Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Nhu cầu mua máy oxy, máy thở tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy

Do tâm lý lo lắng quá mức nên trong thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhiều người tiêu dùng đổ xô đi mua bình oxy, máy tạo oxy và máy thở để dự trữ và sẵn sàng dùng tại nhà kéo theo nhiều hệ lụy.

Mặc dù các chuyên gia y tế đã có cảnh báo việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng nhưng sự gia tăng nhu cầu đã góp phần đẩy giá các trang thiết bị nêu trên lên gấp nhiều lần trên thị trường, kéo theo nhiều nguy cơ rủi ro.

Nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đang muốn đóng góp thiết bị, phụ kiện y tế cho bệnh viện tại TPHCM cũng như các cơ sở điều trị Covid-19 nhưng việc tìm mua bình oxy, máy tạo oxy hay máy thở không phải là điều dễ dàng khi các mặt hàng này đang tăng giá nhanh. Trong ảnh là hoạt động của Chương trình ATM Oxy tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Á

Hai tuần qua, ứng dụng tin nhắn Messenger của anh N.P. Quốc tràn đầy các tin nhắn liên hệ từ các cá nhân, tổ chức thiện nguyện để kết nối mua máy thở tài trợ cho các bệnh viện. Quốc là một luật sư kiêm giám đốc một công ty tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có văn phòng tại quận 1 (TPHCM).

Do có mối quan hệ với một doanh nghiệp thiết bị y tế chuyên bán máy thở xâm nhập và không xâm nhập nên Quốc biết được thông tin về nguồn hàng có sẵn của doanh nghiệp, với các loại máy có giá từ vài chục triệu cho tới vài trăm triệu đồng, nguồn hàng nhập từ các hãng Yuwell, Wellmed, Kaneko của Trung Quốc cho đến các hãng Mekics (Hàn Quốc) Resmed (Úc), Draeger (Đức), Covidien (hãng sản xuất của Mỹ có trụ sở chính tại Ireland). Quốc cho biết anh ưu tiên làm việc cùng các tổ chức đang tìm nguồn hàng máy thở để hỗ trợ cho các bệnh viện và đàm phán để nhà cung ứng có chính sách ưu đãi cho bên mua.

Câu chuyện của Quốc không phải là cá biệt, khi nhu cầu mua các loại máy thở, bình oxy cùng máy tạo oxy tăng cao đột biến trong thời gian gần đây, đặc biệt tại TPHCM và Hà Nội.

Ông T.T. Minh, một nhà sản xuất thiết bị nội thất và nhóm bạn là các doanh nhân tại TPHCM cho biết những ngày qua, nhóm tìm mua các thiết bị và bình chứa oxy để trao tặng các bệnh viện và cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, đây là một hành trình khó khăn của cả nhóm, một phần do giá thành sản phẩm bị đầy lên quá cao. Bình thường, một bộ van nối, có đồng hồ đo và ống thở, có giá chưa đến 300.000 đồng/bộ nhưng hiện tại đã được đẩy lên từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/bộ. “Có nơi, nhà cung ứng đưa giá bán bộ này là 2 triệu đồng/bộ khi biết chúng tôi mua để tặng. Họ nghĩ những người làm thiện nguyện là những người giàu có, họ hét giá bất chấp”, ông chia sẻ.

Theo ông Minh, nhiều nhà cung ứng lấy lý do hoạt động vận chuyển khó khăn nên giá thành sản phẩm tăng cao nhưng với kinh nghiệm kinh doanh lâu năm, ông biết những thiết bị như van nối đa phần sản xuất tại Trung Quốc, nhập về Việt Nam không mất quá nhiều thời gian.

Ông và các bạn đã có sự tìm hiểu thông tin từ các nguồn hàng tại Trung Quốc và được biết giá bán không tăng so với trước đây nhưng khi về đến Việt Nam, các thiết bị này được chào bán mỗi nơi mỗi giá nhưng mức thấp nhất là gấp 4 lần so với giá gốc.

Cán bộ y tế vận hành chạy thử thiết bị máy thở tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN

Không những giá thiết bị đang bị đẩy lên cao mà hiện nay rất khó để tìm nơi chịu giao bình oxy. Khách hàng vẫn nhận được lời chào hàng của các cửa hàng và trên các ứng dụng bán hàng nhưng đơn đặt hàng thường bị treo, không giao hàng hoặc hủy luôn đơn hàng.

“Nhà tôi đặt mua một bình oxy loại rẻ, tầm 1 triệu đồng trên ứng dụng nhưng không mua được vì người bán hàng hủy đơn, không giao hàng”, chị Phạm Trâm ở quận 4 nói.

Theo chị Trâm, không chỉ bình oxy khan hiếm trên thị trường mà các thiết bị hỗ trợ thở khác cũng rất khó mua. Sau khi không đặt được bình  oxy, gia đình chị quyết định mua máy thở 5 lít với giá 10 triệu đồng nhưng sau nhiều ngày đặt hàng, cửa hàng hẹn đến ngày 10-8 tới mới giao hàng.

Tại Hà Nội, KTSG Online trong vai một người đi mua máy tạo oxy đã đến các cửa hàng thiết bị y tế trên phố Phương Mai (quận Đống Đa). Nhiều cửa hàng cho biết đang trong tình trạng quá tải đơn đặt hàng bình oxy, máy tạo oxy và máy trợ thở.

Đơn cử, tại cửa hàng của Công ty TNHH thiết bị y tế Hà Nam, mặc dù trên website của công ty này có giới thiệu đến gần 30 sản phẩm máy tạo  oxy nhưng khi khách hàng muốn hỏi mua thì cho biết chỉ còn 3 loại máy trong khoảng mức giá xê dịch từ 12 triệu đến 23 triệu đồng. Các loại máy này có giá bán tăng gấp rưỡi so với mức giá niêm yết trên website – mức giá mà cửa hàng cho biết khi chưa bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 .

Còn giá bán bình oxy ngày 6-8 tại các cửa hàng trên phố Phương Mai loại 8 lít là 1,8 triệu đồng/bình (tăng 300.000 đồng so với cách đây 3 tuần) và loại 40 lít là 3,8 triệu đồng/bình (cách đây 3 tuần không có loại này để bán do cháy hàng).

Lý giải vì sao giá bán bình oxy tăng vọt, các cửa hàng cho biết, kể từ khi số lượng bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam tăng nhanh trong những ngày gần đây, các đơn đặt hàng từ TPHCM với sản phẩm bình oxy cũng tăng mạnh. Vài ngày trước đó, các cửa hàng này không có bình oxy để bán vì toàn bộ sản phẩm được chuyển hết vào miền Nam.

Những người bán hàng cho biết bình oxy tăng giá một phần do thiếu hàng (nhu cầu từ các tỉnh phía Nam cao) vừa do thiếu đồng hồ đo  oxy – thiết bị được bán kèm với bình. Trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát thì những người buôn không trữ đồng hồ. Khi dịch bệnh bùng phát thì việc nhập đồng hồ này từ Trung Quốc không về kịp nên giá tăng gấp 3 lần, từ 300.000 lên 900.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội do lo lắng dịch bệnh nên ngoài việc tìm mua bình oxy, máy tạo oxy còn tìm mua cả máy trợ thở khiến nhu cầu các mặt hàng này bị đẩy lên cao. Hiện giá máy trợ thở rẻ nhất ở khu chợ y tế phố Phương Mai (Hà Nội) khoảng 35 triệu đồng/máy, có loại khoảng 70 triệu đồng/máy.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Trong ảnh là hoạt động của Chương trình ATM Oxy tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Á

Trao đổi với KTSG Online qua điện thoại, Th.S-BS. Phạm Thị Vân Thanh, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vài loại máy tạo oxy có thể hỗ trợ thở cho người bệnh tại nhà nhưng người sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và lựa chọn sản phẩm từ những nhà sản xuất uy tín, tránh mua phải loại hàng nhái, hàng giả, vừa gây tốn kém vừa không đạt hiệu quả.

Riêng với các loại thiết bị chứa oxy y tế tại nhà, bác sĩ Vân Thanh cho rằng không phải là lựa chọn tốt cho người dùng không có chuyên môn. Cụ thể, nếu người dùng không có chuyên môn thì dễ gây ra nguy hiểm cho người bệnh. Nếu không biết cách, oxy truyền vào có thể gây xơ phổi người bệnh.

“Bên cạnh đó, bình chứa oxy y tế dễ gây ra các nguy cơ về cháy nổ hoặc tai nạn nghiêm trọng do xì oxy nếu việc lắp đặt van điều tiết không đúng cách, hoặc khi bình chứa oxy va đập hoặc các thiết bị bung ra với lực cực mạnh”, BS Vân Thanh cho biết tại bệnh viện, bình chứa oxy y tế và thiết bị kết nối được lắp đặt, bảo quản bài bản bởi những người có chuyên môn.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Hơn nữa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.

TPHCM xây dựng hệ thống khí oxy y tế

Liên quan đến việc chuẩn bị oxy y tế cho bệnh nhân Covid-19 trong tình hình khẩn cấp hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa chấp thuận về nguyên tắc xây dựng hệ thống khí oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 theo trình tự, thủ tục xây dựng công trình khẩn cấp.

UBND giao Ban dân dụng và công nghiệp khẩn trương phối hợp với Sở Y tế cùng các cơ sở điều trị xác định quy mô, giải pháp xây dựng hệ thống khí oxy, lập và trình UBND ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Sở Y tế và Sở Xây dựng phải hẩn trương có ý kiến về nhu cầu khí oxy cho từng bệnh viện, thống nhất thiết kế mẫu hệ thống khí oxy, xác định giá hợp lý … để giám sát và hỗ trợ 2 đơn vị trên thực hiện.

Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, việc xây dựng hệ thống oxy cho các bệnh viện quận, huyện điều trị bệnh nhân Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất và kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu oxy.

Trên cơ sở hợp đồng đã ký kết với Công ty Oxy Đồng Nai, UBND TPHCM doanh nghiệp này lắp đặt ngay  bình oxy cho các bệnh viện quận, huyện. Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, lắp đặt bình oxy, bao gồm các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 cho nhân viên của công ty thực hiện việc vận chuyển, lắp đặt.

UBND cũng giao Sở Y tế rà soát ngay nhu cầu lắp đặt thêm bình oxy loại 5 tấn và 10 tấn của bệnh viện quận, huyện để đảm bảo đáp ứng đầy đủ oxy trong thời gian tới.

V.Oanh – N.Hưng – M.Duy

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối