. Hình ảnh những người mặc áo vàng, dõi mắt ra biển, chèo thúng, thổi còi… đã trở nên quá quen thuộc với người dân địa phương và du khách khi đến biển Đà Nẵng. Nhờ có các anh, biển Đà Nẵng thực sự yên bình và trở thành điểm đến lý tưởng với du khách.

Các thành viên trong đội cứu hộ vẫn thường kể chuyện về anh Trần Xuân Thọ, là người nổi bật trong đội nhờ thành tích cứu người. Trung bình mỗi năm, lực lượng cứu hộ ứng cứu khoảng 300 trường hợp gặp nguy hiểm khi đang tắm biển. Dù công việc áp lực hơn mỗi khi Đà Nẵng bước vào mùa du lịch biển, nhưng với tinh thần trách nhiệm và cách làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ cứu hộ, những năm qua biển Đà Nẵng vẫn luôn là một điểm đến an toàn.

Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng đội cứu hộ, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, chia sẻ: “Đội cứu hộ không chỉ phục vụ người dân và du khách trong mùa cao điểm du lịch, mà ngay cả những ngày biển động, lực lượng cứu hộ vẫn phải tăng cường nhân sự để trực 100%, vừa nhắc nhở người dân và du khách về sự nguy hiểm, đồng thời cứu hộ cứu nạn những tình huống khẩn cấp. Tất cả các thành viên cố gắng để phục vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng tại biển Đà Nẵng”.

Không chỉ cứu hộ, các thành viên trong đội còn trở thành những hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Hiểu biết về biển cả, nắm được những hoạt động tại các bãi tắm, cũng như sự thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ người dân và du khách khiến nhiều thành viên trong đội được yêu mến. Có những lúc, các anh hướng dẫn cho du khách nhiệt tình từ nơi ăn chốn nghỉ, cách đi lại trong thành phố để an toàn, chụp hình cho du khách để họ lưu lại những bức ảnh và tình cảm đẹp về thành phố bên bờ biển này.

Những thành viên trong đội cứu hộ thi thoảng lại nhận được những lá thư cảm ơn từ những người được cứu. Và với các anh, đó là lời động viên đáng quý nhất cho công việc đầy hiểm nguy này.

Hiện tại, mức thu nhập từ nghề cứu hộ trên biển chỉ chừng 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, anh em rất yêu nghề, bám biển. Vượt qua tất cả những khó khăn và nguy hiểm, những thành viên trong đội cứu hộ mỗi ngày đã góp phần xây nên thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng an toàn như hiện tại.

Minh Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây